Tiếp sau dịch vụ dùng chung xe đạp Wukong (Ngộ Không), Kuqi Bike, Ding Ding Bike, 3V Bike và Bluegogo đóng cửa thì đến nay, dịch vụ dùng chung xe đạp thứ 6 có tên Xiaoming (Tiểu Minh) cũng đang đối mặt với nguy cơ sắp bị “khai tử”. Nhân viên của công ty này cho biết đã mất liên lạc với nhà đầu tư và không thể lấy được tiền lương.

haikou 83360 960 720
Dich vụ dùng chung xe ở Trung Quốc (Ảnh: Pixabay)

Ông chủ nợ lương nhân viên và mất liên lạc

Theo The Wall Street Journal đưa tin, tối ngày 23/11, một nhân viên đã thôi việc của dịch vụ dùng chung xe đạp Tiểu Minh chia sẻ trên Wechat rằng, nhà đầu tư của công ty là Đặng Vĩnh Hào đã mất liên lạc, 99% nhân viên của công ty cũng đã bị sa thải, trong khi đó công ty cung ứng xe đạp cho công ty Tiểu Minh là Kailushi Bicycle cũng đang nợ tiền lương của toàn bộ nhân viên.

Về vấn đề này, ngày 25/11, ông Đặng Vĩnh Hào có lên tiếng rằng: “Mất liên lạc đơn thuần là câu nói vô căn cứ”; tuy nhiên CEO của Tiểu Minh là Trần Vũ Oánh cho biết, bà đã rời chức vụ từ hồi cuối tháng 10, Tiểu Minh đúng là đang gặp phải khó khăn về tài chính.

Bà Trần Vũ Oánh cho biết thêm, mặc dù mô hình dùng chung xe đạp mới được thành lập tại Trung Quốc Đại Lục không lâu, nhưng định giá quá cao. Ngoài ra, trong ngành này cũng tương đối hỗn loạn, các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, nhiều khi miễn cả tiền cho thuê xe, dẫn đến không có dòng vốn tiền mặt lưu thông khiến quản lý tiền đặt cọc của khách hàng xuất hiện nhiều vấn đề. Ngoài ra bà còn cho biết thêm, ngành dùng chung xe đạp nếu chỉ dựa vào mô hình cho thuê thì lợi nhuận không cao.

Theo tờ “Tài chính Dễ Dàng” đưa tin hôm 25/11, người nắm giữ cổ phần của Tiểu Minh là ông Đặng Vĩnh Hào cho rằng, vấn đề chủ yếu của dịch vụ dùng chung xe đạp nằm ở chỗ mô hình lợi nhuận, do khách dùng xe có thể tùy ý dừng trả xe ở bất cứ đâu nên tổn thất rất lớn, chỉ đơn thuần dựa vào mức thu phí 0,5 tệ (khoảng 1700 vnd) mỗi lần thì không cách nào thu hồi vốn được.

Trước đó, CEO Cao Duy Vĩ của dịch vụ dùng chung xe đạp Kuqi Bike cũng từng lên tiếng chỉ trích sự cạnh tranh không lành mạnh của các hãng khác cùng ngành.

Ông cho biết, hiện tại trong ngành so sánh mức vốn rót vào, xem ai rót vào nhiều tiền, nhưng kết quả đều không khả quan, cuối cùng khiến cho cả ngành và người dùng đều là kẻ thua cuộc. Cơ quan giám sát quản lý, người trong ngành, người dùng đều có trách nhiệm. Chính phủ cũng không có quy hoạch trước, cho nên vừa mới bắt đầu thì mọi người đều cạnh tranh không có trật tự nào.

1 năm có tới 6 công ty đóng cửa, dịch vụ dùng chung xe thất bại?

Dịch vụ dùng chung xe đạp Ngộ Không thành lập hồi đầu tháng 1/2017, sau 5 tháng hoạt động, tổng cộng có 1200 chiếc xe đạp, nhưng 90% đã “mất tích”, đến tháng 6 thì công ty này tuyên bố rút lui khỏi thị trường dùng chung xe đạp.

Ding Ding Bike được thành lập ngày 18/12/2016, đến tháng 8/2017 thì tuyên bố đóng cửa.

Còn Kuqi Bike, cuối tháng 9 vừa qua, do khó khăn trong vấn đề trả tiền cọc cho khách hàng, đến ngày 20/10 trang mạng của công ty cũng chính thức đóng cửa.

Hồi tháng 2/2017, V3 Bike bắt đầu hoạt động, sau 4 tháng kinh doanh, 1000 chiếc xe đạp thì chỉ sót lại khoảng 10 chiếc, một số khu vực thậm chí bị lấy trộm mất 100%, do đó mà buộc phải ngừng kinh doanh.

Về dịch vụ dùng chung của  Bluegogo, nhân viên của Bluegogo tiết lộ, đến ngày 14/11 vừa qua, phần lớn nhân viên đã nghỉ việc, tiền lương của nhân viên sẽ bị nợ đến ngày 10/2/2018, công ty cũng sắp đóng cửa. Người sáng lập kiêm CEO của Bluegogo là Lý Cương cũng gửi một lá thư công khai xác nhận thất bại, “tôi đã phụ lòng các vị, tôi xin lỗi“.

Trên thực tế, ngành dịch vụ dùng chung của Trung Quốc đã sớm bị dư luận nghi ngờ rằng liệu có tồn tại được lâu.

Chính quyền Trung Quốc từng tự hào nói rằng “dịch vụ dùng chung xe đạp” là một trong “bốn phát minh mới” của Trung Quốc, nhưng nhà đầu tư Chu Tiêu Hổ từng ngắt lời nói “bước tiếp theo sẽ là thanh lý thị trường, khiến toàn bộ các công ty nhỏ bị dẹp bỏ. Trong vài tháng tới, có thể sẽ có ngày càng nhiều start up về xe đạp tự đóng cửa.

Từng có người nói thẳng, hàng loạt dịch vụ dùng chung “nổi lên” ở Trung Quốc, bắt nguồn từ nguồn vốn quá dư thừa, nhưng hiện tượng này cũng cho thấy người Trung Quốc thiếu những ý tưởng hay.

Cũng có nhiều người dân Đại Lục trong quá trình bàn tán thảo luận về hiện tượng này trê mạng Internet đã rút ra kết luận, “dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kinh doanh dịch vụ dùng chung ở Trung Quốc không thể thực hiện được, xuất hiện cái nào là chết cái đó.”

Thanh Thảo

Xem thêm: