Một tàu khu trục Hải quân Mỹ hôm thứ Bảy (20/1) đã đi vào gần một hòn đảo tại biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Chế độ Bắc Kinh lập tức lên tiếng phản đối và thề sẽ có “biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền của mình.

Scarborough Shoal
Bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. (Ảnh: SCMP)

Reuters, dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng tàu khu trục mang tên lửa hành trình USS Hopper của Hoa Kỳ đã đi vào vùng biển 12 hải lý gần Bãi cạn Scarborough trên biển Đông mà Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền. Phía Bắc Kinh gọi bãi cạn này là đảo Hoàng Nham.

Hai quan chức Mỹ giấu tên xác nhận với Reuters rằng tàu USS Hopper đã đi vào vùng biển 12 hải lý gần Bãi cạn Scarborough.

Hai vị quan chức này nói thêm rằng hoạt động tuần tra này là phù hợp với luật pháp quốc tế và là hành động “đi qua vô hại”, được hiểu là một tàu chiến đi qua lãnh hải biển nhanh chóng và không dừng lại.

Quân đội Mỹ cho biết họ thực hiện các hoạt động “tự do hàng hải” trên khắp thế giới, trong đó có các vùng biển do các đồng minh của Mỹ tuyên bố chủ quyền và hoạt động này hoàn toàn tách biết với các cân nhắc chính trị.

Bộ Quốc phòng Mỹ không trực tiếp bình luận về hoạt động tuần tra mới nhất trên biển Đông, nhưng nói rằng những hoạt động như vậy là bình thường.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan cho hay: “Tất cả các hoạt động được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế và nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ bay, đi lại và hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.

Hoạt động tuần tra biển Đông lần này của hải quân Hoa Kỳ diễn ra đúng vào thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố Chiến lược Quốc phòng mới, trong đó chỉ thẳng Trung Quốc và Nga là các địch thủ hàng đầu. Washington chỉ trích Bắc Kinh bồi đắp mở rộng và quân sự hóa trái phép các hòn đảo trên biển Đông, cho rằng các cơ sở hạ tầng quân sự này có thể được sử dụng để hạn chế hoạt động tự do hàng hải tại tuyến đường biển quốc tế trọng yếu.

>>Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ chỉ thẳng Nga, Trung Quốc là các địch thủ hàng đầu

Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng tàu khu trục USS Hopper đã vi phạm chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đe dọa tới an toàn của tàu thuyền và sĩ quan hải quân Trung Quốc.

Ông Lục cho biết hải quân Trung Quốc đã ra lệnh cho tàu chiến của Mỹ phải rút lui sau khi xác định được danh tính của tàu đó.

Ông Lục nhấn mạnh rằng Trung Quốc “cực lực phản đối” các nỗ lực sử dụng tự do hàng hải làm cái cớ để gây tổn hại tới chủ quyền của Bắc Kinh và thúc giục Mỹ phải “sửa chữa sai lầm”.

Ông Lục nói: “Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục Mỹ sửa chữa sai lầm của mình ngay lập tức và chấm dứt loại khiêu khích này để không gây tổn hại đến quan hệ Trung – Mỹ và hòa bình và ổn định khu vực” và thêm rằng “Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo  vệ vững chắc chủ quyền của mình”.

Phát ngôn viên Trung Quốc nhắc lại rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với đảo Hoàng Nham và vùng biển liền kề.

Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông của tất cả các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối động thái của bất kỳ quốc gia nào nhằm gây thiệt hại tới chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lục.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng việc Mỹ điều tàu chiến tới khu vực này đã “làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực” và gây tổn hại tới quan hệ song phương.

Ông Greg Poling, chuyên gia về biển Đông của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Wasington, nói với Reuters rằng Bộ Quốc phòng Mỹ dường như đang cương quyết giữ lịch trình hoạt động tuần tra biển Đông đều đặn, với khoảng 6 tuần/lần, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Lần gần nhất [hoạt động này] của Mỹ được công khai là vào tháng 10, nhưng chúng tôi nghĩ rằng có thêm ít nhất một lần [tuần tra nữa] trong khoảng thời gian đó đến này”, ông Poling nói vậy và giải thích thêm rằng hoạt động tuần tra biển Đông của Mỹ chỉ nóng lên trên báo chí mỗi khi Trung Quốc công khai phản đối.

Yên Sơn

Xem thêm: