Hôm Thứ Năm (30/11), Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã gửi hồ sơ cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong đó nêu rõ không công nhận nền kinh tế của Trung Quốc là “kinh tế thị trường” như yêu cầu của Bắc Kinh.

china
Công nhân trong xưởng giày da tại một nhà máy tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Liên minh Châu Âu đã bắt đầu xem xét lại quyết định có tiếp tục áp thuế chống bán phá giá 16,5% lên mặt hàng giày da từ Trung Quốc và Việt Nam, được đưa ra từ 7/10/2006 hay không. (Ảnh: China Photo/Getty)

Theo tờ Financial Times, tuyên bố của chính phủ Mỹ là một nỗ lực ủng hộ của Mỹ đối với Liên minh Châu Âu trong vụ tranh chấp giữa tổ chức này với Trung Quốc về quy chế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đang kiện đòi EU công nhận nước này là nền kinh tế thị trường, một quyết định mà nếu được thông qua sẽ khiến Châu Âu không thể áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm của Trung Quốc.

Trong tài liệu 40 trang gửi WTO, chính phủ Hoa Kỳ đã phản đối lập luận của Bắc Kinh rằng theo điều kiện khi Trung Quốc ký gia nhập WTO vào năm 2001, nước này sẽ được tự động công nhận là một nền kinh tế thị trường vào 15 năm sau đó.

Trung Quốc gia nhập WTO ngày 11/12/2001, theo Quy định tại Điều 15 “Nghị định thư Trung Quốc gia nhập WTO”, tổ chức kinh tế thế giới chấp nhận cho Trung Quốc thời gian 15 năm, tức đến ngày 11/12/2016 để ngừng áp thuế chống bán phá giá. Bắc Kinh cho rằng theo quy định này, đáng lý ngày 11/12/2016 Trung Quốc tự nhiên có được quy chế kinh tế thị trường.

Trong điều tra chống bán phá giá, nếu nước điều tra xác định nước bị tố cáo có hành động can thiệp thị trường, bóp méo giá cả, tạo ưu thế cạnh tranh không bình đẳng đối với hàng hóa sản xuất trong nước, thì có thể dùng giá cả và chi phí của nước thứ ba để tính vào giá của nước xuất khẩu.

Nếu Bắc Kinh có được quy chế “kinh tế thị trường”, nghĩa là các đối tác thương mại không thể áp dụng “giá cả của nước thứ ba” mà phải chấp nhận giá mà Trung Quốc đưa ra. Giới kinh tế học dự tính, vì Trung Quốc luôn bị Mỹ và Châu Âu xem là “kinh tế phi thị trường”, khiến hàng hóa Trung Quốc chịu thiệt hại hàng tỷ Đô la Mỹ, vì hàng hóa của họ bị áp thuế xuất nhập khẩu cao hơn 100%.

Nhưng theo phía Mỹ, bất chấp các điều kiện đã ký, Trung Quốc phải chịu mọi quy định của WTO áp dụng cho tất cả thành viên.

Mỹ và EU lập luận rằng Trung Quốc vẫn duy trì vai trò cứng nhắc của chính phủ trong nền kinh tế, trong đó có trợ cấp ồ ạt cho các công ty quốc doanh, bóp méo giá cả hàng hóa nội địa và là biểu hiện của một nền kinh thế phi thị trường.

Có bằng chứng áp đảo cho thấy rằng thành viên WTO không chấp nhận từ bỏ quyền lợi lâu dài của mình là từ chối giá cả hoặc chi phí mà không được xác định dưới những điều kiện kinh tế thị trường”, hồ sơ của Mỹ viết, theo tờ FT.

Nếu Trung Quốc muốn WTO công nhận là nền kinh tế thị trường, thì họ phải cư xử như vậy, phía Mỹ lập luận.

Tháng Mười Hai năm ngoái, Bắc Kinh đề nghị với WTO, căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định thư mà họ tham gia WTO, yêu cầu các nước nên công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Cả Mỹ và Châu Âu cùng phản đối, cho rằng điều kiện để đáp ứng yêu cầu là Trung Quốc phải thực hiện chính sách thị trường tự do mà nước này chưa đáp ứng được.

Sau đó Trung Quốc lại kiện Mỹ và Châu Âu, yêu cầu phải thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc. Hồ sơ kiện của Trung Quốc đối với Mỹ không có bước tiến triển gì, nhưng đối với Châu Âu thì hiện nay đã vào giai đoạn thu thập ý kiến.

Hồi Tháng Sáu vừa rồi, ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại của Mỹ đã nhấn mạnh trước Quốc hội rằng, đây là vụ tranh chấp nghiêm trọng nhất mà Mỹ đang phải đối diện tại WTO và nếu Trung Quốc giành thắng lợi sẽ là một thảm họa.

Tờ CNBC nhận định, nếu Trung Quốc chiến thắng EU trong tranh cãi lần này, tuyến phòng vệ của rất nhiều quốc gia sẽ bị yếu đi bởi cơn lũ hàng Trung Quốc giá rẻ và khiến nhiều ngành kinh tế phương Tây suy yếu rõ rệt.

Sau khi ông Donald Trump nhậm chức đã tích cực đẩy mạnh chính sách “nước Mỹ trên hết”, vừa qua tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC do Việt Nam làm Chủ tịch, Trump đã cảnh báo các nước không được chiếm lợi thế so với nước Mỹ, nhấn mạnh “công bằng và cùng có lợi” là căn cứ làm ăn với Mỹ, nước nào sẵn lòng tuân thủ nguyên tắc này thì Mỹ sẽ ký hiệp định thương mại song phương.

Đầu Tháng Mười Một, Trump thăm Trung Quốc đã cho biết, thương mại Mỹ – Trung nhập siêu quá lớn, năm ngoái nhập siêu lên đến 347 tỷ Đô la Mỹ, đã đến mức “đáng sợ”. Khi tranh cử Tổng thống, Trump từng nói, phải nâng thuế quan lên 45% đối với một số hàng hóa của Trung Quốc, khiến hàng hóa Trung Quốc không thể bán giá quá rẻ tại thị trường Mỹ như trước đây.

Sau khi Trump đắc cử, quan hệ thương mại Trung – Mỹ liên tục căng thẳng. Ngày 28/11, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố, sẽ điều tra chống phá giá và chống trợ cấp thuế đối với các loại nhôm hợp kim thông thường xuất khẩu từ Trung Quốc. Trong 26 năm qua, đây là lần đầu tiên Bộ Thương mại Mỹ có cuộc điều tra liên quan đến chống lại ở cả hai vấn đề tiêu cực căn cứ theo Đạo luật Thuế quan năm 1930. Theo số liệu thống kê, năm ngoái Mỹ đã nhập khẩu nhôm hợp kim thông thường từ Trung Quốc trị giá hơn 600 triệu Đô la Mỹ.

Mộc Vệ

Xem thêm: