Việc Bắc Hàn thử thành công tên lửa xuyên lục địa lần đầu tiên lại gây nhiều áp lực lên Trung Quốc hơn là Hoa Kỳ.

Các nhà phân tích của tờ Nhật Báo Phố Wall (WSJ) cho rằng vụ phóng tên lửa Hwasong-14 của Bình Nhưỡng, sẽ gây khó khăn lớn cho Bắc Kinh trên mặt trận ngoại giao, khiến cho lời kêu gọi lặp đi lặp lại yêu cầu Mỹ chủ động đàm phán với Bắc Hàn ngày càng không thuyết phục, đồng thời tăng nguy cơ chính quyền Mỹ sẽ dùng tới biện pháp quân sự để chặt đầu chương trình hạt nhân Bắc Hàn trước khi nó đủ lông đủ cánh. Mà Trung Quốc thì không hề muốn điều này xảy ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước quân đội trong lễ chúc mừng ngày Độc lập 4/7

Xem: Tại sao Trung Quốc không thể buông Bắc Hàn?

Vụ thử tên lửa này cũng đem lại đòn bẩy chính trị cho Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp song phương với ông Tập Cận Bình cuối tuần này, bên lề hội nghị G20 sẽ diễn ra tại Đức. Theo dự kiến, ông Trump sẽ cố gắng thuyết phục các lãnh đạo quốc tế khác cùng thực hiện các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với chế độ Bình Nhưỡng, một điều mà Bắc Kinh luôn chần chừ.

Vụ thử [tên lửa] này là một cú đánh mạnh vào Trung Quốc“, Zhu Feng, chuyên gia an ninh quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc nói với tờ Nhật báo. “Bắc Kinh muốn Mỹ đàm phán với Bắc Hàn chứ không chỉ tập trung vào trừng phạt và cô lập. Nhưng Bắc Hàn lại cứ leo thang căng thẳng“.

Trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh trong nỗ lực làm ấm quan hệ với Mỹ đã bước những bước vô cùng cẩn trọng để có thể vừa làm hài lòng Washington, vừa đảm bảo mục đích của họ tại Bắc Hàn. Trung Quốc đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt hiện hành của Liên Hiệp Quốc và ngừng nhập khẩu than từ Bắc Hàn, tuy nhiên cũng phản đối các biện pháp khắc khổ hơn và vẫn duy trì đường ống dẫn dầu chạy thẳng sang Bình Nhưỡng. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc lo ngại làn sóng người tị nạn không thể kiểm soát được sẽ tràn qua biên giới Trung Quốc nếu chế độ Bình Nhưỡng lung lay, đồng thời kịch bản Mỹ đem quân áp sát sông Áp Lục (giống như sự kiện đã xảy ra trong chiến tranh Triều Tiên khiến Trung Quốc phải xuất quân giúp Bắc Hàn) sẽ là ác mộng đối với an ninh và quân đội Trung Quốc.

Về phía chính quyền Mỹ, vụ thử tên lửa này là một sự kiện nằm ngoài khả năng mà họ có thể kiểm soát. Nhà Trắng đã làm mọi việc có thể trong giới hạn phi quân sự để kiềm chế tham vọng vũ trang của Kim Jong-un. Từ việc ra đủ mọi biện pháp cấn vận đến việc ông Trump bỏ ngỏ lời hứa của mình là liệt Trung Quốc vào nước thao túng tiền tệ, quay ngoắt 180 độ sang thân thiện với nhà lãnh đạo Bắc Kinh mà chiến dịch tranh cử của ông vốn kích liệt đả kích, chỉ để đổi lại thoả thuận ngầm Bắc Kinh sẽ mạnh tay giúp Mỹ giải trừ nguy cơ hạt nhân Bắc Hàn. Đối với Mỹ, không phải biển Đông hay thâm hụt thương mại, mà Bắc Hàn sở hữu tên lửa hạt nhân xuyên lục địa mới là mối nguy hiểm chết người hiển nhiên nhất.

Một lựa chọn mà Mỹ không hề mong muốn là sử dụng đến vũ lực, điều Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã mô tả có rủi ro gây ra “hậu quả thảm khốc không thể tưởng tượng được“. Nhưng đến hôm nay, tình huống này có xảy ra hay không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cần lưu ý rằng chính sách khôi phục sức mạnh quân sự của Tổng thống Trump và Đảng Cộng hoà vốn mang tiếng “diều hâu” không thể bị nắn gân như thời ông Obama. 2 lần tấn công chính phủ Syria trước mũi Nga và điều tàu sân bay áp sát bán đảo Triều Tiên vào tháng 5 cho thấy chính quyền Trump sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự nhanh gọn nếu cảm thấy an ninh của họ bi đe doạ nghiêm trọng.

Thậm chí trước khi Bắc Hàn thử tên lửa, ông Trump đã tỏ ra mất kiên nhẫn vì Bắc Kinh không có tiến triển gì trong việc phi hạt nhân hoá Bắc Hàn. Trong 1 tuần, Nhà Trắng ký hợp đồng bán vũ khí 1,4 tỷ cho Đài Loan, trừng phạt 2 công ty Trung Quốc và đem tàu chiến thách thức chủ quyền 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn trên biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng.