“Thái tử Đảng” từng là một phe phái chính trị quan trọng, nhưng đã biến mất hoàn toàn tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nguyên nhân không phải bị phe ông Giang Trạch Dân lật đổ, cũng không phải bị phái Đoàn Thanh niên (phái Đoàn) đánh đổ, mà bị chính ông Tập Cận Bình đích thân hạ bệ.

thai tu dang
Thế lực “thái tử Đảng” lần lượt bị ông Tập Cận Bình hạ bệ (Ảnh: Getty Images)

Đêm trước Đại hội 19, nhờ sự sắp xếp chu toàn của ông Tập Cận Bình, hầu như toàn bộ phe “thái tử Đảng” và “Hồng nhị đại” (chỉ con cháu những công thần của ĐCSTQ) đều không trúng cử Đại biểu Đảng, không thể bước được vào cánh cửa Đại Lễ đường Nhân dân. Trong số đó có ông  Mao Tân Vũ (cháu Mao Trạch Đông), Chu Hòa Bình (cháu Chu Đức, cựu Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc), Hồ Đức Bình (cháu cựu Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang), Lưu Nguyên, Lưu Hiểu Giang, Lưu Á Châu, Ngô Thắng Lợi, Mã Hiểu Thiên, Trương Hải Dương…

Theo dõi Đại hội 19, nhiều người có chung quan điểm cho rằng, hầu như toàn bộ “đội quân nhà Tập” đã lên cầm quyền, phái Đoàn bị thất thế, phái Giang tổn thất nặng. Nhưng dường như ít người chú ý đến có một phái đã tiêu vong. Đó là phe “thái tử Đảng” từng chiếm thế áp đảo tại Đại hội 17 và Đại hội 18, từng là một phe phái chính trị quan trọng trong đảng, nhưng đến Đại hội 19 đã hoàn toàn “bốc hơi”.

Nhìn lại Đại hội 17 năm 2007, khi đó nhiều “thái tử Đảng” bắt đầu nắm quyền, trong đó có những nhân vật nổi bật như ông Tập Cận Bình (con nguyên lão, cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân), và Bạc Hy Lai (con nguyên lão, cựu Phó Thủ tướng Bạc Nhất Ba).

Đến Đại hội 18 năm 2012 là thời điểm phe “thái tử Đảng” nổi lên tiếp quản quyền lực. Trong số 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị thì có 3 thái tử Đảng gồm Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn (con rể nguyên lão Diêu Y Lâm) và Du Chính Thanh (con của ông Hoàng Kính là chồng cũ của bà Giang Thanh). Ngoài ra còn có Trần Nguyên (con nguyên lão Trần Vân) nhậm chức Phó Chủ tịch Chính hiệp. Ủy ban Quân sự Trung ương Khóa 18 có 11 người thì 4 người là “thái tử Đảng”, gồm Tập Cận Bình, Trương Hựu Hiệp (con nguyên lão Trương Tôn Tốn, nhậm chức Bộ trưởng Tổng bộ Trang bị), Ngô Thắng Lợi (con cựu Bí thư tỉnh Chiết Giang là Ngô Hiến, nhậm chức Tư lệnh Hải quân), Mã Hiểu Thiên (con một Đại tá Giải phóng quân, cha vợ là Trung tướng Giải phóng quân, được nhậm chức Tư lệnh Không quân).

Trong giới lãnh đạo cấp cao quân đội còn có Lưu Nguyên (con cựu Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, nhậm chức Chính ủy Tổng bộ Hậu cần), Lưu Hiểu Giang (con rể cựu Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang, nhậm chức Chính ủy Hải quân), Lưu Á Châu (con rể cựu Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, nhậm chức Chính ủy Đại học Quốc phòng), Trương Hải Dương (con cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trương Chấn, nhậm chức Chính ủy Pháo binh 2), tất cả là Thượng tướng, nắm giữ những vị trí quan trọng. Nghĩa là toàn bộ binh quyền, từ Lục quân, Hải quân, Không quân đều nằm trong phe “thái tử Đảng”.

Từ Đại hội 17 đến Đại hội 18, hình thành thế kiềng ba chân, gồm: phái “thái tử Đảng”,  phái Đoàn, phái Giang.

Nhưng đến Đại hội 19, trong giới lãnh đạo tối cao ĐCSTQ, phe thái tử Đảng chỉ còn lại ông Tập Cận Bình và ông Trương Hựu Hiệp. Ông Tập Cận Bình là “thái tử Đảng” duy nhất trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông Trương Hựu Hiệp là “thái tử Đảng” duy nhất trong Bộ Chính trị. Ông Trương Hựu Hiệp nhậm chức Phó Chủ tịch Quân ủy kiêm Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên nhân vì cha của ông Trương Hựu Hiệp là Trương Tôn Tốn và cha ông Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân từng là bạn chiến đấu, quan hệ thân thiết nhau. Trong thời chiến tranh, ĐCSTQ có đội quân gọi là “quân dã chiến Tây Bắc”, khi đó ông Tập Trọng Huân là Phó Chính ủy, còn ông Trương Tôn Tốn là Phó Tư lệnh. Con cái của họ là Tập Cận Bình và Trương Hựu Hiệp cũng nối tiếp thành bạn thân. Ông Trương Hựu Hiệp là người thật thà, không có dã tâm chính trị, là nhân vật “thái tử Đảng” duy nhất được ông Tập Cận Bình tín nhiệm.

Năm 2015, thượng tướng Trương Hựu Hiệp (Bộ trưởng Tổng bộ Trang bị Giải phóng quân) từng nhận lệnh khẩn cấp dẫn Quân đoàn 38 xông vào Trung Nam Hải dẹp âm mưu chính biến của Cục Cảnh vệ Trung ương, giải cứu ông Tập Cận Bình. Khi đó ông Cục trưởng Tào Thanh và Phó Cục trưởng Vương Khánh đều bị bắt đi, lấy cớ thuyên chuyển công tác. Sau đó ông Tập Cận Bình cùng ông Trương Hựu Hiệp và Lật Chiến Thư phối hợp quét sạch thế lực của Cục Cảnh vệ Trung ương.

Từng là một gọng kìm chính trị quan trọng, phe “thái tử Đảng” đã hoàn toàn biến mất tại Đại hội 19, không phải bị phái Giang lật đổ, cũng không phải bị phái Đoàn lật đổ, mà chính ông Tập Cận Bình ra tay thanh trừng. Thủ đoạn làm tan rã phe “thái tử Đảng” này có thể chia thành 3 bước:

Bước thứ nhất, năm 2012, nhân sự kiện Phó Thị trưởng Trùng Khánh là Vương Lập Quân chạy trốn vào Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, ông Tập Cận Bình được hỗ trợ của các cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, đã hạ bệ ông Bạc Hy Lai – Bí thư Trùng Khánh kiêm Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Bạc Hy Lai là nhân vật “thái tử Đảng” có thế lực nhất, có khả năng đe dọa vị trí của ông Tập Cận Bình. Bạc Hy Lai đã bị giam trong nhà ngục Tần Thành, bị xử tù vô thời hạn. Sự kiện này là cột mốc tan rã phe “thái tử Đảng”. Sự kiện đầy kịch tính này cũng là bước ngoặt của cục diện đấu tranh quyền lực trong giới lãnh đạo tối cao Bộ Chính trị: ông Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào liên thủ đối đầu Giang Trạch Dân.

Bước thứ hai, sau Đại hội 18 ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo cao nhất, thông qua cải tổ nhân sự và cải cách quân đội, đã loại hàng loạt nhân vật “thái tử Đảng”, đặc biệt là những “thái tử Đảng” trong quân đội. Những nhân vật quan trọng bị hạ bệ gồm Thượng tướng Lưu Nguyên, Lưu Hiểu Giang, Lưu Á Châu, Ngô Thắng Lợi, Mã Hiểu Thiên và Trương Hải Dương. Ông Tập Cận Bình đã diễn lại vở kịch của Triệu Khuông Dận (927 – 967) thời Bắc Tống.

Bước thứ ba, trước Đại hội 19 ông Tập Cận Bình đã có bố trí chu toàn để loại toàn bộ phe “thái tử Đảng”, không để bất cứ ai bước được vào được cánh cửa Đại Lễ đường Nhân dân. Trong số này bao gồm có  Mao Tân Vũ, Chu Hòa Bình, Hồ Đức Bình, Lưu Nguyên, Lưu Hiểu Giang, Lưu Á Châu, Ngô Thắng Lợi, Mã Hiểu Thiên, Trương Hải Dương…

Ông Tập Cận Bình hiểu sâu sắc rằng, so với phái Đoàn và phái Giang, sức ép quyền lực của những “thái tử Đảng” mới đáng ngại hơn cả. Xét về yếu tố huyết thống đỏ và gen đỏ, họ cũng có như ông Tập Cận Bình. Nếu có xu thế chống ông Tập từ trong đảng để tìm người thay thế thì trước tiên phải chọn trong số những “thái tử Đảng”. Đây là truyền thống truyền lại từ thời phong kiến Trung Quốc. ĐCSTQ được xem là “triều đại Đỏ”, về bản chất vẫn không khác gì các vương triều chuyên chế thời phong kiến. “Bên cạnh giường mình ngủ, sao có thể cho người khác ngáy”, đây là giáo huấn truyền qua các vương triều phong kiến. Là một “thái tử Đảng”, ông Tập Cận Bình hiểu sâu sắc thuật làm vua, hiểu sâu sắc trò quyền lực trong cung đình.

Để thực hiện được độc tài quyền lực, phải chặn đứng âm mưu tranh giành của những “thái tử Đảng” khác, vì thế ông Tập Cận Bình phải triệt hạ những đối thủ có khả năng đe dọa vị thế của mình. Từ một thế lực chính trị quan trọng được vun trồng qua nhiều năm, nhưng đến nay phe “thái tử Đảng” đã bị loại khỏi vũ đài lịch sử, hiện chỉ còn “quân nhà Tập”. Như vậy, trong chiếc kiềng ba chân phái Giang, phái Đoàn và “thái tử Đảng”, hiện “thái tử Đảng” được thay thế bằng “quân nhà Tập”. Trong đối sánh với phái Giang và phái Đoàn, hiện nay “đội quân nhà Tập” có thế mạnh nổi trội hơn nhiều.

Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Trần Phá Không

Xem thêm: