“Hẳn sẽ có người mong tôi không nhắc đến Trung Quốc như kẻ thù của chúng ta. Song họ chính xác là như thế.” – Donald J. Trump

Hình chụp ảnh bìa tạp chí Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, dẫn bài viết tiêu đề: Tại sao ông Trump chiến thắng.

“Ngày hôm nay, thế giới phải đối đầu với hai “phiên bản” của Trung Quốc.

Trung Quốc “tốt” là Trung Quốc đã xây dựng những thành phố vĩ đại và cung cấp nhà ở lẫn giáo dục cho hàng triệu người. Trung Quốc “tốt” cho phép công dân họ du lịch khắp thế giới để học tập, và giúp tạo ra một tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển.

Trung Quốc “xấu” là Trung Quốc gần như bị che kín với người bên ngoài. Đó là chính quyền kiểm soát quyền tiếp cận Internet của người dân, áp chế bất đồng chính trị, bất đồng chính kiến, hạn chế quyền tự do, phát động tin tặc tấn công trên mạng, và sử dụng sức ảnh hưởng của họ trên khắp thế giới để thao túng các nền kinh tế.

Và đồng thời trong suốt thời gian đó, họ đang củng cố sức mạnh quân sự của mình.

Không còn nghi ngờ rằng việc giải quyết Trung Quốc, cùng với việc giải quyết nước Nga, sẽ tiếp tục là thách thức dài hạn lớn nhất của chúng ta.

Chúng ta hiện cạnh tranh với Trung Quốc về kinh tế, và chúng ta đã thua cuộc chiến này từ rất lâu. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của chúng ta, chỉ đứng sau hàng xóm của ta như Canada và Mexico. Dẫu vậy, Trung Quốc nắm giữ nợ của nước Mỹ (hơn 1,5 ngàn tỉ đô la) nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác (dù Nhật Bản cũng gần sát). Nhưng chúng ta đã chứng kiến vào mùa hè năm 2015 khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, nền kinh tế hai nước bị buộc vào nhau theo một lối rất tiêu cực.

Nhiều năm về trước, từng có một câu châm ngôn nói rằng “Khi General Motors hắt hơi, thị trường chứng khoán liền bị cảm lạnh”. Trong những ngày đó, GM là thế lực to lớn trong nền kinh tế đến nỗi nếu họ sa sút, thì nền kinh tế cả nước cũng chịu trận theo. Cơn suy thoái thẳng đứng gần đây của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến chỉ số Dow Jones trung bình của chính chúng ta mất 1.000 điểm trong vòng vài ngày khi các nhà đầu tư tháo chạy để cắt lỗ. Tương tự, thâm hụt thương mại của chúng ta đã kéo lùi nền kinh tế một cách nguy hiểm. Khi Trung Quốc hạ giá đồng tiền của họ, việc này đã tác dộng xấu đến cán cân thương mại vốn đã yếu kém.

Chúng ta biết rằng chúng ta đã trở nên phụ thuộc vào thị trường đang nổi lên của Trung Quốc. Trong năm 2014, chúng ta nhập khẩu 17% hàng hóa Trung Quốc nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Hong Kong, nay đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc, đứng thứ hai và Nhật Bản đứng xa thứ ba. Sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc dựa vào chúng ta. Họ cần thương mại của chúng ta hơn là ta cần họ.

Thật ngu xuẩn biết bao, chúng ta lại không vận dụng điều đó làm lợi thế cho mình.

Trong vòng vài thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng thần kỳ 9 đến 10% mỗi năm, mặc dù gần đây đã có dấu hiệu nguội đi. Bất chấp những biến động gần đây, các nhà kinh tế học dự báo rằng trong thập kỷ tiếp theo Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ giữ vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chúng ta đã làm gì để đảm bảo chúng ta sẽ có khả năng cạnh tranh với họ? Chúng ta đã làm gì để đánh bại họ?

Tôi sẽ nói các bạn nghe chúng ta đã làm gì: Chúng ta cứ kệ để mọi việc diễn ra.

Hẳn sẽ có người mong tôi không nhắc đến Trung Quốc như kẻ thù của chúng ta. Song họ chính xác là như thế. Họ đã hủy diệt toàn bộ những ngành công nghiệp bằng việc tận dụng lao động giá rẻ, khiến chúng ta mất hàng chục ngàn việc làm, do thám các doanh nghiệp của chúng ta, đánh cắp công nghệ của chúng ta, thao túng và hạ giá đồng tiền của họ, khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa của chúng ta bị tốn kém hơn và đôi khi là bất khả thi.

Tôi biết rõ, bằng kinh nghiệm của mình, rằng đây là một vấn đề khó khăn. Người Trung Quốc là những doanh nhân khôn khéo, và họ có lợi thế lớn so với những hãng sản xuất của chúng ta. Tôi đã có vài sản phẩm mang thương hiệu Trump được làm ở nước họ.

Đó là một ví dụ tốt về sự khác nhau giữa một chính trị gia và một doanh nhân. Để tồn tại trong ngành kinh doanh, tôi phải thông minh hơn đối thủ của mình. Tôi có thể tạo ra một luận điểm rất quan trọng nếu tôi từ chối sản xuất hàng hóa của mình ở Trung Quốc.

Chừng nào chúng ta còn chơi theo những điều kiện này, chứng đó các công ty Mỹ sẽ không có lựa chọn. Các quốc gia thuộc thế giới thứ ba có chi phí sản xuất căn bản thấp hơn. Họ có chi phí đầu người thấp hơn và trả lương công nhân ít hơn rất nhiều. Là một doanh nhân, tôi có nghĩa vụ với tất cả nhân viên của mình, với người tiêu dùng và cổ đông, trong việc làm ra sản phẩm tốt nhất với giá thấp nhất có thể.

Tuy nhiên, trong vấn đề chính sách toàn cầu của Mỹ, chúng ta muốn tước đoạt lợi thế của Trung Quốc. Năm ngoái, tổng thống Obama đến Trung Quốc, và họ đã tổ chức một yến tiệc thịnh soạn đón ông. Trước khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm ngược lại đến Mỹ, Nhà Trắng đã thông báo kế hoạch tổ chức một bữa tiệc tối phung phí. Tôi đã phát biểu rằng việc tổ chức một bữa tối chính phủ để vinh danh ông ta là điều tôi không bao giờ làm. Thay vào đó, tôi sẽ bảo ông ta rằng đã đến lúc chúng ta bàn chuyện làm ăn, và chúng ta đi thằng vào công việc. Để “khai vị”, chế độ Trung Quốc cần ngừng hạ giá đồng tiền của họ vì làm thế khiến phần còn lại của thế giới khó cạnh tranh hơn.

Thực tế là Trung Quốc cũng cần một nước Mỹ mạnh về kinh tế y như chúng ta cần nền kinh tế của họ. Ví dụ vào tháng 5/2015, cứ mỗi 5 đô la hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng đó thì người Mỹ mua trị giá 1 đô la. Chúng ta mua tới 20% tổng giá trị xuất khẩu của họ, nhiều hơn đáng kể trị giá mua của EU – vốn là nơi tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc lớn thứ hai. Và với thực tế sức mua của Mỹ tiếp tục tăng mỗi năm, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ để trở nên thịnh vượng.

Như Steve Forbes từng viết trong tạp chí của ông: “Tài sản của Trung Quốc trong Ngân khố Mỹ, vốn đạt mức kỷ lục trong năm 2013, đang rung lên những hồi chuông báo động. Không phải thế. Chúng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang trở nên phụ thuộc vào Mỹ và phần còn lại của thế giới để duy trì sức mạnh và sự thịnh vượng của họ”.

Hãy nhớ: Người Trung Quốc cần chúng ta cũng nhiều như chúng ta cần họ.

Thậm chí có lẽ còn nhiều hơn.

Vậy chúng ta cần làm gì đây? Chúng ta sẽ sử dụng đòn bẩy đang có để thay đổi tình hình sao cho có lợi cho đất nước và người dân Mỹ. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc trở nên cứng rắn với người Trung Quốc. Tôi từng đàm phán với những công ty Trung Quốc rồi. Tôi biết cách họ làm ăn. Thực ra tôi là chủ nhà của ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, đang đặt văn phòng của họ trong Tòa nhà Trump. Chúng tôi đã đàm phán thành công vài hợp đồng cho thuê. Không phải lúc nào cũng dễ dàng. Họ là những người tinh thông nhưng tôi chưa bao giờ lùi bước”.

Tác giả: Donald J. Trump

Bài viết được trích từ cuốn sách của Donald Trump viết cuối năm 2015 – “Nước Mỹ què quặt: Làm thế nào khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Crippled America: How to Make America Great Again), được nhà xuất bản Nhã Nam mua bản quyền và dịch với tiêu đề “Donald Trump: Nước Mỹ nhìn từ bên trong”.

Xem thêm: