Oxford Union là một cộng đồng tranh biện (debate) tại thành phố Oxford, Anh quốc, được sáng lập vào năm 1823. Đây là một trong 3 cộng đồng đại học lâu đời nhất nước Anh, đã từng cung cấp cơ hội cho rất nhiều chính trị gia trong và ngoài nước Anh phát triển kỹ năng hùng biện, cũng như danh tiếng và mối quan hệ trong giới trí thức. Phần lớn các thành viên của cộng đồng Oxford Union đến từ Đại học Oxford.

Nhân ngày nhân quyền thế giới 10/12, Trí Thức VN xin được giới thiệu tới bạn đọc bản dịch phần tranh biện của Hoa hậu thế giới Canada 2016 Anastasia Lin, về chủ đề: “Có nên hy sinh thương mại vì nhân quyền?”, tập trung vào vấn đề nhân quyền Trung Quốc. Toàn bộ buổi tranh biện tại Oxford Union với sự tham dự của các thành viên khác có thể được xem ở video cuối bài.

Dưới đây là video phần tranh biện của Anastasia Lin:

Buổi tranh biện hôm nay tập trung vào câu hỏi: Liệu chúng ta có nên hy sinh thương mại vì nhân quyền? Chúng ta hãy thử đảo ngược câu hỏi lại: Liệu chúng ta có nên hy sinh nhân quyền để theo đuổi thương mại? Liệu chúng ta có nên chấp nhận rằng cái giá của công việc kinh doanh là bỏ qua khổ đau của hàng triệu con người? Quan điểm của tôi là, không cần thiết phải chấm dứt thương mại với Trung Quốc, nhưng chúng ta phải chấm dứt những hoạt động thương mại đang thúc đẩy việc lạm dụng nhân quyền.

Dùng thương mại để thúc đẩy nhân quyền không phải là một chủ đề mới, nhưng khi so sánh với các biện pháp thay thế ít ỏi khác như đàm phán ngoại giao kín, thương mại thường là đòn bẩy rõ ràng nhất để thúc đẩy nhân quyền. Tháng 12 [năm 2016] vừa qua, hai khách hàng tại Anh quốc mua bít tất của hãng Primark và tìm thấy những mảnh giấy cầu cứu bên trong. Trên đó có viết rằng người đàn ông làm những chiếc bít tất này là một nhà bất đồng chính kiến đang bị giam tại nhà tù Trung Quốc, và phải đối mặt với tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần. Hãng Primark phủ nhận tính xác thực của các mảnh giấy, nhưng sau đó các nhà điều tra đã xác nhận nội dung của chúng. Nếu có cơ sở để tin rằng các trại lao động cưỡng bức là một phần trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, liệu có nên dừng tiếp nhận các sản phẩm từ đất nước này, ít nhất là cho đến khi họ chắc chắn rằng công việc kinh doanh của mình không tiếp tay cho vi phạm nhân quyền? Và đây là một ví dụ cho việc hy sinh hoặc đình chỉ hoạt động thương mại để bảo vệ nhân quyền.

Việc này thực sự không hề là chuyện nhỏ nếu xem xét đến quy mô của tình trạng lạm dụng nhân quyền. Cho đến năm 2013, đã có hơn 300 trại cải tạo lao động đang hoạt động tại Trung Quốc. Họ đã giam giữ hàng trăm ngàn tù nhân không qua xét xử. Rất nhiều trại cải tạo lao động giam giữ chủ yếu là các tù nhân lương tâm của cả tín ngưỡng lẫn chính trị, họ phải đối mặt với sự tra tấn thường xuyên, đôi khi bị đánh đập đến chết. Hệ thống lao động cưỡng bức là nguồn thu đáng kể của chính phủ Trung Quốc. Chính quyền địa phương có động cơ tài chính để bỏ tù các công dân Trung Quốc tuân thủ luật pháp, ép buộc họ phải làm ra sản phẩm xuất khẩu. Và động cơ tài chính này được tạo ra bởi công việc kinh doanh với các công ty phương Tây.

Hệ thống lao động cưỡng bức được cải tổ lại vào năm 2013, nhưng chỉ là ở cái vỏ ngoài. Nó vẫn đang tiếp diễn tại Trung Quốc, bất chấp những biện pháp ngoại giao kín. Nếu chúng ta thực sự mong muốn tác động tới vấn đề này, thì cấm vận thương mại có chọn lọc là biện pháp có hiệu quả nhất. Họ sẽ không thay đổi trong vấn đề cưỡng bức lao động cho đến khi tổn thất vượt qua lợi ích.

Khi Trung Quốc phát triển, quyết đoán và tự tin hơn trên trường quốc tế, chính phủ nước này cũng trở nên trơ tráo hơn trong việc lạm dụng nhân quyền: từ vụ bắt cóc ngoài lãnh thổ những nhà xuất bản Hồng Kông; cho tới việc cưỡng ép các nhà bất đồng chính kiến và các nhân viên của tổ chức phi chính phủ thú tội trên truyền hình – điều chắc chắn đã được thực hiện bằng việc đe dọa tra tấn; và cuộc đàn áp các luật sư nhân quyền vẫn đang diễn ra để bịt miệng họ trước các cuộc đàn áp bạo lực đối với dân tộc thiểu số và các nhóm tín ngưỡng.

Tranh biện Oxford Union: Có nên hy sinh thương mại vì nhân quyền ? - Anastasia Lin
Anastasia Lin trong phần tranh biện tại Oxford Union. (Ảnh qua Oxford Union)

Tại sao điều này lại xảy ra? Trong quá khứ, bởi vì chúng ta – những người ngoài cuộc – đã không để họ thấy cái giá phải trả cho việc lạm dụng nhân quyền, nên các nhà cầm quyền Trung Quốc đã hiểu rằng dù có lạm dụng nhân quyền đến đâu đi chăng nữa, họ sẽ không phải đối mặt với những hậu quả nặng nề, dù là về chính trị hay kinh tế. Chúng ta đã dạy cho chính quyền cộng sản Trung Quốc rằng, họ có thể bắt bớ, giam giữ, tra tấn và giết hại công dân của mình mà vẫn được miễn tội.

Một số người tin rằng nếu chúng ta tăng cường quan hệ với Trung Quốc, thì Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ dần dần chấp nhận những giá trị phương Tây, rằng tự do hóa chính trị sẽ theo sau sự thịnh vượng về kinh tế. Nhưng điều này đã không xảy ra ở Trung Quốc, và nó đã không xảy ra trong vài thập kỷ qua. Khi chúng ta chờ đợi sự thay đổi trên lý thuyết này, vô số người dân Trung Quốc vô tội vẫn đang chết dần trong các nhà tù và trại lao động. Có lẽ chính giá trị [phương Tây] của chúng ta, chứ không phải là giá trị của Bắc Kinh, đã thay đổi trong mối quan hệ này.

Chúng ta không chỉ có nghĩa vụ hành động về mặt đạo đức, mà còn có nghĩa vụ thúc đẩy nhân quyền về mặt pháp luật, bởi vì một số hành động lạm dụng nhân quyền của chính quyền Bắc Kinh đã phạm tội ác quốc tế ở mức độ cao nhất, như cuộc đàn áp của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi hàng chục triệu công dân Trung Quốc đang thực hành môn thiền định Phật gia ôn hòa này, thì Đảng cộng sản Trung Quốc đã quyết định trừ bỏ nó vì lo sợ sự phổ biến của môn tập, cũng như lo sợ việc chế độ không kiểm soát được nó.

Trong một báo cáo gần đây, tổ chức nhân quyền Freeom House cho thấy, hàng trăm nghìn người tập Pháp Luân Công đã bị bắt giam mà không qua xét xử, khiến họ trở thành nhóm tù nhân lương tâm lớn nhất tại Trung Quốc, nếu không muốn nói là trên toàn thế giới. Năm 2001, các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc đã phê chuẩn việc tra tấn để ép buộc những người tập Pháp Luân Công từ bỏ tín ngưỡng của họ, khiến rất nhiều người đã bị giết trong tù, hoặc qua đời ngay sau khi được thả. Đảng cộng sản Trung Quốc cũng thực hiện tuyên truyền thù hận và đưa thông tin sai lệch, để phỉ báng, để ma quỉ hóa hình tượng người tập Pháp Luân Công, biến họ thành những kẻ phá hoại xứng đáng bị tiêu diệt. Việc này có khiến bạn liên tưởng tới [việc Phát xít làm với người Do Thái] không?

Hai nhà nghiên cứu hợp pháp người Canada là ông David Matas và ông David Kilgour, cùng một nhà báo người Mỹ là ông Ethan Gutmann đã kết luận rằng những tù nhân lương tâm là hàng chục ngàn người tập Pháp Luân Công, và những người Duy Ngô Nhĩ, đã bị giết hại để lấy nội tạng bán cho khách du lịch ghép tạng (*). Đảng cộng sản Trung Quốc đã phát triển một chính sách thẳng tay để diệt trừ một nhóm tín ngưỡng bao gồm hàng triệu người Trung Quốc. Nước này đã theo đuổi chính sách đó một cách tàn nhẫn trong suốt 16 năm qua.

(*) Du lịch ghép tạng là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận ở Trung Quốc, khi những người nước ngoài tới đây dưới hình thức khách du lịch, nhưng thực chất họ là bệnh nhân cần nội tạng để cấy ghép.

Việc duy trì một cuộc bức hại có hệ thống lan rộng khắp mọi tầng lớp của xã hội, việc thực hiện tội ác hung bạo phản nhân loại, và có thể là tội ác diệt chủng, là sự vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế. Chúng ta còn chờ sự việc tồi tệ đến đâu thì mới hành động? Hơn nữa, ngay khi có bằng chứng về việc diệt chủng đang diễn ra, luật pháp quốc tế yêu cầu tất cả các quốc gia phải sử dụng bất kỳ biện pháp pháp lý nào có thể có, dù là ngoại giao nhân đạo hay biện pháp kinh tế, để ngăn chặn nó tiếp diễn. Chúng ta đã không làm đủ, chúng ta chưa hề thực hiện đầy đủ trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm đạo đức. Và mặc dù tội lỗi thuộc về kẻ phạm tội, nhưng chúng ta phải thực sự nghiêm túc hỏi bản thân rằng, liệu chúng ta có phải là kẻ đồng lõa.

Một số người biện hộ rằng thị trường Trung Quốc quá quan trọng, và chúng ta phải đặt bổn phận pháp lý và đạo đức qua một bên, và phải thực tế hơn. Những người Trung Quốc đã làm mọi thứ có thể để khiến thế giới nhận thức được hoàn cảnh của mình, và rất nhiều người tại Trung Quốc đã phải đối diện với bức hại bởi vì họ muốn giữ vững niềm tin. Họ từ chối im lặng, từ chối sợ hãi và áp bức. Họ có dũng khí để giữ vững tín ngưỡng của mình dù có phải trả giá đến đâu. Làm sao chúng ta có thể kết luận rằng, việc bịt miệng, giết hại, tra tấn họ là một cái giá hợp lý để làm ăn với Trung Quốc?

Nhân quyền là nền tảng của pháp trị và pháp trị là nền tảng cho một môi trường đầu tư khả đoán (có thể dự đoán trước được). Nếu chúng ta không nỗ lực trong vấn đề này, chúng ta rồi sẽ khiến bản thân bị lạm dụng theo cùng một cách [mà chúng ta tưởng rằng] chỉ xảy ra với người dân Trung Quốc. Rốt cuộc thì chính quyền Trung Quốc tin rằng họ có thể coi thường nhân quyền của chính người Trung Quốc, tại sao chúng ta lại hy vọng rằng mình được đối xử tốt hơn? Việc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ đã khiến các công ty nước ngoài thiệt hại hàng tỷ đô la, và ngày càng có nhiều công ty Tây phương nói rằng: Trung Quốc là một môi trường kinh doanh kém thân thiện với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thậm chí bản thân những người Trung Quốc cũng không tin tưởng vào sự an toàn và tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành một quốc gia không có luật pháp, với tiêu chuẩn an toàn lao động và tiêu chuẩn môi trường thấp kém. Một số công ty Trung Quốc có quan hệ với chính phủ và quân đội đã trở thành mối nguy hại ở mức quốc gia đối với các công ty nước ngoài, vì mạng lưới gián điệp phức tạp và có hệ thống của họ.

Và cuối cùng, đừng tin rằng khi đứng lên vì nhân quyền, chúng ta đang áp đặt các giá trị phương Tây lên văn hóa nước khác. Tôi được sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, và tôi có thể nói với các bạn rằng: người Trung Quốc mong muốn sự công bằng như bất cứ một ai. Người Trung Quốc không muốn bị tra tấn nhiều hơn các bạn, và người Trung Quốc xứng đáng được đối xử tôn trọng giống như công dân của bất cứ quốc gia phương Tây nào.

Tôi chân thành hy vọng rằng một ngày kia Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng, tự do và hòa bình. Mặc dù chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố tôi không được hoan nghênh ở Trung Quốc (**), tôi luôn giữ một tình yêu sâu sắc với đất nước và con người nơi đây. Và tôi an tâm vì có một thực tế rằng không có một kẻ độc tài nào, không có một đảng độc tài nào có thể tồn tại mãi mãi. Trung Quốc sẽ thay đổi, và thay đổi đó phải đến từ chính bên trong những người dân Trung Quốc. Nhưng một ngày kia khi người dân Trung Quốc cuối cùng cũng được tự do để đối mặt với tội ác của Đảng cộng sản Trung Quốc, thì chúng ta cũng không nên để họ phải nói rằng, chúng ta là những kẻ đồng lõa.

(**) persona non grata – không được hoan nghênh, đồng nghĩa với việc cấm không được cấp thị thực vào Trung Quốc.

Toàn bộ buổi tranh biện tại Oxford Union:

Kim Tuyến biên dịch