Tòa án Tối cao hôm thứ Ba (12/9) lại ra phán quyết yêu cầu tòa phúc thẩm cấp dưới tuân thủ lệnh cấm di trú, hạn chế nhập cảnh của chính phủ Trump.

Kề từ tháng 6/2017, Tòa án Tối cao đã phải 3 lần can thiệp vào lệnh cấm di trú của chính phủ Trump. 

Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho hay Tối cao Pháp viện hôm thứ Ba (12/9) đã ban hành lệnh khẩn cấp đứng về phía chính phủ Trump, phản bác một quyết định của tòa phúc thẩm liên bang tuần trước ra phán quyết cho phép khoảng 24.000 người tị nạn đã được kiểm tra có thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Như vậy, với quyết định mới nhất của Tòa án Tối cao, hơn 2 vạn người tị nạn nêu trên sẽ không đủ tiêu chuẩn để nhập cảnh vào Mỹ.

Đây là lần thứ ba kể từ tháng 6, các thẩm phán của Tối cao Pháp viện can thiệp để thiết lập các phán quyết tạm thời về lệnh hành pháp cấm di trú của ông Trump, trong khi vẫn đang chờ tiếp tục xem xét toàn diện tính hợp pháp của sắc lệnh này. Lệnh cấm di trú được Tổng thống Mỹ ký ban hành từ 6/3, trong đó nhấn mạnh đến việc cấm di trú vào Mỹ với công dân và người tị nạn đến từ 6 nước đa số Hồi giáo như Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.

Ông Trump nói rằng lệnh cấm tạm thời là cần thiết để chống lại các mối đe dọa khủng bố, trong khi  chờ đợi các bên liên quan nghiên cứu thêm về các thủ tục kiểm tra chặt chẽ hơn người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phê bình lại cho rằng những hạn chế của chính phủ là không công bằng và cáo buộc tổng thống đang có hành vi trái luật nhắm vào những du khách Hồi giáo.

Những nhóm phản đối quyết sách của ông Trump mạnh mẽ nhất có bang Hawaii, cùng các nhóm hoạt động vì quyền dân sự và quyền nhập cư. Kể tử khi ký lệnh hành pháp cấm di trú hồi đầu tháng 3, ông Trump đã từng nhiều lần đối mặt với các phán quyết tiêu cực từ các tòa án liên bang cấp thấp.

Tòa án Tối cao dự kiến sẽ nghe các bên tranh biện công khai về lệnh cấm di trú vào ngày 10/10, từ đó các thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết toàn diện cuối cùng về sắc lệnh gây tranh cãi này.

Bộ Tư pháp, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ lệnh cấm di trú, cho biết rằng họ mong chờ tới cuộc tranh luận sắp tới và hài lòng với việc Tòa án Tối cao “đã cho phép chính phủ tạm thời giữ nguyên hiệu lực lệnh cấm để bảo vệ an toàn, anh ninh cho đất nước”.

Tổng chưởng lý bang Hawaii Douglas Chin nói rằng bang của ông tôn trọng quyết định của Tòa án Tối cao và đang tiếp tục chuẩn bị cho buổi tranh tụng vào tháng 10 tới.

Lần đầu tiên Tòa án Tối cao phải đưa ra phán quyết tạm thời về sắc lệnh di trú là vào ngày 26/6. Khi đó, Tòa án đã tuyên bố rằng chính phủ Trump có thể áp dụng một phần lệnh cấm di trú, nhưng không được áp dụng với những người có mối quan hệ thực chất với công dân và các tổ chức tại Mỹ.

Phán quyết đó của Tòa tiếp tục dẫn tới tranh cãi. Chính phủ Trump sau đó đã hiểu quyết định của Tối cao Pháp viện theo nghĩa hẹp và áp dụng cấm nhập cảnh với một nhóm rộng người tị nạn, cũng như không cho phép các thành viên mở rộng của các gia đình tại Mỹ như ông bà, cháu chắt, cô dì, chú, bác di trú đến Mỹ.

Do đó, vào ngày 19/7, Tòa án Tối cao lần thứ hai phải ra phán quyết can thiệp ngăn chặn chính phủ Trump cấm di trú với các thành viên gia đình mở rộng nêu trên. Tuy nhiên, các thẩm phán khi đó vẫn giữ lệnh hạn chế người tị nạn chờ cho đến khi Tòa án Phúc thẩm số 9 nghiên cứu thêm và ra quyết định.

Tòa án Phúc thẩm số 9, có trụ sở tại San Francisco, tuần trước đã ra phán quyết chống lại chính phủ Trump về vấn đề người tị nạn. Tòa này cho rằng người tị nạn nên được phép nhập cảnh vào Mỹ nếu họ có được sự bảo đảm từ cơ quan tái định cư người tị nạn của Hoa Kỳ. Quyết định này dẫn tới có thể khiến nước Mỹ lập tức phải cho phép khoảng 24.000 người tị nạn vào Mỹ. Chính quyền Trump phản đối điều này và gửi yêu cầu lên Tối cao Pháp viện can thiệp.

Cuối cùng, như thông tin ở trên, Tòa án Tối cao đã chấp nhận yêu cầu của chính quyền Trump và bác bỏ phán quyết của Tòa án Phúc thẩm số 9.

Tân Bình

Xem thêm: