Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang với các vụ thử tên lửa đạn đạo liên tiếp và gần nhất là lần thử hạt nhân thứ 6 của chế độ Kim Jong-un, thu hút sự chú ý mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc lại lặng lẽ tiến hành các động thái tăng cường kiểm soát các vùng biển đảo chiến lược trên biển Đông.

Trung Quốc tập trận trên biển Đông năm 2015

Theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng của Hồng Kông, vào cuối tháng 8, Nghị sĩ Philippines Alejano đã công bố các bức ảnh về hiện trạng biển Đông và chỉ ra rằng các tàu của Trung Quốc, gồm có tàu đánh cá, tàu hải cảnh và tàu hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bao vây đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa để ngăn cản Philippines sửa chữa các công trình trên đảo. Manila đang giành quyền kiểm soát đảo Thị Tứ, nơi mà cả Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Tờ BBC hồi tháng 7 đã đưa tin rằng dưới sức ép của Trung Quốc, Việt Nam đã buộc phải yêu cầu đối tác của mình là công ty Repsol S.A (Tây Ban Nha) dừng khai thác dầu tại lô 136/3 thuộc bãi Tư Chính, quần đảo Trường Sa, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 160km. Một quan chức của Repsol hôm 2/8 đã chính thức xác nhận với Reuters rằng họ đã dừng khoan dầu tại Việt Nam.

Những sự cố xảy ra với Philippines và Việt Nam nêu trên cho thấy Trung Quốc đã và đang tận dụng tối đa cơ hội Mỹ mở khoảng trống quyền lực ở khu vực Đông Nam Á dưới thời Tổng thống Donald Trump để gia tăng kiểm soát biển Đông. Từ khi chính thức tiếp quản Tòa Bạch Ốc vào 20/1, ông Trump đã tập trung nhiều vào việc xử lý các căng thẳng thương mại với Trung Quốc và các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên nên có phần sao nhãng vùng biển chiến lược ở Đông Nam Á.

Mặc dù dưới thời ông Trump, chính phủ Mỹ đã nối lại hoạt động tuần tra biển Đông theo cái họ gọi là “tự do hàng hải” và cho đến nay Washington đã tiến hành hoạt động này được 3 lần. Nhưng con số đó là quá ít so với các động thái mạnh mẽ của Trung Quốc.

Mới đây, tờ Nhật báo Phố Wall thông tin rằng quân đội Hoa Kỳ đã có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động “tự do hàng hải” tại biển Đông trong vài tháng tới với tần suất từ 2 đến 3 lần mỗi tháng.

Dù vậy, sự cam kết của Mỹ tại Đông Nam Á vẫn còn rất mơ hồ với các quốc gia khu vực này và nhiều nước, đặc biệt là Philippines, gần đây đã không còn muốn công khai đơn phương thách thức Trung Quốc trong các vấn để tranh chấp biển đảo. Khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên càng leo thang thì rủi ro cho khu vực biển Đông lại cũng tăng theo. Trung Quốc đã và đang mở rộng sự hiện diện của mình tại vùng biển chiến lược này theo một cách thức gần như không thể tưởng tượng được và ngày càng đem lại nhiều lợi thế chiến lược hơn cho Bắc Kinh.

Trung Quốc “ngư ông đắc lợi” trong vấn đề Triều Tiên?

Ông Jay L. Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải và Luật biển tại Đại học Philippines cho rằng: “Trung Quốc biết ông Trump rất tập trung vào Bắc Triều Tiên, và không quá bận tâm tới Đông Nam Á. [Do đó], về phần mình Bắc Kinh sẵn sàng đẩy mọi thứ tại [biển Đông] xa tới mức họ có thể”.

Vấn đề hạt nhân của chế độ Kim Jong-un khiến chính phủ của Tổng thống Donald Trump sao nhãng biển Đông. 

Những hành động gần đây của chế độ Bắc Kinh đang có nhiều điểm khác biệt so với các cuộc đụng độ trên biển diễn ra vào giữa năm 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan dầu Hải Dương-981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Khi đó, phải vài tháng sau khi có sự phản đối mạnh mẽ từ Hà Nội và cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh mới cho rút các thiết bị của mình ra khỏi vùng biển này.

Trước đó, vào năm 2008 cả Việt Nam và Philippines đã cùng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc công bố bản đồ đường lưỡi bò do nước này vẽ bao phủ tới hơn 80% biển Đông. Hà Nội cùng Manila khi đó có ý định đàm phán thăm dò chung tại một số vùng trên biển Đông.

Tuy nhiên, hiện nay Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte lại đang rất thân thiết với Trung Quốc. Bắc Kinh và Manila đang tiến hành các cuộc thảo luận cho việc thăm dò dầu khí chung, bắt đầu với khu vực khí đốt Sampaguita tại Reed Bank. Như vậy, Việt Nam đang ở trong tình thế khó khăn để có thể khai thác các khu vực khác ở biển Đông do không có sự hậu thuẫn từ Hoa Kỳ hoặc các quốc gia Đông Nam Á.

Việt Nam đang rất quan tâm tới việc Mỹ cam kết hiện diện ở Đông Nam Á tới đâu. Ông Trần Việt Thái, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam đã nói rằng: “Chúng tôi đang quan sát họ với không ít lo lắng. Chúng tôi muốn thấy sự đóng góp tích cực của Hoa Kỳ đối với sự ổn định khu vực và an ninh quốc tế”.

Trong khi đó, việc thăm dò chung chính là chiến lược của Trung Quốc tại biển Đông và Bắc Kinh đang rất tích cực xúc tiến hoạt động này với Manila. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tại Manila hồi tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói rằng thăm dò chung là một ý tưởng “đầy trí tuệ chính trị”.

Cũng vào tháng 7, trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã yêu cầu các bên phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông.

Ông M. Taylor Fravel, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts  và là thành viên của ban giám đốc Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc nói rằng: “Việc quan sát các phản ứng của Trung Quốc ra sao với các hoạt động khai thác dầu [của Việt Nam ở các lô khác trên biển Đông] là rất quan trọng”.

Theo ông Jean-Baptiste Berchoteau, một nhà phân tích nghiên cứu của Wood Mackenzie, các lô khác của Việt Nam vẫn đang chồng lấn với các yêu sách của Trung Quốc bao gồm các địa điểm mà các công ty Exxon Mobil Corp., Murphy Oil Corp. và KrisEnergy Ltd đang hoạt động.

Hãng tin Bloomberg cho hay người phát ngôn của KrisEnergy, Tanya Pang cho biết công ty này hiện không có hoạt động khoan dầu trong khu vực. Trong khi, công ty Murphy Oil đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Phát ngôn viên của Exxon, Aaron M Stryk nói trong một tuyên bố qua email rằng: “Chúng tôi hiện không tiến hành các hoạt động khoan dầu và chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào về việc dừng khai thác. Vào thời điểm này, chúng tôi đang làm việc rất tích cực với các đối tác và chính phủ Việt Nam để phát triển lô ‘Cá Voi Xanh’”.

Trung Quốc tập trận ngay cửa Vịnh Bắc bộ Việt Nam

Mức độ leo thang của Trung Quốc tại biển Đông thời gian gần đây ngày càng tăng dần. Họ từ việc ép Việt Nam dừng khai thác dầu trong tháng 7, dỡ bỏ lệnh cấm đơn phương khai thác hải sản trên biển đông từ giữa tháng 8, mở đường cho hàng chục vạn tàu đánh cá Trung Quốc tràn xuống biển Đông, đến việc cuối tháng 8 và đầu tháng 9, Bắc Kinh đã ngang nhiên tập trận ngoài cửa Vịnh Bắc bộ Việt Nam, cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 75 hải lý.

TQ tap tran bien dong 1
Trung Quốc tập trận chỉ cách Đà Năng khoảng 139km. (Đồ họa: Báo Thanh Niên)

Trước động thái này của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hai lần vào các ngày 31/8 và 5/9 phát đi tuyên bố phản đối việc Trung Quốc tập trận trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong tuyên bố mới nhất hôm 5/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nói:

Việc Trung Quốc tuyên bố huấn luyện bắn đạn thật tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa đến hòa bình, ổn định ở khu vực và biển Đông”.

Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động này của Trung Quốc, nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không lặp lại các hành động tương tự, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và biển Đông”.

Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Trước đó, Báo Thanh Niên hôm (1/9) thông tin rằng Trung Quốc đang tập trận tại cửa Vịnh Bắc bộ (Việt Nam) từ 29/8.  Tờ báo này dẫn nguồn từ website của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo rằng nước này tiến hành cuộc diễn tập quân sự từ 7 giờ ngày 29/8 đến 7 giờ ngày 4/9 tại 4 khu vực trên biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, trong đó có vị trí 16 độ 20’ vĩ bắc/109 độ 40’ kinh đông chỉ cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 75 hải lý (139km) về phía đông.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: