Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm thứ Tư (29/11) đã phát đi đoạn video cho thấy những hình ảnh Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Embed from Getty Images

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1974

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, hôm thứ Sáu (1/12) cũng đã xác nhận thông tin về việc PLA triển khai các phi cơ chiên đấu J-11B trên đảo Phú Lâm.

Phú Lâm là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974.

Thực tế, cộng đồng quốc tế đã phát hiện máy bay chiến đấu của Trung Quốc có mặt trên đảo Phú Lâm từ năm 2016 và trong tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, cho tới thứ Tư (29/11) mới là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh công khai về sự hiện diện của một loạt các chiến đấu cơ J-11 trên hòn đảo tranh chấp này.  Đoạn video nêu trên được cho là một phần của báo cáo về khả năng mở rộng không lực của PLA.

Tờ Thời Báo Nhật Bản hôm thứ Bảy (2/12) cho hay trong video của CCTV rất rõ hình ảnh các chiến đấu cơ cất, hạ cánh trên đường băng dài 3km và thực hiện các buổi diễn tập quân sự trên biển Đông. Trong video cũng có ít nhất hình ảnh về một tiêm kích “tiến vào nhà kho chứa máy bay có mái che”.

Trước nay, Trung Quốc khá miễn cưỡng trong việc cho đồn trú các chiến đấu cơ trên các đảo tại biển Đông vì các khí tài này dễ bị hỏng hóc do ảnh hưởng thời tiết.

Tuy nhiên, tình hình này đã thay đổi khi báo cáo của CCTV nói rõ rằng: “các nhà kho ổn định nhiệt độ giúp tăng độ bền của các phi cơ và chống được độ ẩm và nhiệt độ cao trên đảo”. Điều này giúp PLA có thể triển khai chiến đấu cơ lâu dài trên các đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát ở biển Đông.

Các đảo khác cũng sử dụng các nhà kho chứa máy bay tương tự và điều này giúp Trung Quốc cải thiện rất nhiều việc kiểm soát cả đường không và đường biển trên biển Đông”, nhà bình luận Song Zhongping của Hoàn Cầu Thời Báo cho biết.

Theo Thời Báo Nhật Bản, bên cạnh việc triển khai chiến đấu cơ, Trung Quốc đã duy trì hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm và cũng đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm ở các tiền đồn trọng yếu trên hòn đảo có vị trí chiến lược này.

Trung Quốc cũng đã xây dựng 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, trong đó có thiết lập ba sân bay quân sự quy mô lớn, bất chấp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015 đã tuyên bố các bên không quân sự hóa và giữ nguyên hiện trạng các đảo trên quần đảo Trường Sa.

Thời Báo Nhật Bản, dẫn nguồn tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết vào cuối tháng 3/2017, việc xây dựng 3 hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gần hoàn thành và cho phép Bắc Kinh triển khai chiến đấu cơ, cùng hệ thống phóng tên lửa lưu động trên các đảo này bất cứ lúc nào.

Các nhà kho chứa máy bay trên ba đảo này có thể chứa được 24 phi cơ chiến đấu và 4 máy bay lớn hơn, trong đó có các loại máy bay giám sát, tiếp nhiên liệu hoặc máy bay ném bom. Mái che của nhà kho có thể thu vào để hệ thống phóng tên lửa lưu động hoạt động dễ dàng. PLA cũng triển khai lắp đặt hệ thống radar và cảm biến trên cả ba hòn đảo nhân tạo này. Vị trí của các hệ thống này giúp cho quân đội Trung Quốc có thể tăng cường phòng thủ chống không kích và các cuộc tấn công tên lửa.

Trung Quốc chưa công khai các hình ảnh triển khai khí tài quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cho rằng những thước phim về việc triển khai tên lửa và phi cơ chiến đấu tại đảo Phú Lâm mà CCTV công bố vừa qua có thể là gợi ý rõ ràng cho cách mà PLA thiết lập khí tài quân sự tại Trường Sa.

Yên Sơn

Xem thêm: