Yemen đang chìm trong khủng hoảng. Trong khi dân thường đang phải chịu nạn đói, những kẻ khủng bố như IS và al-Qaeda lại xây dựng các trại huấn luyện ngay trong lòng đất nước, và các chính phủ nước ngoài đang trực tiếp tham chiến tại đây hoặc tài trợ cho các nhóm chiến binh địa phương.

Trước đây, quân đội Hoa Kỳ thường xuyên duy trì sự hiện diện an ninh tại Yemen, cho tới khi chính quyền của cựu Tổng thống Obama giảm dần quân số và cuối cùng rút hết quân đội.

Vào tháng 3/2015, Mỹ tuyên bố rút hết số quân còn lại khỏi Yemen trong khi các nhóm phiến quân Houthi, khủng bố al-Qaeda và IS khiến tình hình an ninh nơi đây trở nên tồi tệ hơn.

Kể từ đó, tình hình Yemen ngày càng xấu đi. Ngày 20/3 vừa qua, ReliefWeb – một cơ quan của tổ chức nhân đạo thuộc Liên Hiệp Quốc đã thông báo rằng cuộc chiến đang leo thang trở lại ở khu bờ Tây. “Dân thường đang trong tình cảnh khốn khó, và hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói“, báo cáo viết.

Thông báo trên ghi nhận 70% người dân Yemen hiện đang phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ để sống qua ngày. Nhưng chiến tranh đã phá hủy đường xá và các cơ sở hạ tầng khác, hệ thống quản lý quan liêu cũng cản trợ nỗ lực viện trợ…những điều này gây rất nhiều khó khăn cho các tổ chức thực hiện cứu trợ khẩn cấp. Chứng kiến Yemen đang phải đối mặt với tương lai nạn đói hoành hành trên diện rộng, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói: “Không còn nhiều thời gian cho chúng ta để thay đổi thảm họa này.”

Yemen chỉ là một phần của xung đột lớn hơn

Theo Robert J. Bunker, Giáo sư nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, tình hình tại Yemen có liên quan đến cuộc xung đột sâu sắc hơn đằng sau Syria. Ông nói rằng Ả rập Xê út và Iran đang “tham gia vào cuộc chiến sắc tộc giữa người Sunni chống lại Shia để giành tầm ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực Trung Đông, với Syria và Yemen là hai mặt trận điển hình cho nhiều cuộc đụng độ khác đang diễn ra tại khu vực này.”

Tại Yemen, Hoa Kỳ hậu thuẫn cho Ả rập Xê út, và Iran đứng đằng sau lực lượng đối lập – bao gồm phiến quân Houthi và các tổ chức khủng bố như al-Qaeda và IS. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi IS cũng gây chiến với phiến quân Houthi, trong khi al-Qaeda lại cố gắng tìm cách lôi kéo chiến binh IS gia nhập hàng ngũ của mình.

Các nhóm khủng bố đã hoạt động thời gian đủ lâu trong khu vực để dễ dàng bám rễ sâu tại đây. Theo kênh truyền thông Vocativ của mình, IS tuyên bố đã thành lập trại huấn luyện tại Yemen vào tháng 7/2015. Nhóm này cũng phát lên mạng các hình ảnh cho thấy chúng đang tiến hành huấn luyện lính chiến.

Mặt khác, al-Qaeda đã duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khoảng thời gian dài tại Yemen. Đây chính là nơi chúng đặt chi nhánh cho khu vực bán đảo Ả rập – nhóm liên kết mạnh mẽ nhất của tổ chức khủng bố khét tiếng này.

Drew Berquist, Chuyên gia chống khủng bố của Uỷ ban tình báo Mỹ và cũng là người sáng lập OpsLens, một trang web đưa thông tin bình luận hàng ngày về các vấn đề an ninh quốc gia, cho biết: “Đó là một tình huống nguy hiểm. Chúng ta rút quân, và sự hiện diện của chúng ta tại đây thấp hơn rất nhiều so với những gì nên có“.

Ông nói thêm: “Chúng ta thấy tình huống này lặp đi, lặp lại. Vô hình chung, chúng ta cho bọn họ thời gian và không gian để lên kế hoạch và hành động, họ có quyền kiểm soát, và có thể gây ra những mối đe dọa lớn hơn cho phương Tây và những nước khác.

Chính quyền Trump sẽ làm khác những gì Obama thực hiện tại Yemen và Trung Đông

Vào ngày 29/1 vừa qua, đội SEAL 6 (lực lượng đặc biệt của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ) đã đột nhập vào một căn cứ khủng bố tại Yemen. Đây là một trong số ít hoạt động trên đất liền của Mỹ tại Yemen và cũng là cuộc tấn công chống khủng bố đầu tiên được thực hiện dưới sự điều hành của chính quyền Trump. Thư ký báo chí Nhà Trắng, Sean Spicer nói trong một cuộc họp báo vào ngày 7/2 rằng vụ đột kích này là nhằm thu thập thông tin tình báo.

Mặc dù, SEAL 6 đã thu thập được thông tin tình báo, nhưng cuộc đột kích này vẫn vấp phải tổn thất không nhỏ. Một thủy quân có tên William “Ryan” Owens đã bị bọn khủng bố giết chết và một chiếc máy bay trị giá 75 triệu USD đã bị phá hủy.

Trong một bài phát biểu tại Quốc hội vào ngày 28/2, Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi sứ mệnh này và cá nhân Ryan Owens: “Ryan đã anh dũng hy sinh, một chiến binh, một người anh hùng đã đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta“.

Thông tin thêm về cuộc đột kích cũng được tiết lộ bởi tờ Washington Times. Tờ báo này đã cho đăng tải một bài đánh giá hậu nhiệm vụ của SEAL 6 nói rằng sứ mệnh đó đã không bị tổn thương nhiều như những gì đã được đồn đại ban đầu trong các bản tin trên phương tiện truyền thông. Và cũng tiết lộ thêm chi tiết rằng “kẻ thù đã sẵn sàng chiến đấu hơn dự kiến và lính đặc nhiệm Mỹ đã bị bất ngờ bởi những phụ nữ bên trong tòa nhà biết sử dụng vũ khí.”

Bài báo chỉ ra rằng một ngôi nhà trong căn cứ khủng bố là nơi dành riêng cho các thành viên trong gia đình của bọn khủng bố và không được lính Mỹ chú ý. Tuy nhiên, nhận thức này đã thay đổi khi “những phụ nữ ở đó cầm súng và bắt đầu bắn.

Khi đó, lính đặc nhiệm Mỹ đã bị đặt trong tình huống khó xử và buộc phải lựa chọn giữa việc có khả năng bị bắn chết hoặc phải nã đạn vào những người phụ nữ đang cầm súng kia.

Berquist nói: “Những nhiệm vụ như này không phải lúc nào cũng trôi chảy,” và lưu ý rằng đó chỉ là “mọi người không luôn luôn được nghe về nó.”

Đề cập tới những lời chỉ trích, Chuyên gia chống khủng bố này phản biện: “Tôi nghĩ rằng quả thực đó là hành động chống khủng bố trên thực địa đầu tiên dưới thời Trump, do đó, đây là một điều mà người ta có thể dùng để tấn công ông ấy.”

Không có viễn cảnh Mỹ quay lại

Theo thông tin từ tờ New York Times, lấy nguồn tin từ một quan chức Hoa Kỳ giấu tên, cho biết ngay sau sứ mệnh của SEAL 6, chính phủ Yemen đã lập tức thu hồi giấy phép trao quyền cho các Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ thực hiện các nhiệm vụ cơ bản chống lại các tên khủng bố bị tình nghi trong lãnh thổ nước này.

Ngày 14/3, Kênh CNN cũng trích dẫn từ một nguồn tin giấu tên, cho biết rằng Tổng thống Trump đã cho phép Lầu Năm Góc bổ sung quyền chỉ huy các cuộc đột kích ở Somalia và Libya. Vẫn chưa rõ chỉ lệnh này có bao gồm các cuộc tấn công trên mặt đất hay chỉ giới hạn ở những cuộc không kích bằng chiến đấu cơ không người lái. Dù vậy, tờ Independent có trụ sở tại Anh cho hay quân đội Mỹ đã tiến hành tới 40 cuộc không kích ở Yemen từ ngày 1 đến 15/3.

Giáo sư Bunker kết luận khi mọi việc tiến triển, có khả năng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khởi động các đợt đột kích khác tại Yemen nhằm mục đích thu thập tin tình báo hoặc chống khủng bố, nhưng ông không tin rằng nó sẽ trở thành một hoạt động quy mô lớn. Ông nhấn mạnh: “Khả năng sẽ có những lực lượng hoạt động đặc biệt lẻ tẻ của Hoa Kỳ sẽ buộc phải hiện diện tại Yemen nhằm đạt được các mục tiêu giới hạn, nhưng tôi không nhìn thấy viễn cảnh một lực lượng quy mô lớn của Mỹ xuất hiện trên thực địa tại quốc gia Trung đông này”.

Với việc khủng bố hoành hành, sức mạnh ninh quốc gia yếu kém và Mỹ không quay trở lại, thường dân đang sống trong chảo lửa Yemen không biết bao giờ mới được thấy hòa bình.

Minh Tâm

Xem thêm: