Nhà Trắng hôm 23/5 thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp mặt Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại thủ đô Washington DC. Chính quyền Mỹ dưới thời Trump đang chủ trương thoái lui khỏi các hiệp định hợp tác đa phương, chú trọng vào việc hợp tác trực tiếp song phương. Trong bối cảnh Mỹ đã bỏ TPP, một hiệp định kinh tế mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng, ông Phúc có những lợi thế gì khi ngồi vào bàn đàm phán với ông Trump tại Washington?

Tờ Washington Examiner, dẫn tuyên bố của Nhà Trắng sau khi mời Thủ tướng Việt Nam sang thăm, cho biết: “Tổng thống Trump mong muốn thảo luận cách tăng cường mối quan hệ song phương và làm sâu sắc thêm hợp tác tại khu vực với một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á”.

Cũng theo Washington Examiner, thương mại dự kiến sẽ là chủ để thảo luận chính trong cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc vào ngày 31/5.

Kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, quan hệ Việt – Mỹ nhìn chung đều có sự phát triển. Năm 2013, hai nước đã ký kết bản Hợp tác Toàn diện Việt – Mỹ, bao gồm các lĩnh vực thương mại, phát triển và an ninh hằng hải, tuy nhiên không quy định rõ thực hiện như thế nào.

Việt Nam coi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu và đã đạt được thặng dư thương mại trong năm ngoái với xuất khẩu trị giá 38,1 tỷ USD và nhập khẩu 8,7 tỷ USD.

An ninh quốc phòng cũng là lĩnh vực hợp tác rất đáng chú ý trong quan hệ Việt – Mỹ. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế nhận định rằng cựu thổng thống Obama khi đó đã đặt Việt Nam là một phần trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc tại biển Đông, nơi Bắc Kinh đang cho bồi đắp nhiều đảo chìm để sử dụng vào các mục đích dân sự, cũng như quân sự.

Nhưng sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, có nhiều quan ngại rằng quan hệ Việt – Mỹ sẽ lắng xuống, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại vì ông Trump xếp Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu bất chính, uy hiếp việc làm và hàng hoá nội địa của Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù chính sách của tân chính quyền Hoa Kỳ đối với Việt Nam vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy ông Trump không hề bỏ qua Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc cũng như nhiều lãnh đạo các nước châu Á khác đã điện đàm với tổng thống tân cử Donald Trump từ khá sớm, ngay giữa tháng 12/2016. Trong cuộc điện đàm này, ông Trump đã bày tỏ mong muốn tăng cường mối quan hệ Mỹ – Việt.

Trong bối cảnh Mỹ đã bỏ TPP, một hiệp định kinh tế mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng, Việt Nam có những lợi thế gì khi trên bàn đàm phán với Washington? (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh Mỹ đã bỏ TPP, một hiệp định kinh tế mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng, Việt Nam có những lợi thế gì khi trên bàn đàm phán với Washington? (Ảnh minh họa)

Reuters, dẫn lời quan chức chính phủ Việt Nam, nói về cuộc điện đàm đó như sau: “Tổng thống đắc cử Donald Trump nói nhiều về những thành tựu của Việt Nam, cũng như sự phát triển tích cực trong quan hệ song phương. Ông cũng khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước”.

Theo tờ International Business Times (IBTimes), đội ngũ của ông Trump khi đó đã xác nhận cuộc gọi giữa hai nhà lãnh đạo và nói rằng họ “đã thảo luận về một loạt các lợi ích chung và đồng ý làm việc cùng nhau để tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia”.

Thủ tướng Việt Nam cũng đã đáp lại bằng cách hứa sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc duy trì sự hiện diện an ninh ở châu Á. Cả hai nước có nền tảng chung là đều phản đối sự bành trướng sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. VOA thông tin rằng, chính quyền Trump ủng hộ chống lại việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải trên biển Đông, nhưng chưa rõ Việt Nam có thể đóng vai trò như thế nào trong chiến lược này.

Đầu tháng 4, ông Trump lại gửi một lá thư tới Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang. Nội dung thư không được tiết lộ, nhưng theo thông báo từ trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Trump muốn “khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về kinh tế, thương mại, và các vấn đề trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Hãng tin VOA (Mỹ), dẫn nguồn từ các nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng, bức thư của ông Trump có đề nghị hợp tác hai chiều Mỹ – Việt, theo đó đã làm giảm quan ngại của Hà Nội rằng Washington đã tạm ngừng hỗ trợ cho quốc gia Đông Nam Á này.

Các nhà quan sát tin rằng, phía Việt Nam hy vọng với bức thư này của ông Trump đồng nghĩa là Hoa Kỳ sẽ đồng ý tăng cường hợp tác thương mại song phương bất chấp việc Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận thương mại gồm 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales (Úc) nhận định rằng: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam cố gắng duy trì sự cân bằng đa phương này sẽ đi vào bế tắc nếu ông Trump chỉ đàm phán với Trung Quốc và bỏ qua Đông Nam Á”.

Các chuyên gia cũng nhận định, Việt Nam chỉ nên kỳ vọng vào các lợi ích thương mại với Mỹ trong dài hạn, bởi vì trước mắt ông Trump vẫn ủng hộ các công ty Mỹ tiếp tục tạo việc làm trong nước thay vì thành lập các nhà máy ở nước ngoài để tiết kiệm tiền nhân công.

Ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội, nói: “Ông Trump xếp Việt Nam là nước xuất khẩu chính sang Mỹ và gây mất việc làm ở Mỹ. Rõ ràng, có những cân nhắc về địa chính trị, nhưng chúng ta không bao giờ chắc chắn rằng ông ta nghĩ thế nào”.

Theo tờ Vietnamplus, cũng trong lá thư gửi tới Chủ tịch Trần Đại Quang, Tổng thống Trump nêu rõ “mong muốn” làm việc về các vấn đề khu vực và quốc tế và đảm bảo “hòa bình” ở châu Á dựa trên tôn trọng luật pháp quốc tế. Dự kiến ông Trump sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Kevin Snowball, Tổng giám đốc của PXP Vietnam Asset Management tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam ít có khả năng nghiêng về phía Hoa Kỳ đến mức khiến Trung Quốc phật ý.

Ông Snowball nói rằng: “Hiện tại, nếu nhìn vào số liệu thương mại của Việt Nam từ trước đến nay, nước này vẫn đang làm rất tốt kể cả có hoặc không có TPP, cũng như có hoặc không có Trump”.

Đồng quan điểm với ông Snowball, tờ Forbes (Mỹ) cũng nhận định rằng trong chuyến  thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tuần tới, Việt Nam sẽ ưu tiên đàm phán hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu vấn đề thương mại không thể tiến xa, chính quyền Việt Nam vẫn có những phương án khác không kém hấp dẫn.

Thứ nhất, thủ đô Hà Nội của Việt Nam vừa là chủ nhà của nghị trình đàm phán TPP với 11 nước và không còn Mỹ. Nhật Bản là nước chủ động kêu gọi các nước phục hồi lại TPP, cứu vãn một phần thỏa thuận ban đầu. 11 chính phủ còn lại đã đồng ý hoàn thành  một đánh giá về các cách để tiến lên phía trước vào tháng 11 năm nay bất chấp những lo lắng mới về thị trường mở và các quy tắc bảo hộ ở một số quốc gia.  Ông Frederick Burke, thành viên của công ty luật quốc tế Baker & McKenzie tại TP.HCM, cho biết: “Họ sẽ phẫu thuật loại bỏ một vài điều liên quan đến Mỹ [trong TPP]”. Một TPP được hoàn thành dù không có Hoa Kỳ vẫn sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu là nguồn đóng góp chủ yếu vào GDP trị giá 200 tỷ USD và vẫn đang tăng đều khoảng 6% mỗi năm. Đặc biệt khi có TPP với sự tham gia của Nhật Bản, Việt Nam càng đẩy mạnh được việc xuất khẩu vào thị trường trọng điểm này.

Thứ hai, Việt Nam có Trung Quốc, đối thủ chính của Mỹ ở trên hầu hết mọi lĩnh vực. Mặc dù hai nước có nhiều hiềm khích và vốn có tranh chấp lãnh thổ lâu đời, đặc biệt là Trung Quốc đang lấn lướt trên biển Đông, nhưng thực tế Trung Quốc vẫn đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Thể chế chính trị của Trung Quốc và Việt Nam cũng tương đồng, Washington khó có thể chen chân vào giữa mối liên hệ phụ thuộc giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam đều có bóng dáng người Trung Quốc. Trung Quốc đang tổ chức lượng lớn khách du lịch tới Việt Nam, đồng thời với việc đàm phán với Hà Nội về hợp tác hàng hải. Trung Quốc không phải là thành viên trong TPP. Thay vào đó, Bắc Kinh lại xúc tiến thỏa thuận cắt giảm thuế quan Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Hiệp định này sẽ bao gồm 10 quốc gia thuộc Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam và thêm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các quốc gia có liên quan trong hiệp định này có dân số 3,5 tỷ người và tổng sản phẩm quốc nội là 22,6 nghìn tỷ USD.

Tất nhiên, khi gặp ông Trump tại Nhà Trắng, có lẽ ông Phúc sẽ không đề cập nhiều đến Trung Quốc vì Việt Nam đang muốn giữ mối quan hệ tốt với cả hai siêu cường để có thể dùng đòn bẩy ngoại giao với một trong hai bên trong các trường hợp cần thiết.

Dẫu sao với những lợi thế có trong tay, Thủ tướng Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong việc đàm phán sòng phẳng với Tổng thống Mỹ về các vấn đề thương mại, phát triển và an ninh.

Xuân Thành

Xem thêm: