Ngày 18/6, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long dẫn đầu đoàn ngoại giao tới Việt Nam bắt đầu chuyến thăm dài ngày. Ngoài việc gặp mặt các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, tướng Phạm có kế hoạch cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch chủ trì hoạt động giao lưu biên giới giữa quân đội hai nước từ ngày 20 đến 22 tháng 6, hoạt động được cho là nhằm “hàn gắn tình hữu nghị” từ sau cuộc chiến biên giới đẫm máu năm 1979. Tuy nhiên tướng Phạm đã đột ngột rời khỏi Việt Nam ngay ngày 18 mà không nói rõ nguyên nhân, báo chí nhà nước hai bên cũng đều im lặng.

Tướng Phạm Tường Long (trái) Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Giải Phóng Quân Trung Quốc (Ảnh: Getty)
Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Giải phóng quân Trung Quốc (trái) (Ảnh: Getty Images)

Hôm thứ Ba (20/6), Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ cho biết trong một phát ngôn ngắn rằng sự kiện này đã bị huỷ vì “lý do liên quan đến sắp xếp công việc” mà không nói thêm chi tiết.

Việc huỷ chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất không bình thường; hai nước vốn có cùng ý thức hệ và hệ thống chính trị khá tương đồng.

Lý giải về nguyên nhân bí ẩn khiến ông Phạm Trường Long bỏ về nước, tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia phân tích cho biết nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc tiết lộ việc ông Phạm đã “nổi giận” trong một phiên họp kín về biển Đông với các quan chức Việt Nam.

Dự án khai thác dầu khí Việt Nam – Hoa Kỳ

Với việc báo chí nhà nước của 2 bên đều im lặng, không rõ chính xác điều gì đã làm hỏng cuộc gặp “hàn gắn tình hữu nghị” với quan chức Việt Nam của ông Phạm, càng không thể biết được việc làm của ông Phạm có phải là có kế hoạch từ trước hay không.

NY Times dẫn lời các nhà phân tích cho rằng có vẻ ông tướng Phạm đã tức giận vì các nỗ lực tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật gần đây của Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã đi thăm cả 2 quốc gia nêu trên, Việt Nam và Nhật cũng mới tiến hành cuộc tập trận chung ở biển Đông về chủ đề chống đánh bắt cá trái phép.

Một nguyên nhân cụ thể đang được nhiều nhà quan sát đồng tình là vì Việt Nam không chịu từ bỏ các dự án thăm dò và khai thác dầu khí trên biển Đông, tại các khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Ông Alexander Vuving, một chuyên gia về Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K.Inouye tại Hawaii, chỉ ra hai bên rất có thể đã tranh cãi vì dự án Cá Voi Xanh, một liên doanh khai thác khí đốt tại biển Đông mà Công ty Dầu khí Việt Nam PetroVietnam đã ký với Exxon Mobil, tập đoàn dầu khí hàng đầu Hoa Kỳ. Mỹ và Việt Nam đã ký thoả thuận hợp tác trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 1 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhiệm kỳ trước, ông John Kerry. Điều trùng hợp là ông Rex Tillerson, đương kim Ngoại trưởng Hoa Kỳ chính là chủ tịch, CEO của Exxon Mobil trước khi từ chức để tham gia chính quyền Trump.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson

>> Hoa Kỳ hợp tác dầu khí với Việt Nam trong khu vực đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đầu năm nay, một thủ tục trong quá trình nhậm chức Ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã nhấn mạnh giải pháp cứng rắn của Mỹ ở biển Đông là chặn đường tiếp cận tới các đảo nhân tạo của Trung Quốc và không cho phép Trung Quốc tiếp tục cải tạo biển Đông. Trung Quốc đã vô cùng tức giận với tuyên bố này của tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Vị trí khai thác của dự án Cá Voi Xanh gần với Quần đảo Hoàng Sa và nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương áp đặt lên bản đồ biển Đông trong yêu sách chủ quyền của mình. Theo chuyên gia Vuvinh, Trung Quốc có lẽ rất ghét việc Việt Nam đã lập quan hệ đối tác với một công ty dầu khí của Mỹ, đặc biệt là với công ty mà Ngoại trưởng Tillerson từng lãnh đạo.

“Dự án này có lẽ đã đặt ra một tiền lệ rất nguy hại cho chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông“, ông Vuving nói.

Truyền thông nhà nước của cả 2 quốc gia đều không đưa tin cụ thể về nguyên nhân ông Phạm bỏ về nước sớm, đồng thời theo NY Times, Bộ ngoại giao 2 nước từ chối đưa ra bình luận khi được hỏi về sự việc này.

Tuy nhiên, một tuyên bố chính thức đăng trên trang chủ của chính phủ Trung Quốc mô tả tướng Phạm Trường Long đã tuyên bố trước các lãnh đạo Việt Nam rằng “toàn bộ các đảo ở Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) đều thuộc về Trung Quốc từ thời thượng cổ“.

Ông Phạm cũng được cho là đã kêu gọi: “Hai bên cần tăng cường đối thoại chiến lược và kiểm soát tốt khác biệt, nhằm duy trì quan hệ chung cũng như nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định tại Biển Nam Hải”.

Ông Vuving nhận định: “Đây không phải là điều Việt Nam mong chờ từ một vị khách lịch sự”.

“Bạn có thể nói rằng cả hai bên đã tính toán sai. Nhưng một lý giải khác có thể là cả hai nước đều rất nhấn mạnh vào việc thể hiện quyết tâm của mình cho bên kia thấy về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ”.

Một chuyên gia nổi tiếng khác về biển Đông, ông Carl Thayer, người nghiên cứu lâu năm về quân đội Việt Nam và là giáo sư danh dự Đại học New South Wales (Úc) nói rằng nguyên nhân khiến phía Trung Quốc nổi giận có thể là vì Việt Nam nối lại hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Đông.

Ông Thayer cho rằng nếu trong cuộc gặp, Tướng Phạm Trường Long yêu cầu Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí tại vực đó thì Việt Nam có thể đã coi đây là một yêu cầu “khiêu khích“; vì nó ám chỉ Trung Quốc đòi hỏi kiểm soát cả vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.

Các lãnh đạo Việt Nam có lẽ đã từ chối yêu cầu này và phản ứng lại bằng việc tái khẳng định chủ quyền Việt Nam“, ông Thayer nói trong một email gửi cho phóng viên và các nhà ngoại giao.

Trung Quốc lại kéo giàn khoan ra biển Đông

Theo NY Times, hiện có tin tức chưa được kiểm chứng vào hôm thứ Tư 21/6 rằng Trung Quốc đã kéo 40 tàu bè và nhiều máy bay chở hàng ra khu vực tranh chấp với Việt Nam. Năm 2011, Việt Nam cáo buộc Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò địa chất của Việt Nam ở khu vực này.

Căng thẳng về tranh chấp biển đảo Việt Nam – Trung Quốc từng dâng lên cao nhất vào năm 2014, khi công ty dầu khí Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 ra gần quần đảo Hoàng Sa, ở vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong nước Việt Nam bùng phát mạnh mẽ gần các nhà máy do Trung Quốc đầu tư ở miền Trung và miền Nam.

Vài ngày trước khi Tướng Phạm tới Hà Nội, Trung Quốc lại tiếp tục kéo giàn khoan HD-981 ra biển Đông, tới vị trí rất gần bờ biển Việt Nam, động thái được cho là nhằm gây áp lên các dự án thăm dò dầu khí của Việt Nam trong khu vực. Theo tìm hiểu của NY times, dữ liệu từ trang myship.com (trang web của Bộ giao thông Trung Quốc) cho thấy vào tuần trước, giàn khoan này ở vị trí cách bờ biển phía nam Trung Quốc 70 hải lý và chỉ cách bờ biển phía Bắc Việt Nam 120 hải lý. Không rõ đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến tranh cãi nổ ra và tướng Phạm huỷ ngang chuyến thăm Việt Nam hay không.

Cuộc gặp hàn gắn quan hệ đầu tiên được tổ chức vào năm 2014. Hai nước tổ chức một chương trình gọi là “Trao đổi Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt – Trung”, với mục tiêu củng cố sự tin tưởng song phương. Cuộc gặp tương tự lên kế hoạch vào tuần qua, trong đó có một cuộc tập trận chung về hoạt động chống tội phạm xuyên biên giới, nhưng đã bị huỷ.

Tuy báo chí im lặng, nhưng quan chức Trung Quốc đã gián tiếp thừa nhận tranh cãi tồn tại giữa hai bên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) nói trong buổi họp báo hôm thứ Năm (22/6) rằng căng thẳng giữa hai nước đã được kiềm chế.

Ông Sảng nói: “Chúng tôi hy vọng các nước có liên quan có thể tránh làm phức tạp hoá tình hình bằng hành động đơn phương trên vùng biển tranh chấp“.

Hứa Lý Bình (Xu Liping), chuyên gia Việt Nam và Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh nói với NY Times rằng 2 nước đã được dự đoán sẽ có bất đồng về các tuyên bố chủ quyền biển Đông, tuy nhiên chính phủ 2 bên cũng thiết lập được một khuôn khổ làm việc để tháo gỡ căng thẳng thông qua các kênh liên lạc, cũng như hoạt động giữa 2 đảng Cộng sản của hai nước.

“Cuối cùng, 2 nước sẽ bước ra và giải quyến vấn đề này bởi vì cả 2 đều muốn ổn định”, ông Hứa nói.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nghiên cứu gia tại Học viện Iseas Yusof Ishark tại Singapore dự đoán căng thẳng mới sẽ nổi lên trong quan hệ hai bên trong ngắn hạn. Một bên là Việt Nam muốn phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên dầu khí, một bên là Trung Quốc rất kiên quyết ngăn chặn Việt Nam thăm dò dầu khí cũng như tiến gần hơn trong quan hệ với Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời ông Trương Minh Lượng (Zhang Mingliang), chuyên gia về Đông Nam Á Đại học Tế Nam nhận định rằng việc Trung Quốc huỷ ngang chuyến thăm cấp cao sẽ khiến quan hệ giữa 2 nước căng thẳng hơn.

Việc này sẽ gây hại cho quan hệ song phương, làm xói mòn sự tin tưởng đôi bên và khiến 2 nước nghi ngờ lẫn nhau. Hiện tại Trung Quốc và Việt Nam đang ở một tình huống nghịch lý. Ở cấp độ chính phủ, 2 chính phủ đẩy mạnh việc xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn, nhưng về mặt không chính thức, người dân ở cả hai nước ngày càng có thái độ tiêu cực về đối phương“, ông Trương nói.

Trọng Đức

Xem thêm: