Những nỗ lực lập chính thủ liên minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức thất bại vào thứ Hai (20/11). Sau hơn 1 tháng đàm phán, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã quyết định rút lui khi không thể đồng thuận một số vấn đề với Đảng Xanh và Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU).

Embed from Getty Images

Vẻ mặt thất thần của bà Merkel sau khi lãnh đạo Đảng FDP chính thức tuyên bố rút khỏi cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh.

Những bất ổn mới nhất của chính trường Đức đã khiến cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu rơi vào khủng hoảng chính trị và lần đầu tiên sau 12 năm cầm quyền, người phụ nữ quyền lực nhất thế giới đối mặt với tương lai bất định.

Bà Merkel đang đứng trước hai lựa chọn: chấp nhận thành lập chính phủ tối thiểu chưa từng có tiền lệ tại Đức hoặc tổ chức cuộc bầu cử lại với rủi ro càng nhiều hơn cho Đảng CDU và liên minh CSU.

Cũng có những ý kiến cho rằng dù bất kỳ chính phủ mới nào được thành lập, để nước Đức thoát khỏi tình trạng hiện nay, có thể họ cần một nhân vật mới thay bà Merkel làm Thủ tướng vì những diễn tiến mới nhất cho thấy uy tín của nữ lãnh đạo này đã giảm sút đáng kể.

Ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội Đức kết thúc vào tháng 9, cả liên minh CDU/CSU của bà Merkel và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) – liên minh trong chính phủ của bà Merkel 12 năm qua đều đánh mất nhiều ghế so với kỳ bầu cử nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, lãnh đạo Martin Schulz của SPD tuyên bố sẽ không tiếp tục tham gia vào liên minh của CDU nữa. Điều này buộc bà Merkel phải quay sang đàm phán liên minh với FPD và Đảng Xanh.

Nhưng những bất đồng giữa các chính đảng này là quá lớn và cho tới thứ Hai (20/11), lãnh đạo FPD đã tuyên bố không tiếp tục đàm phán thành lập liên minh với CDU nữa.

Trong tuyên bố của mình, các lãnh đạo FDP cho rằng có những khác biệt không thể hòa hợp giữa những người theo tư tưởng bảo thủ tại CDU/CSU và những chính trị gia cánh tả của Đảng Xanh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách nhập cư và thuế.

Chủ tịch FDP, ông Christian Lindner cho hay: “Bốn đảng rõ ràng đã không có tầm nhìn chung về việc hiện đại hóa đất nước của chúng ta. Chúng tôi sẽ không thể bỏ qua nguyện vọng của các cử tri của mình để ủng hộ các chính sách mà cử tri không đồng tình. Tốt hơn hết là không tham gia vào chính phủ cầm quyền”.

Bà Merkel đã phải lên tiếng thừa nhận thất vọng với diễn tiến chính trị hiện tại và cho rằng chính vấn đề người tị nạn đã làm cho mọi chuyện gặp bế tắc, nhưng cũng nói thêm rằng:  “Tôi sẽ làm tất cả để đảm bảo rằng đất nước này được quản lý tốt trong những tuần khó khăn sắp tới”.

Không có nhiều lựa chọn cho bà Merkel

Với viễn cảnh đàm phán thành lập liên minh nhiều đảng với cả SPD và FDP đều đã khép lại, bà Merkel chỉ còn hai lựa chọn: hoặc là lại tiếp tục chạy đua trong một cuộc bầu cử mới hoặc thành lập một chính phủ tối thiểu với chỉ riêng Đảng Xanh hoặc FDP.

Nếu CDU/CSU liên minh với FDP, chính phủ mới sẽ thiếu 29 ghế nữa mới chiếm đa số trong Quốc hội. Trong khi, nếu CDU/CSU chọn Đảng Xanh, số ghế thiếu hụt sẽ lên tới 42.

Một chính phủ cầm quyền thiểu số như vậy sẽ đem đến rất nhiều rủi ro cho bà Merkel trong việc thực thi các chính sách, đặc biệt nước Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức như những mâu thuẫn từ gốc rễ trong khối Liên minh Châu Âu, hay các áp lực từ nhập cư và vấn đề nước Anh thoát Âu (Brexit).

Ngay cả bà Merkel cũng bảy tỏ hoài nghi về mức độ khả thi của chính phủ thiểu số.

Phát biểu trên truyền hình hôm thứ Hai (20/11), nữ Thủ tướng cho hay: “Tôi không hề có trong đầu kế hoạch thành lập chính phủ thiểu số. Hôm nay tôi không muốn nói là không bao giờ [thành lập chính phủ như vậy], nhưng tôi rất hoài nghi, và tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử mới sẽ là phương án tốt hơn”.

Về lựa chọn tổ chức bầu cử lại, ông Tyson Barker – Giám đốc chương trình và là học giả cao cấp của Viện Aspen, một nhóm tư vấn chính sách phi đảng phái có trụ sở tại Berlin, cho rằng: “Tất cả đều thua nếu tiến hành một cuộc bầu cử mới. Uy tín của tất cả các đảng phái đều đã rất thấp. Tổ chức bầu cử lại cũng cho thấy bà Merkel là lãnh đạo yếu kém”.

Ông Olaf Boehnke, một nhà phân tích của nhóm tư vấn chính sách Rasmussen Global có trụ sở tại Brussels, nhận định rằng: “Mọi người đều biết rằng chỉ một chính đảng duy nhất có lợi nếu tổ chức bầu cử lại là Đảng Lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) – một đảng cực hữu chống nhập cư. Đó là một trò chơi rất rủi ro”.

Đồng lãnh đạo Đảng AfD, ông Alexander Gauland nói với báo giới rằng: “Bà Merkel đã thất bại. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc bày ấy nên ra đi”.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, người duy nhất có quyền tuyên bố tổ chức bầu cử mới theo quy định của Hiến pháp, lo sợ sự trỗi dậy của AfD nên đã kêu gọi tất cả các đảng chính trị Đức hãy vì lợi ích quốc gia mà nỗ lực đạt được thỏa thuận liên minh.

Trong tuyên bố hôm thứ Hai (20/11), ông Frank-Walter Steinmeier nói rằng: “Họ [các chính đảng] cùng phục vụ đất nước chúng ta, và tôi mong muốn nhận được từ tất cả sự sẵn sàng đối thoại”.

Các cư tri Đức cũng bảy tỏ sự không hài lòng về việc các chính đảng chưa thể thành lập chính phủ mới.

Ông Robert Pankrath, 49 tuổi, chuyên gia công nghệ thông tin sống tại Berlin nói với báo giới rằng: “Thật nực cười khi điều này xảy ra sau 4 tuần, đặc biệt khi ai đó tính tới bầu cử mới, điều sẽ có lợi cho AfD”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo các nước Châu Âu cũng tỏ rõ sự lo lắng về những diễn tiến chính trị hiện tại ở nước Đức – quốc gia ổn định và là đầu tàu của Liên minh Châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai (20/11) đã nói rằng: “Mọi thứ đều có sự liên đới, [sự việc ở Đức] không có lợi cho chúng tôi”.

Dù bà Merkel lựa chọn thế nào: thành lập chính phủ thiểu số hay tổ chức bầu cử lại, cũng là lần đầu tiên nước Đức gặp tình huống chính trị như vậy kể từ sau Thế chiến II.

Hùng Cường

Xem thêm: