Hôm thứ Năm 1/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ rút khỏi thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, thực hiện một trong những cam kết tranh cử gây tiếng vang của mình.

Để hoàn thành nghĩa vụ nghiêm túc của tôi nhằm bảo vệ nước Mỹ và công dân Mỹ, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định về khí hậu ở Paris nhưng sẽ tái đàm phán để gia nhập lại hoặc là hiệp định Paris hoặc một Thoả thuận hoàn toàn mới với các điều khoản công bằng đối với Hoa Kỳ“- Trump nói trong tuyên bố trực tiếp từ Vườn Hồng của Nhà Trắng.

Trong những năm gần đây Mỹ đã đóng góp đáng kể tài chính khí hậu cho các nước nghèo, bao gồm 12,8 tỷ đô la từ năm 2010 đến năm 2014.

Theo Thoả Thuận, các nước công nghiệp phát triển tiên tiến trên thế giới đã cam kết “huy động 100 tỷ đô la mỗi năm từ năm 2020, để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển“, mà Mỹ là quốc gia phải đóng góp phần lớn.

Vì vậy chúng ta sẽ rút lui. Hiệp định Paris không công bằng ở mức độ cao nhất đối với Hoa Kỳ“, ông Trump nói.

Quyết định này của ông Trump đã thực hiện một lời hứa quan trọng đối với nhiều cử tri ủng hộ ông và làm hài lòng những người thuộc phe bảo thủ Đảng Cộng hoà, những người giữ quan điểm hoài nghi rằng hoạt động của con người là nguyên nhân chính dẫn đến sự ấm lên toàn cầu.

>> Biến đổi khí hậu: Các nhà khoa học nói gì?

Những cử tri ủng hộ Tổng thống đã tổ chức ăn mừng. Phóng viên BBC ghi nhận, với nhiều người trong số họ, quyết định này của ông Trump là một ví dụ nữa chứng tỏ lựa chọn của họ là một người mạnh mẽ.

Tuy nhiên quyết định này cũng khiến Tổng thống Mỹ lâm vào tình cảnh “một mình chống lại thế giới”, vì trong khi gần 200 quốc gia khác trên thế giới đã ký đồng thuận Paris, rút khỏi thoả thuận này sẽ đặt Mỹ ngang hàng với Syria và Nicaragua.

Theo thoả thuận Paris, các nước sẽ tự nguyện giảm lượng khí thải nhà kính theo mức “tự đăng ký” trong nỗ lực chung nhằm chống biến đổi khí hậu. Mỹ là quốc gia có lượng khí thải CO2 lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Theo thoả thuận mà chính quyền Obama ký, Mỹ sẽ phải giảm 30% khí thải từ nhiên liệu hoá thạch vào năm 2025.

Năm 2015, Tổng thống Obama dùng sắc lệnh hành pháp để tham gia thoả thuận Paris, mặc dù bị Quốc hội phản đối mạnh mẽ. Cùng với ObamaCare, thoả thuận Paris được xem là các dấu ấn trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Hôm thứ Năm, khi nghe thông báo từ người kế nhiệm, ông Obama nói:

Thậm chí trong tình huống thiếu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, thậm chí Chính quyền này quyết định gia nhập cùng một số ít các quốc gia từ chối tương lai, tôi tin rằng các bang, thành thị và doanh nghiệp của chúng ta sẽ bước lên và làm còn nhiều hơn để dẫn đường, và giúp bảo vệ hành tinh này cho các thế hệ tương lai“.

Cựu ứng viên Đảng Dân chủ Bernie Sanders gọi quyết định của ông Trump là “một nỗi nhục quốc tế”, trong khi cựu phó Tổng thống Al Gore thì nói đây là hành động “bất cẩn và không thể bào chữa được”.

Khác với thông tin đại chúng rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra là một thực tế không cần bàn luận, có rất nhiều tranh luận của các nhà khoa học rằng đây đơn giản là một hiện tượng tự nhiên trong quá trình dài hàng tỷ năm của trái đất hay là do tác động của con người.

Giáo sư vật lý khí quyển Richard Lindzen từ đại học MIT tin rằng có quá nhiều tác nhân đầu vào dẫn đến sự thay đổi của khí hậu và không ai dám chắc khí thải CO2 do con người gây ra có phải là nguyên nhân chính hay không. Ông cũng lưu ý rằng trong khi cuộc tranh luận khoa học chưa đến hồi kết, chính sự tham gia của giới truyền thông, các nhà vận động môi trường và các chính trị gia mới khiến tình trạng phần lớn người dân lo sợ tới mức quá đáng về biến đổi khí hậu, đặt áp lực lớn lên ngân sách quốc gia.

Quyết định này của Tổng thống Trump cũng đi ngược lại với mong muốn của con gái ông, cô Ivanka, được biết đến như một người ủng hộ thoả thuận Paris. Các lãnh đạo doanh nghiệp khác như Tim Cook (Apple) và Elon Musk (Tesla) cũng nằm trong danh sách các tỷ phủ vận động cho thoả thuận này.

Trọng Đức

Xem thêm: