Gần đây chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra quy tắc mới hạn chế quan chức ra nước ngoài. Những năm qua Trung Quốc ngày càng thắt chặt quản lý ngăn chặn tham quan trốn ra nước ngoài, quan trường chìm trong bầu không khí “ngày tận thế”, các tham quan luôn chuẩn bị tư thế sẵn sàng “nhảy thuyền”.

GettyImages 476752573
Chính quyền Trung Quốc nhung nhúc tham quan, tình trạng đã làm thể chế bước vào giai đoạn nguy hiểm, chỉ cần có biến động nhỏ có thể họ sẽ đua nhau “nhảy thuyền”. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Ngày 5/12, tờ Tin tức Bắc Kinh (Bjnews) dẫn tin từ trang thông tin của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Bắc Kinh cho biết, Tổ Quản lý Kiểm tra Kỷ luật trú tại Ban Tài nguyên nhân lực và Bảo vệ xã hội đôn đốc cơ quan này ban hành “Thông tư về việc Tăng cường quản lý giấy tờ nhân viên công tác ra nước ngoài vì việc riêng” và “Phương pháp quản lý tạm thời nhân viên công tác ra nước ngoài vì việc riêng”.

Theo quy định này, tất cả các công chức đang công tác đều phải nộp lại các giấy tờ liên quan đến vấn đề xuất cảnh của cá nhân (gồm hộ chiếu, giấy thông hành đến Hồng Kông – Ma Cao và giấy thông hành công dân Trung Quốc Đại Lục đến Đài Loan) để tập trung quản lý, không có ngoại lệ; những ai không giao nộp sẽ bị xử lý nghiêm.

Trường hợp công chức đang làm nhiệm vụ ra nước ngoài vì việc riêng, quy định yêu cầu họ phải ký cam kết, hứa trong thời gian ở nước ngoài nếu có hành vi vi phạm kỷ luật thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Khi ra nước ngoài phải thông qua người phụ trách chính của đơn vị sự nghiệp nơi người đó làm việc, thông qua Ban Kiểm tra Kỷ luật của cơ quan. Bất cứ ai bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật sẽ không được giải quyết thủ tục cho ra nước ngoài trước khi được làm rõ.

Thực tế, quy định về hạn chế công chức Trung Quốc ra nước ngoài đã sớm được chú ý. Mấy năm trước, sau khi ông Tập Cận Bình mới lên cầm quyền, vấn đề thu hộ chiếu đã từng được áp dụng. Ngày 19/6/2015, tờ Thông tin Bắc Kinh đưa tin, Bắc Kinh đang siết chặt quản lý công chức cấp cơ sở ra nước ngoài, thu toàn bộ hộ chiếu của cán bộ cấp phòng/ban (thuộc các Sở) trở xuống. Thông tin cho biết, đây là hành động tiếp theo sau quy định thắt chặt quản lý công chức ra nước ngoài của Ban Tổ chức Trung ương năm 2014, khi đó chỉ hạn chế cán bộ cấp xã/huyện (cấp xử) trở xuống.

Thu hộ chiếu là chính sách mới của Trung Quốc trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng được đẩy mạnh. Ngày 16/9/2015, Nhật báo Quảng Châu đưa tin, để ngăn chặn công chức chạy trốn ra nước ngoài, gần đây Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Quảng Châu đã thu hồi hộ chiếu của toàn bộ công chức thành phố để thống nhất quản lý.

Ngày 17/6 năm nay, đài Á châu Tự do (VOA) chỉ ra, để ngăn chặn quan chức Trung Quốc mang vàng trốn ra nước ngoài, chính quyền Trung Quốc quy định thắt chặt kiểm soát công chức và cán bộ doanh nghiệp nhà nước ra nước ngoài, có thể hủy bỏ chế độ một năm một lần ra nước ngoài đối với một phần cán bộ quan chức. Hiện nay với tình hình ngày càng nghiêm trọng, chế độ này sẽ được mở rộng đến tất cả công chức trên toàn quốc.

Không khí “ngày tàn” bao phủ

Những năm qua, thực trạng quan chức Trung Quốc có người thân thường trú ở nước ngoài ngày càng gia tăng. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Canada và Mỹ từng là lựa chọn hàng đầu của tham quan Trung Quốc, nhưng hiện nay phạm vi bao gồm tất cả các nước phát triển châu Âu.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc năm 2008, từ thập niên 90 đến thời điểm đó, có khoảng 16000 – 18000 người “biến mất” khỏi Trung Quốc mang theo khoảng 800 tỷ Nhân dân tệ, trong số này có rất nhiều quan chức, thương nhân.

Tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) số tháng Tư năm nay chỉ ra, theo một tài liệu bị nhà nước Trung Quốc cấm phổ biến: Trong 205 Ủy viên Ủy ban Trung ương khóa 18 (gồm cả người đã bị khai trừ), 171 Ủy viên Dự khuyết Trung ương (gồm cả người bị khai trừ), có ít nhất 115 người có con cái có quyền tạm trú hoặc có quốc tịch ở người ngoài. Trong 161 Ủy viên Ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc thứ 12 (gồm cả người đã bị khai trừ) có hơn 40 người có con cái có quyền tạm trú hoặc có quốc tịch ở người ngoài.

Cũng theo Tạp chí Tranh Minh (số tháng Mười năm nay), trước Đại hội 19, số quan chức có người thân ở nước ngoài này bị phát hiện so với con số 300.000 trước đó đã tăng hơn ba lần, lên đến hơn một triệu người. Trong đó hơn 485.000 người là cán bộ Đảng viên. Các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tô, Thượng Hải, Bắc Kinh đều có hơn 100.000 quan chức như vậy.

Ngoài quan chức cấp cao, quan chức cấp thấp cũng đã sẵn sàng chuẩn bị tháo chạy khi có biến. Ngày 16/5/2015, ông Vương Yến Văn (Wang Yanwen) Trưởng ban Tuyên truyền và Ủy viên Thường vụ tỉnh Giang Tô có bài viết thừa nhận nhiều quan chức của Đảng “thân tại Tào tâm tại Hán” (thân ở trong nước nhưng đang chuẩn bị sẵn sàng chạy nước ngoài), họ đã cho người thân và chuyển tài sản ra nước ngoài, chuẩn bị tư thế sẵn sàng “nhảy thuyền”.

Nhà bất đồng chính kiến Hồ Giai (Hu Jia) sống ở Trung Quốc từng chia sẻ với VOA rằng, chế độ chuyên chế là môi trường lý tưởng để những kẻ hủ bại vơ vét, nếu thể chế không thay đổi thì tham quan hủ bại ngày càng xuất hiện nhiều. Hồ Giai  nói: “Những quan chức các cấp có lý tưởng chính trị, muốn chống tham nhũng, thông thường cuối cùng xảy ra hai trường hợp: hoặc là kiên định chống, nhưng một ly nước không thể dập được một xe củi bị cháy, anh ta sẽ thất bại; hoặc là câu kết kẻ hủ bại, chia chác nhau cùng hưởng, sau đó tìm cơ hội trốn ra nước ngoài.”

Tuyết Mai

Xem thêm: