Sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc phát động phong trào “Đại nhảy vọt” vào năm 1958, Trung Quốc đã xảy ra nạn đói kéo dài trong thời gian 4 – 5 năm, nhiều số liệu nghiên cứu chỉ ra hơn 40 triệu người đã thiệt mạng vì kiếp nạn do chính sách duy ý chí này.

Nạn mất mùa chết đói làm hàng chục triệu người Trung Quốc thiệt mạng trong giai đoạn 1958 – 1961 là do con người gây ra. Con số người chết thực sự vì thảm họa này đến nay vẫn là dấu hỏi lớn.
Nạn mất mùa chết đói làm hàng chục triệu người Trung Quốc thiệt mạng trong giai đoạn 1958 – 1961 là do con người gây ra. Con số người chết thực sự vì thảm họa này đến nay vẫn là dấu hỏi lớn.

Trước thập niên 1980, chính quyền Trung Quốc nhận định “Đại nhảy vọt” 1959 – 1961 là “Ba năm thảm họa tự nhiên”, sau đó đã phải đổi cách gọi là “Thời kỳ ba năm khốn khó”. Nghiên cứu lịch sử đã ghi lại, thực tế ba năm này là thời gian mà Trung Quốc mưa thuận gió hòa, không hề xảy ra thảm họa tự nhiên như hạn hán hay lũ lụt nào. Nạn mất mùa làm hàng chục triệu người chết đói này xảy ra hoàn toàn là vì “nhân họa”.

Lý Nhuệ (Li Rui), năm 1959 từng làm thư ký cho Mao Trạch Đông kể lại: “Giơ cao cờ đỏ, chỉ tiêu cao, chỉ huy mù đã phá hoại nền kinh tế quốc dân, làm hàng chục triệu người chết đói, đây là chuyện chưa từng có trong lịch sử từ cổ chí kim”.

Chuyên gia lịch sử Frank Dikotter của Hà Lan cho biết: Bức hại, khủng bố và bạo lực mang tính hệ thống là đặc trưng của thời “Đại nhảy vọt”, đây là trận thảm sát có chủ ý với quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại; “Đại nhảy vọt” cùng thảm sát tại quần đảo Gulag và tội ác của Đức Quốc xã là ba thảm họa lớn nhất thế kỷ 20.

Cuốn «Đại nhảy vọt Trung Quốc: Kho số liệu thảm họa (1958 – 1962)» do Đại học Trung văn Hồng Kông hợp tác cùng Đại học Harvard thực hiện (Tống Vĩnh Nghị chủ biên) đã tổng hợp hơn 7.000 hồ sơ tài liệu, trong đó có hơn 3.000 tài liệu nội bộ của chính quyền Trung Quốc là một trong những công trình nghiên cứu đáng chú ý. Trong phần lời tựa, Tống Vĩnh Nghị cho biết, bản chất của “Đại nhảy vọt” là trận “chiến tranh lương thực” do đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra đối với nhân dân Trung Quốc.

Có thể hơn 40 triệu người chết

Những trường hợp chết không bình thường trong ba năm “Đại nhảy vọt”  bao gồm: chết đói, chết vì dinh dưỡng không tốt, vì trúng độc thức ăn, bị bắt chết trong khi chạy nạn đói, ăn thịt người và bị người khác ăn thịt, tự sát vì quá đau khổ. Vì độ tin cậy của những số liệu thống kê hạn chế nên con số người chết trong thảm họa “Đại nhảy vọt” là bao nhiêu người đến nay vẫn chưa thể khẳng định được. Nghiên cứu của giới học giả cùng những văn kiện nội bộ được chính quyền Trung Quốc thỉnh thoảng cho công bố công khai đều cho thấy, thảm họa “Đại nhảy vọt” đã làm hơn 40 triệu người chết bất thường.

Nghiên cứu của giới học giả trong và ngoài Trung Quốc đại lục  

Trong sách «Thay đổi nhanh chóng về tình hình nhân khẩu Trung Quốc từ 1952 – 1982» xuất bản năm 1984 của Ansley J. Coale, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Nhân khẩu Hiệp hội Nghiên cứu Quốc gia Mỹ (National Research Council) này cho biết, theo thống kê của chính quyền Trung Quốc, số người Trung Quốc chết vì thảm họa “Đại nhảy vọt” từ 1958 – 1963 là 41,8 triệu người, trong đó 16 triệu người chết bất thường; nhưng Ansley J. Coale cho rằng số liệu này không đầy đủ, vì thống kê số người chết của giới chức trách Trung Quốc liên quan đến nạn mất mùa nghiêm trọng năm 1960 chỉ đạt khoảng 66%.

Trong sách «Nhân  họa: “Đại nhảy vọt” và đại mất mùa» xuất bản năm 1991 của học giả Đinh Trữ (Ding Shu), chuyên gia lịch sử Trung Quốc đương đại này đã tính số người chết căn cứ vào mức tăng dân số của Cục Thống kê Quốc gia, theo đó số người chết trong thảm họa “Đại nhảy vọt” vào khoảng 35 – 40 triệu người.

Năm 1993, học giả Kim Huy (Jin Hui) thuộc Đại học Thượng Hải dựa theo số liệu thống kê nhân khẩu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã nghiên cứu và có kết luận: “Chỉ tính số người chết bất thường tại nông thôn Trung Quốc cũng có thể đến 40,4 triệu người”. Nhưng Tạp chí Xã hội Thượng Hải nhận đăng kết quả nghiên cứu này đã bị nhà chức trách Trung Quốc “chỉnh đốn”, bị xử phạt.

Ông Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), cựu ký giả Tân Hoa xã Trung Quốc, qua nhiều năm điều tra nghiên cứu đã viết thành sách «Bia mộ: Nhìn lại đại mất mùa thập niên 60 tại Trung Quốc». Sách lần đầu được xuất bản tại Hồng Kông tháng 5/2008 và đã được đánh giá cao về tính chân thực. Theo số liệu của cuốn sách này thì số người Trung Quốc chết đói từ 1958 – 1962 là 36 triệu người.

Cũng theo sách «Mộ bia», trong thời gian ba năm này mưa thuận gió hòa, vì thế nguyên nhân gây ra nạn đói là vì con người chứ không vì thiên tai. Chính sách “Đại nhảy vọt” đưa ra chỉ tiêu thu hoạch cao cho các địa phương, trưng thu cao… dẫn đến phải giảm tối đa khẩu phần lương thực của người nông dân. Khi số lương thực nộp lên không đủ để báo cáo chính phủ, người nông dân bị ép phải bớt khẩu phần của mình, phải nộp cả phần hạt giống, vì thế mà gây ra thảm họa mất mùa khủng khiếp này.

Theo sách «Mao Trạch Đông và thảm họa mất mùa» xuất bản năm 2010 của chuyên gia lịch sử người Hà Lan Frank Dikotter (tổng hợp các báo cáo nội bộ liên quan đến phong trào “Đại nhảy vọt” được Bộ Công an Trung Quốc cho mở niêm phong), tác giả chỉ ra ít nhất 45 triệu người chết bất thường trong khoảng thời gian từ 1958 – 1962.

Hơn 20 năm trước, ông Trần Nhất Tư (Chen Yizi), Trưởng ban Nghiên cứu Cải cách thể chế Trung Quốc đã điều tra về số người chết trong “Đại nhảy vọt” theo chỉ thị của cố Tổng Bí thư Trung Quốc Triệu Tử Dương, theo đó con số người chết đưa ra là 45 triệu người.

Số liệu nội bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc

Theo sách «Tài liệu lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa» xuất bản tháng 2/1994 ghi: “Số người chết bất thường và số nhân khẩu sinh giảm đi trong thời gian từ 1959 – 1961 vào khoảng 40 triệu người…. Dân số Trung Quốc giảm 40 triệu người, đây là đại nạn mất mùa nghiêm trọng nhất thế giới trong thế kỷ này”.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí «Hoàng Đàm Xuân Thu» kỳ 3/2000, ông Liêu Cái Long (Liao Gailong), Phó Tổng biên tập Tân Hoa xã và Phó Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng trung ương Trung Quốc thừa nhận, số người chết bất thường trong ba năm “Đại nhảy vọt” lên đến 40 triệu người.

Tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) tháng 11/2005 đưa tin, theo hồ sơ giải mật (mở niêm phong) từ 1959 – 1962, tổng số người chết đói vì “Đại nhảy vọt” trên toàn Trung Quốc là 37,558 triệu người, con số cụ thể như sau: năm 1959 là 5,22 triệu người chết đói và chết bất thường trong phạm vi 17 tỉnh trên toàn Trung Quốc, trong đó hơn 958 nghìn người ở đô thị; năm 1960 con số người chết đói và chết bất thường là 11,55 triệu người trên phạm vi 28 tỉnh, trong đó số người chết ở đô thị là 2,72 triệu; số người chết đói và chết bất thường năm 1961 trên toàn quốc là 13,27 triệu người, trong đó 2,117 triệu người đô thị; số người chết đói và chết bất thường năm 1962 là 7,518 triệu người, trong đó 1,078 triệu người đô thị.

Tháng 6/2011, tạp chí Khai phóng tại Hồng Kông đăng bài “Dương Thượng Côn tiết lộ số người chết trong đại mất mùa” của giáo sư Bùi Nghị Nhiên (Pei Yiran) thuộc Học viện Nhân văn Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải. Theo bài viết, ngày 27/12/2009, ông Tân Tử Lăng (Xin Ziling), Giám đốc Nhà xuất bản Học viện Quân sự đã phát biểu trong buổi gặp mặt bạn bè tại Bắc Kinh cho biết, số người chết đói lên đến 37,558 triệu người. Ông Dương Thượng Côn ghi lại trong sổ tay riêng rằng đây là con số đưa ra ở mức tối thiểu, con số người chết đói trên thực tế phải hơn 40 triệu người. Theo ông Dương Thượng Côn, trung ương không được các tỉnh cung cấp số liệu thực về người chết đói trong thảm họa, con số báo cáo chắc chắn giảm bớt nhiều.

Theo trang 103 «Niên giám Thống kê Trung Quốc» ghi lại về dân số Trung Quốc từ 1949 – 1982: Từ 1959 – 1961 dân số Trung Quốc không những không tăng mà còn giảm đi 13,48 triệu người. Ngoài ba năm này thì dân số trong các giai đoạn khác luôn tăng lên rõ rệt.

Dân số Trung Quốc từ 1949 – 1982 trong «Niên giám Thống kê Trung Quốc» xuất bản năm 1983.
Dân số Trung Quốc từ 1949 – 1982 trong «Niên giám Thống kê Trung Quốc» xuất bản năm 1983.

Năm 1982 Trung Quốc thực hiện tổng điều tra nhân khẩu toàn quốc, đây là tổng điều tra dân số toàn quốc lần đầu tiên từ sau Cách mạng Văn hóa. Căn cứ vào kết quả điều tra dân số năm 1982 có thể biết phân bố độ tuổi của dân số toàn Trung Quốc khi đó. Từ biểu đồ cho thấy có chỗ khuyết ở độ tuổi 19 – 22 tuổi. Giai đoạn này chính là thời kỳ đại mất mùa.

Nhiều nông dân hạn chế sinh đẻ trong thời gian này, nhưng tỷ lệ sinh giảm chỉ là một mặt của đứt gãy tuổi tác, một mặt khác là tỷ lệ trẻ em bị chết đặc biệt cao. Tỷ lệ trẻ tử vong trung bình trong vài năm trước giai đoạn mất mùa chỉ khoảng 1%. Còn tỷ lệ tử vong năm 1960 là 2,5%.

Kết cấu tuổi tác theo giới tính của Trung Quốc năm 1982.
Kết cấu tuổi tác theo giới tính của Trung Quốc năm 1982.

Trong sách «Thời kỳ rối ren» (Khúc thiệt đích tuế nguyệt) của học giả Tùng Tiến (Cong Jin) thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc kết luận: “Theo tính toán, dân số Trung Quốc năm 1959 là 672 triệu người, năm 1960 là 662 triệu người, nghĩa là giảm đi 10 triệu người; năm 1961 là 659 triệu người, giảm 13 triệu người so với năm 1959. Căn cứ vào tỷ lệ tăng dân số thời điểm đó, trong tình huống bình thường thì dân số năm 1961 sẽ tăng khoảng 27 triệu người so với năm 1959, như vậy tính cộng số người chết bất thường và tỷ lệ sinh giảm đi trong giai đoạn 1959 – 1961 thì vào khoảng 40 triệu người”.

Con số 35 – 40 triệu người chết có nghĩa gì?

Đã có nghiên cứu hoặc số liệu cho thấy, có ít nhất 35 – 40 triệu người thiệt mạng trong thời “đại mất mùa”; đây là con số tương đương dân số một quốc gia hạng trung.

Trong tác phẩm «Mộ bia», cựu ký giả Tân Hoa xã Dương Kế Thằng cho biết, nếu số người chết 36 triệu người trong “đại mất mùa” tương đối chính xác, vậy thì con số này gấp 450 lần số người chết vì bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Nagasaki của Nhật Bản ngày 9/8/1945, gấp 150 lần so với đại địa chấn tại Đường Sơn (240.000 người thiệt mạng).

Tác giả Dương Kế Thằng còn cho biết, số người chết do “thảm họa mất mùa” này gây ra còn nhiều hơn số người chết trong Thế chiến thứ Nhất; mức tàn khốc vượt xa Thế chiến thứ Hai.

Tạ Thiên Kỳ

Xem thêm: