Reuters dẫn tin từ các quan chức ASEAN, cho biết tuyên bố chung của Hội nghị thượng định ASEAN tại Philippines phát đi hôm Chủ Nhật 30/4 có thái độ hòa hoãn, tránh nhắc đến việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.  

Các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN khi kết thúc thường có một tuyên bố chung đồng thuận của cả 10 quan chức cấp cao gọi là tuyên bố Chủ tịch, được công bố ngay khi hội nghị bế mạc. Tuy nhiên, tại hội nghị ở Philippines lần này, tuyên bố Chủ tịch chỉ được công bố khi hội nghị đã kết thúc được 12 giờ. Đáng chú ý, tuyên bố chung này bỏ qua không đề cập đến “Cải tạo đất và quân sự hóa” biển Đông như trong văn bản năm 2016 và ở phiên bản chưa chính thức mà Reuters đã xem được hôm thứ Bảy 29/4.

Theo Reuters, hôm thứ Bảy hai nhà ngoại giao ASEAN giấu tên tiết lộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các quan chức của sứ quán nước này đã nỗ lực thuyết phục chủ tịch ASEAN là Philippines loại bỏ vấn đề các hoạt động gây tranh cãi của Bắc Kinh ở Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự ASEAN lần này.

Cũng có nguồn tin cho rằng cả bốn nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông (Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam) đều đã đồng ý với giọng điều hòa dịu hơn trong tuyên bố chung lần này.

Trung Quốc không phải là thành viên ASEAN và không tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng lại cực kỳ nhạy cảm về nội dung tuyên bố chung của tổ chức gồm 10 nước Đông Nam Á này. Chính quyền Bắc Kinh thường bị cáo buộc cố gắng gây ảnh hưởng đến các bản dự thảo để loại bỏ những gì họ coi là bất đồng quan điểm và thách thức đến yêu sách chủ quyền rộng lớn của họ trên Biển Đông.

Tuyên bố chung lần này chỉ ghi nhận “sự hợp tác tốt đẹp giữa ASEAN và Trung Quốc”, không bao gồm các dẫn chiếu tới “các mâu thuẫn” hoặc “leo thang các hoạt động”, những cụm từ được nhìn thấy đã xuất hiện trong các bản dự thảo trước đó và trong văn bản chính thức năm ngoái. Tuyên bố cũng không ghi nhận quan ngại của một số nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN về “những diễn biến gần đây” trên hải tuyến chiến lược giàu tài nguyên ở Biển Đông.

Một quan chức ngoại giao Philippines trao đổi với Reuters rằng việc Trung Quốc tìm cách tác động tới các thành viên ASEAN để bảo vệ lợi ích của họ là điều ai cũng biết, nhưng đó không phải là lý do dẫn tới việc tuyên bố chung của hội nghị lần này phải công bố chậm hơn so với thường lệ.

Vị quan chức ngoại giao này tiết lộ rằng: “Có một hoặc hai nước thành viên đã vận động thay đổi một số câu chữ trong tuyên bố, nhưng không liên quan đến Biển Đông”.

Một nhà ngoại giao ASEAN khác cho biết tuyên bố chung lần này đã phản ánh chính xác bầu không khí tại hội nghị thượng đỉnh tại Manila năm nay.

Chúng tôi tôn trọng quan điểm của Philippines và đã hợp tác. Tuyên bố chung đã phản ánh rõ ràng vấn đề Biển Đông đã được thảo luận ra sao tại hội nghị lần này”. Vị quan chức trên nói.

Bắc Kinh vẫn bày tỏ phản ứng giận giữ với từng thành viên đơn lẻ, những nước thường bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc cho cải tạo nhanh chóng các đảo tại quần đảo Trường Sa và cho lắp đặt các hệ thống tên lửa trên các đảo này.

Philippines không dám gây sức ép với Bắc Kinh

Tuyên bố ôn hòa này được đưa ra khi Chủ tịch ASEAN năm nay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tìm cách chôn vùi mâu thuẫn với Trung Quốc sau nhiều năm quốc gia Đông Nam Á này tranh cãi quyết liệt với Bắc Kinh về chủ quyền trên Biển Đông. Sau khi đàm phán với Tổng thống Duterte, Trung Quốc hiện nay đã đồng ý để người dân Philippines trở lại vùng đánh bắt cá phong phú quanh bãi cạn Scarborough sau lệnh phong tỏa 4 năm.

Lãnh đạo Philippines phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Năm đã nói rằng việc thảo luận về các hoạt động hàng hải của Trung Quốc là vô nghĩa vì dù sao không ai dám gây sức ép lên Bắc Kinh.

Theo Reuters, tình hữu nghị giữa Tổng thống Duterte với Trung Quốc được bộc lộ rõ khi hôm Chủ Nhật 30/4, ba tàu hải quân Trung Quốc có chuyến thăm hiếm hoi tới Philippines. Đích thân ông  Duterte tới thăm và khảo sát một tàu khu trục có mang theo tên lửa tại thành phố Davao quê hương ông vào hôm thứ Hai 1/5.

Chiến lược chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte hiện nay là một sự đảo ngược đáng kinh ngạc so với chính quyền trước, vốn có quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ và bị Trung Quốc coi là một mối phiền toái.

Năm 2013, chính quyền Philippines đã thách thức Bắc Kinh bằng việc gửi khiếu kiện chủ quyền bãi cạn Scarborough lên Tòa Trọng Tài Thường trực.

Trong 2 tuần đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte vào năm ngoái, Tòa The Hague đã ra phán quyết ủng hộ Philippines, khiến Trung Quốc rất tức giận. Nhưng ông  Duterte đã tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ không ép Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết này sớm và quan tâm nhiều đến lợi ích kinh tế hơn là tranh đấu chủ quyền.

Trong tuyên bố của chủ tịch ASEAN lần này cũng không đề cập đến vụ kiện trọng tài. Tuy nhiên, nó có xuất hiện không rõ ràng trong một đoạn riêng biệt với phần về Biển Đông. Đoạn này có nói các bên cần phải thể hiện “sự tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao” trong việc giải quyết tranh chấp.

Nhấn mạnh về sự nhảy cảm của Bắc Kinh đối với phán quyết trọng tài, hai quan chức ngoại giao giấu tên,  hôm thứ Bảy 29/4 cho biết chính đại diện sứ quán Trung Quốc đã vận động hành lang bỏ đi các tuyên bố trực diện và thay vào bằng các câu nói không rõ ràng nêu trên về vấn đề trọng tài và coi đó là một lời nhắc về phán quyết này.

Một nhà ngoại giao ASEAN chỉ ra rằng những động thái chuyển tiếp giữa Trung Quốc và ASEAN để soạn thảo một khuôn khổ cho việc đàm phán quy tắc ứng xử (COC) có thể có những yếu tố tương đồng với tuyên bố ôn hòa lần này của chủ tịch ASEAN.

Tất cả nước ASEAN đều muốn hoàn thành COC trong năm nay, mặc dù có không ít hoài nghi về việc Trung Quốc sẽ đồng ý với một bộ quy tắc có thể tác động đến các lợi ích địa chính trị chiến lược của họ.

Theo phân tích, Việt Nam sẽ thua thiệt nhiều nhất nếu ASEAN và Trung Quốc thông qua bộ COC hiện tại, vì nó không bao gồm quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1974.

>> Việt Nam chịu thiệt nhiều nhất trong Bộ Quy Tắc ứng xử biển Đông

Tân Bình

Xem thêm: