Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson kết thúc chuyến thăm Châu Á đầu tiên của mình hôm Chủ Nhật (19/3) bằng buổi tiễn đưa hữu nghị của chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên cam kết sẽ cùng cố gắng thắt chặt quan hệ, nhưng tránh né các vấn đề dễ gây căng thẳng. 

Trung Quốc nhiều lần tức giận trước sự lên án liên tục của Washington vì không kiềm chế được “con ngựa bất kham” của mình là chính quyền Bình Nhưỡng, để lãnh đạo quốc gia “đàn em” này liên tục thử bom hạt nhân và phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo. Bắc Kinh tố cáo ngược lại Mỹ khi tiến hành lắp lá chắn tên lửa ở Nam Hàn, nói rằng hệ thống vũ khí này có khả năng đe dọa an ninh Trung Quốc và thúc đẩy chạy đua vũ trang bán đảo Triều Tiên.

Vấn đề Đài Loan cũng khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối, khi mà chính quyền Trump vừa loan báo sẽ bán một lô vũ khí mới, quy mô lớn để hòn đảo tự trị này bảo vệ mình khỏi mối đe dọa bên kia eo biển.

Nhưng hôm Chủ nhật, tại Đại Lễ đường Nhân dân, những vấn đề nóng bỏng trên không hề được nhắc tới. Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân tiếp đón người đại diện chính quyền Mỹ, khen ngợi những nỗ lực của Ngoại trưởng trong việc tân chính quyền Mỹ đạt được một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm “trong thời kỳ mới của quan hệ hai bên”.

Ông nói rằng quan hệ Mỹ-Trung chỉ có thể là hữu nghị. Tôi bày tỏ sự cảm kích của mình vì điều này“, ông Tập nói.

Trong họp báo, Chủ tịch Trung Quốc cũng cho hay ông đã liên lạc qua điện thoại vài lần với Tổng thống Mỹ.

Cả hai chúng tôi đều tin tưởng hợp tác Trung-Mỹ từ nay về sau sẽ đi theo hướng mà chúng tôi đang nỗ lực để đạt được. Chúng tôi đều kỳ vọng vào một thời kỳ phát triển mang tính xây dựng mới”.

Vấn đề Triều Tiên

Bất chấp những ngôn từ trau chuốt gửi đến báo chí trong ngày cuối cùng ông Tillerson có mặt tại Bắc Kinh, trọng tâm của chuyến thăm châu Á lần này của Ngoại trưởng Mỹ là nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên mà Mỹ đã gọi là “mối đe dọa cận kề“.

Mối đe dọa Bắc Hàn đang cận kề. Nó đã đạt đến một cấp độ mà chúng tôi rất quan ngại về hậu quả, nếu Bắc Hàn được phép tiếp tục phát triển những hoạt động mà họ đã đang thực hiện, về cả vũ khí và hệ thống phóng“, Ngoại trưởng Mỹ nhận xét.

Hôm thứ Sáu tuần trước, tại Seoul, ông cảnh báo lối hành xử ngông cuồng của Bình Nhưỡng rằng “sự nhẫn nại chiến lược của Hoa Kỳ đã chấm hết” và “mọi biện pháp, kể cả can thiệp quân sự đang được cân nhắc trên bàn làm việc” nếu Bắc Hàn dám tấn công đồng minh Hàn Quốc hoặc lực lượng Hoa Kỳ

Cảnh báo của ông Tillerson, một tuyên bố có thể đánh dấu sự thay đổi quan trọng từ chính sách tương đối ôn hòa thời ông Obama sang biện pháp đối đầu diều hâu hơn đối với nhà nước hiếu chiến Bắc Hàn, đã được Nhà Trắng xác nhận.

Phát ngôn nhân Nhà Trắng Sean Spicer hôm thứ Hai (20/3) lý giải những băn khoăn của báo giới bằng cách nhấn mạnh rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson đã “gửi một tín hiệu rất rõ ràng rằng chính sách nhẫn nại chiến lược của chúng tôi đối với Bắc Hàn đã kết thúc“.

Chính Tổng thống Trump cũng thể hiện thái độ khó đoán đối với Trung Quốc, từ việc lên án Bắc Kinh trong vấn đề ngoại thương, quân sự hóa biển Đông và tự mình nghe điện thoại của Tổng thống Đài Loan khiến Trung Quốc tức giận.

Cuối tuần vừa rồi, ông Trump thông báo đã tổ chức cuộc họp về Bắc Hàn tại khu nghỉ dưỡng ở Florida của mình, và nhận định rằng lãnh đạo quốc gia này đang hành động “rất, rất tồi tệ”. Trước đó, ông Trump đã công khai lên án Trung Quốc thực hiện quá ít trong việc kiềm chế sự phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.

Bắc Kinh nhiều lần giải thích rằng họ không thể kiểm soát được Bắc Hàn như Washington và các nước khác nghĩ, bất chấp việc Bắc Kinh là đối tác thương mại chính và gần như duy nhất của Bắc Hàn, đồng thời là người bảo vệ duy nhất của quốc gia này khi Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc muốn thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn.

Bất kể vì lý do lịch sử, các ràng buộc an ninh bí mật hay lo sợ làn sóng người tị nạn sẽ tràn qua biên giới nếu nhà nước Bắc Hàn sụp đổ như Bắc Kinh viện dẫn, Trung Quốc rõ ràng không muốn bức ép Bình Nhưỡng hơn nữa mà thay vào đó, họ muốn Mỹ và các nước phương Tây phải xuống nước trước để Bắc Hàn bước vào vòng đàm phán với vị thế cao hơn. Đây là điều mà chính quyền Trump đã từ chối và khó lòng đồng ý trong tương lai.

Xét trong bối cảnh Bắc Hàn không hề tỏ ý định muốn từ bỏ chương trình vũ khí và hạt nhân của mình, đây sẽ là “con voi trong phòng họp” mà Mỹ, Trung sẽ rất nhanh chóng phải đối diện.

Trọng Đức