Tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm thứ Ba (17/7) cảnh báo Nga không nên tin rằng những đồng thuận từ phía của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là chính sách ngoại giao lâu dài của Mỹ, đồng thời bình luận rằng chính sách “nước Mỹ trước tiên” của Trump khiến cho việc Washington có đồng minh đích thực là bất khả thi.

Tờ báo của ĐCSTQ bình luận như trên sau sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai. Cuộc gặp thượng đỉnh đã khiến truyền thông cánh tả và các đối thủ của ông Trump lên án ông đã quá “thân thiện” với Putin.

global times
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc (phiên bản tiếng Anh). Bài viết có tiêu đề “Trung Quốc hoan nghênh Mỹ-Nga cải thiện quan hệ”.

Tại cuộc gặp, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ cạnh tranh gay gắt để hất cẳng Nga ra khỏi thị trường tài nguyên thiên nhiên toàn cầu, trực tiếp đe dọa tới nền kinh tế vốn đã hụt hơi của Nga.

Mặc dù Thời báo Hoàn cầu và Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng việc Mỹ-Nga kéo gần quan hệ sẽ không gây ra đe dọa nào cho ông Tập Cận Bình, tờ báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn cảnh báo cả Trung Quốc và Nga rằng nên “ghi nhớ” chính phủ Mỹ bị điều hành bởi “quá nhiều lực lượng quá mạnh mẽ” bên ngoài nhánh hành pháp – không giống 2 nước này, nơi mà các quyết định quan trọng của quốc gia đều được đưa ra bởi nguyên thủ.

Tờ Hoàn Cầu không đặt nghi vấn việc ông Trump tỏ ra thân thiện với Putin.

“Thái độ của ông ta đối với Putin không hề thay đổi thậm chí trong suốt cuộc điều tra cáo buộc Russiagate”, tờ báo lưu ý. “Dường như không có vật cản trong mối quan hệ cá nhân của ông ta với Puin.

“Tuy nhiên, tình bạn cá nhân của họ không thể trở thành một tài sản tích cực trong mối quan hệ Mỹ-Nga. Đây đã trở thành một trường hợp đặc biệt trong các mối quan hệ giữa các siêu cường”, tờ báo Trung Quốc nói thêm.

Bởi vì Trump – và chỉ có Trump – là tỏ ra có thiện ý phá băng quan hệ với Putin, tờ Hoàn Cầu lập luận, giới chức Nga không thể vận hành theo giả định rằng tình hữu nghị của Washington sẽ kéo dài.

“Chính sách ngoại giao hiện tại của Mỹ không được đảm bảo để trở thành chiến lược dài hạn. Các thay đổi chính sách trong nhiều lĩnh vực nhiều khả năng sẽ là tạm thời”, tờ Hoàn cầu dự đoán, nói thêm:

“Khi nói tới quan hệ Mỹ-Nga, chính nội bộ Mỹ cũng chia rẽ. Rất khó để một nước không phải là phương Tây xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Washington. Đơn giản là có quá nhiều lực lượng quá mạnh chống lại điều đó. Đây là điều quan trọng mà Bắc Kinh và Moscow cần ghi nhớ.

Thông điệp của tờ Hoàn Cầu – rằng bản chất dân chủ của Hoa Kỳ khiến bản thân nó quá hỗn loạn để người ta tin được vào bất cứ thứ gì mà nhà điều hành của nó nói ra – còn được phân tích sâu sắc hơn dòng tiêu đề của bài viết “Nước Mỹ trước tiên làm xấu đi quan hệ Mỹ-Nga”, vốn ám chỉ rằng ông Trump đang chủ động tiêu hủy các cây cầu ngoại giao bằng cách yêu cầu lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ, và rằng “quan hệ Mỹ-Nga khó có thể cải thiện một cách đáng kể” bởi vì tham vọng bá chủ của Trump.

Nhưng đây là một dụ ngôn mà Trung Quốc đã mơn trớn cho cả thế giới từ lâu trước khi ông Trump bước vào chính trường, và họ còn tiếp tục tuôn ra nếu một tổng thống cánh tả sau Trump xuất hiện và phá hủy con đường bảo thủ mà ông Trump xây dựng. Điều Bắc Kinh muốn nói là “hợp tác với các nước dân chủ tự do là chấp nhận rủi ro cho chính phủ của họ và các doanh nghiệp lớn bởi vì người dân nước đó có thể dễ dàng bầu ra một chính phủ và người đứng đầu nhà nước mới, có chính sách khác hoàn toàn người cũ”.

Phân tích sâu xa như vậy, nhưng tờ Hoàn Cầu cũng không quên chỉ trích Tổng thống Mỹ đương nhiệm. “Chính sách ngoại giao của Trump là một đống hổ lốn”, tờ báo Trung Quốc viết. “Ông ta tin chắc vào bản năng của mình mà khinh bỉ các nguyên tắc ngoại giao quốc tế cơ bản. Thêm nữa,, ông ta thích mạo hiểm. Ngoại giao của ông ta thường là lối dân túy”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng không ngại đổ lỗi cho ông Trump vì gây ra “hỗn loạn trong chính nước Mỹ”. Việc này được thực hiện bên cạnh thông điệp lớn hơn của tờ Hoàn Cầu là rằng các nước dân chủ thật không thể tin được.

Hồi tháng trước, cũng tờ Hoàn Cầu lên tiếng chỉ trích chế độ đa nguyên đa đảng với bài viết “Hệ thống đa đảng không phù hợp với Châu Á”, trong đó lập luận rằng các nền văn hóa hài hòa của châu Á không thể dung hòa thứ tranh cãi chối tai vốn là không thể tránh khỏi ở các chính phủ mà cho phép bất kỳ người dân nào một tiếng nói công bằng trong việc họ nên được quản trị như thế nào.

“Ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á có mô hình dân chủ phương Tây, các lãnh đạo phải vào tù sau khi chuyển giao quyền lực. Có phải là bởi vì các quốc gia này chưa hòa nhập được với nền dân chủ đa đảng phương Tây, hay là hệ thống đó chia rẽ phá hoại nền chính trị ở đây?”, tờ báo đặt câu hỏi.

Hồi tháng Giêng năm nay, báo chí Trung Quốc bắt đầu gọi Mỹ là “Ly gián Quốc Hoa Kỳ”, bắt chước một cách gọi của tạp chí Times danh tiếng vốn không bao giờ dành các Mỹ từ cho tổng thống Trump. Trung Quốc cũng ám chỉ Mỹ không có hy vọng có thể cạnh tranh với Trung Quốc bởi vì hệ thống dân chủ của Mỹ khiến cho chính sách nước này rơi vào trạng thái “tâm thần phân liệt”. Trung Quốc cũng bỏ nhiều công sức thuyết phục các nước đang phát triển rằng hãy từ bỏ nền dân chủ dân cử đi, hãy kiểm duyệt các tiếng nói bất đồng và xây dựng cái gọi là “hòa hợp” vốn là nền tảng để các nước này trở thành đối tác ổn định hơn khi làm ăn với Trung Quốc. Chẳng hạn Tân Hoa Xã có một cột báo phân tích rằng: “Không giống nền chính trị cạnh tranh và đối đầu của phương Tây, ĐCSTQ và các đảng không phải là Cộng sản có thể hợp tác với nhau, nỗ lực tiến lên chủ nghĩa xã hội và phấn đấu cải thiện đời sống nhân dân”.

“Mối quan hệ như thế này giúp duy trì ổn định chính trị, sự hài hòa xã hội và đảm bảo việc xây dựng và thực thi chính sách có hiệu quả”, Tân Hoa Xã tuyên bố.

Ngoài việc cảnh báo Nga nên “tránh xa nền dân chủ tự do đầy tranh cãi” ra, tờ Hoàn Cầu còn tạo cho người đọc cảm giác rằng Trung Quốc có lo ngại việc Nga-Mỹ hợp tác với nhau. Một bài viết trên tờ báo này lập luận rằng cuộc gặp Trump-Putin vừa rồi không khiến Trung Quốc phải lo lắng bởi vì “Nga và Mỹ không có nhiều lợi ích chung, đặc biệt trong vấn đề kiềm chế Trung Quốc”. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trước đó thì khẳng định điều ngược lại: “Trung Quốc hoan nghênh cuộc gặp giữa ông Putin và ông trump – lãnh đạo của 2 siêu cường có ảnh hưởng mạnh mẽ tới toàn bộ thế giới.

Nhưng Nga có lẽ còn lo ngại hơn Mỹ về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới. Dự án Một vành đai – Một con đường (OBOR) sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát được hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cầu cảng và đường không vô cùng lớn, lan tỏa khắp Trung Á và bao vây chính Liên bang Nga. Việc Trung Quốc đang sắp kiểm soát được toàn bộ Biển Đông và tham vọng độc quyền hóa giao thương với Liên minh Châu Âu cũng có nguy hiểm đánh bật Nga ra khỏi thị trường chính của mình.

Trọng Đức

Xem thêm: