Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha hôm thứ Năm (5/10) đã ra lệnh đình chỉ phiên họp của nghị viện khu vực Catalonia dự kiến tổ chức vào thứ Hai (9/10) để đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Ông Carles Puigdemont and bà Carme Forcadell là những lãnh đạo chủ chốt của phong trào đòi độc lập cho xứ Catalonia.

Chủ tịch nghị viện Catalonia Carme Forcadell đã cáo buộc chính quyền Madrid sử dụng tòa án để giải quyết các vấn đề chính trị và nói rằng quốc hội khu vực sẽ không bị kiểm duyệt. Tuy nhiên bà Chủ tịch nói rằng các lãnh đạo nghị viện chưa đưa ra quyết định liệu có thách thức tòa án trung ương và vẫn tổ chức phiên họp hay không.

Quyết định đình chỉ mới nhất của Tòa án Hiến pháp càng tăng thêm mức độ căng thẳng của một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại Tây Ban Nha kể từ khi chính quyền của nhà độc tài quân sự Francisco Franco sụp đổ vào năm 1975.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy kêu gọi lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont hãy dừng ngay kế hoạch độc lập hoặc sẽ phải đối mặt với nguy cơ “tổn hại lớn hơn”.

Các chính trị gia ủng hộ Catalonia ly khai khỏi Tây Ban Nha đã cam kết sẽ đơn phương tuyên bố độc lập vào phiên họp nghị viện hôm thứ Hai (9/10) sau khi đã tổ chức trưng cầu dân ý vào Chủ Nhật (1/10) – một cuộc bỏ phiếu bị chính quyền Madrid cấm và ra sức cản trở bằng sự trấn áp của lực lượng cảnh sát quốc gia.

Tòa án Hiến pháp cho biết họ cũng đã đồng ý xem xét một kiến nghị hợp pháp của Đảng Xã hội chủ nghĩa Catalonia, chống những người đòi ly khai.

Ngay sau có thông tin về việc Tòa án ra lệnh đình chỉ phiên họp của nghị viện Catalonia, cổ phiếu Tây Ban Nha vốn đang bị ảnh hưởng bởi những bất ổn chính trị ở Catalonia đã tăng trở lại theo nhận định có thể ngăn chặn được tuyên bố ly khai. Chỉ số chứng khoán IBEX chính tăng 2.5%.

Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos trao đổi với Reuters về cuộc khủng hoảng hiện tại đang tàn phá nền kinh tế Catalonia. Ông Guindos cho hay: “Tình huống hiện thời tạo ra sự không chắc chắn, điều này đang làm tê liệt tất cả các dự án đầu tư tại Catalonia. Tôi tin rằng, vào thời điểm này, không có nhà đầu tư quốc tế hoặc quốc gia sẽ muốn tha dự án đầu tư mới nào tại đây cho tới khi chuyện này được chấm dứt”.

Một vài trong số những doanh nghiệp lớn nhất tại Catalonia đã bắt đầu tiến hành việc chuyển trụ sở đăng ký của họ tới các thành phố khác.

Hội đồng quản trị ngân hàng lớn thứ 5 Tây Ban Nha, Sabadell, trong cuộc họp bất thường hôm thứ Năm (5/10), đã quyết định chuyển trụ sở chính tới Alicante.

Theo một nguồn tin quen thuộc với ngân hàng Caixabank, Hội đồng quản trị của nhà băng lớn thứ 3 Tây Ban Nha này sẽ họp vào thứ Sáu (6/10) để tính toán khả năng chuyển trụ sở của họ ra khỏi Catalonia.

Trong thứ Sáu (6/10), chính phủ Tây Ban Nha sẽ ban hành nghị định mới tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc chuyển các trụ sở đăng ký của họ ra khỏi Catalonia. Động thái này của chính quyền trung ương có thể gây ra một cú sốc nghiêm trọng đối với nền tài chính của khu vực Catalonia khi họ xem xét độc lập.

Reuters, dẫn nguồn tin thân cận với giới chức trung ương Tây Ban Nha, cho hay nghị định mới dường như ‘may đo’ cho chính ngân hàng Caixabank, vì luật mới này sẽ giúp nhà băng này có thể thay đổi trụ sở đăng ký mà không cần phải tổ chức cuộc họp cổ đông.

Ngoài việc có những bước đi chủ động về kinh tế, chính quyền trung ương Tây Ban Nha cũng đe dọa sẵn sàng đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn nếu xứ Catalonia không từ bỏ ý định tuyên bố độc lập.

Trong cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Tây Ban Nha (EFE), Thủ tướng Rajoy nói rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Catalonia là thúc đẩy những người ủng hộ ly khai quay lại con đường luật pháp và họ cần phải đưa ra “một tuyên bố sớm nhất có thể rằng sẽ không đơn phương tuyên bố độc lập, vì điều đó sẽ giúp tranh được những tổn thất lớn hơn nữa”.

Ông Rajoy không nêu ra chi tiết các điều tồi tệ lớn hơn tiếp theo là gì, nhưng các nhà lập pháp của đảng cầm quyền tiết lộ rằng Thủ tướng – một người bảo thủ có lập trường cứng rắn trong vấn đề Catalonia độc lập – đang xem xét bước đi chưa từng có tiền lệ bằng việc giải tán nghị viện Catalonia và tiến hành một cuộc bầu cử mới.

Đáp trả những động thái cứng rắn của chính quyền Tây Ban Nha, các lãnh đạo xứ Catalonia vẫn đang kiên định theo đuổi mục tiêu độc lập.

Trả lời tờ nhật báo Bild của Đức về tình huống hiện tại ở Catalonia, lãnh đạo chính quyền Catalonia Carles Puigdemont nói rằng ông không sợ bị bắt.

Ông Puigdemont cho hay: “Tôi không ngạc nhiên về bất kỳ điều gì tiếp theo mà chính quyền Tây Ban Nha sẽ làm. Tôi cũng có thể bị bắt, đó sẽ là bước đi tàn bạo”.

Tuy vậy, cả chính phủ Tây Ban Nha và cơ quan tư pháp quốc gia đều chưa đưa ra đe dọa bắt giữ ông Puigdemont, mặc dù chính quyền Madrid đã cáo buộc lãnh đạo xứ Catalonia phá vỡ luật lệ bằng việc phớt lờ phán quyết cấm tổ chức trưng cầu dân ý của Tòa án Hiếp pháp.

Hôm thứ Tư (3/10), trong một phát biểu trên truyền hình, ông Puigdemont đề xuất sử dụng trung gian hòa giải để giải quyết khủng hoảng, nhưng vẫn nói kết quả của cuộc trưng cầu dân ý phải được thực thi.

Thủ tướng Rajoy đã bác bỏ dùng các trung gian hòa giải quốc tế để giải quyết vấn đề Catalonia. Thay vào đó, ông đề nghị tổ chức cuộc hội đàm của tất cả các đảng phái chính trị Tây Ban Nha nhằm tìm phương án chấm dứt căng thẳng, nhưng điều kiện tiên quyết là không đưa vấn đề độc lập lên bàn đàm phán.

Trao đổi với tờ Bild, ông Puigdemont quả quyết rằng: “Chúng tôi sẽ tiến xa như những gì nhân dân mong muốn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực. Tôi chắc chắn rằng [chính quyền] Tây Ban Nha sẽ không thể phớt lờ ý chí của đông đảo người dân như vậy”.

Xuân Thành

Xem thêm: