Tuy là một nước có truyền thống ưu tiên ngoại giao kiềm chế để tránh căng thẳng không cần thiết với người láng giềng lớn mạnh phía bắc, nhưng trong tháng Ba này Việt Nam đã rất công khai tham gia vào một chuỗi các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống lại Trung Quốc ở biển Đông. Tháng Ba đã chỉ ra một số xu hướng trong quá trình chuyển đổi về chiến lược quốc phòng của Việt Nam để giải quyết những mối quan ngại ngày càng tăng về sự bành trướng và quyết đoán quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Vào ngày 2 tháng 3, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã thăm Ấn Độ, hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi. Trong tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 3 tháng 3, lãnh đạo hai nước đã cam kết tiếp tục hợp tác quốc phòng, bao gồm các lĩnh vực về đối thoại cấp cao, mua sắm vũ khí, các chuyến thăm của tàu hải quân và hải giám và các dự án xây dựng năng lực. Ông Quang và ông Modi cũng đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông cũng như giải quyết hòa bình và hợp pháp các tranh chấp.

Embed from Getty Images

Chủ tịch Trần Đại Quang tới thăm Ấn Độ vào đầu tháng Ba. 

Nhưng nổi bật nhất phải kể đến quyết định của Hà Nội về việc thực hiện bước bổ sung và xác nhận sự cần thiết cho Ấn Độ và Việt Nam phải làm việc cùng nhau nhằm đảm bảo “một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng” – dường như đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Việt Nam xác nhận về điều này. Chắc chắn, ông Quang đã đối ứng niềm tin tốt về các lợi ích địa chính trị của Ấn Độ, với lập trường thẳng thắng của New Delhi về vấn đề biển Đông trong nhiều năm qua. Việc ông Quang nhấn mạnh về Ấn Độ – Thái Bình Dương – hoặc có chút chỉnh sửa thành “Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương” trong bài phát biểu trước một nhóm chuyên gia tư vấn Ấn Độ vào ngày 4 tháng 3 – chỉ dấu cho thấy Hà Nội sẵn sàng chấp nhận khái niệm mà Hoa Kỳ thúc đẩy mạnh mẽ nhất rằng các đối tác phải làm việc cùng nhau trên khắp các khu vực để đối trọng và ngăn chặn các hoạt động của Bắc Kinh.

Việc Việt Nam chấp nhận khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương đem đến cho họ nhiều sự gần gũi hơn trong tương quan với các mục tiêu của “Đối thoại An ninh Bộ tứ” hay gọi là nhóm “Bộ Tứ” – một quan hệ đối tác đa phương chiến lược giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc nhằm giải quyết các thách thức gia tăng từ Trung Quốc. Làm như vậy là đáng kể nhưng cũng không hoàn toàn đáng ngạc nhiên khi Việt Nam gần đây đã nhanh chóng tăng cường quan hệ quốc phòng song phương với tất cả các nước thành viên “Bộ Tứ”.

Tiếp ngay sau đó, vào ngày 5 tháng 3, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Việt Nam, Hà Nội đã chào đón hàng không mẫu hạm của Mỹ – USS Carl Vinson tới cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Quyết định của Việt Nam trong việc đón biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ có tính biểu tượng nhất tới cảng biển của mình là tín hiệu rõ ràng về việc ngăn chặn Trung Quốc. Chuyến thăm này đã thu hút sự quan tâm của quốc tế vào mối quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt, vốn đã được cải thiện đáng kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Hà Nội năm 2016 và dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng Một để chốt lại các chi tiết của việc USS Carl Vinson tới Đà Nẵng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đề cập tới Việt Nam và Mỹ là “các đối tác có cùng chí hướng”, đề xuất nhiều hơn hướng đến mối quan hệ quốc phòng song phương phát triển.

>>Ý nghĩa gì đằng sau chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam?

Từ ngày 6 tới ngày 8 tháng 3, Việt Nam là một trong 16 nước tham gia vào cuộc tập trận hải quân chung Milan thường diễn ra mỗi hai năm một lần. Ấn Độ là nước chủ trì hoạt động này. Phiên bản tập trận 2018 diễn ra ở đông Ấn Độ Dương tại cảng Blair ở các đảo Andaman và Nicobar. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Việt Nam công khai xác nhận tham gia cuộc tập trận Milan. Vào năm 2012, Hà Nội đã từ chối tham gia tập trận và chỉ cử một quan chức hải quân cấp cao tới làm quan sát viên.

Ngoài ra, cuộc tập trận chung Milan diễn ra trong suốt một cuộc khủng hoảng chính trị tiếp diễn ở quốc đảo Maldives. Trung Quốc ủng hộ tài chính cho tổng thống hiện tại của Maldives, ông Abdulla Yameen và Ấn Độ quan ngại rằng với đòn bẩy này, Trung Quốc sẽ thông qua ông Yameen để tiếp cận sâu hơn vào Maldives. Quốc đảo tại Ấn Độ Dương này có vị trí địa chiến lược quan trọng vì nó cung cấp lợi thế địa lý ở giữa Ấn Độ Dương và dọc tuyến đường giữa Vịnh Aden và Eo biển Malacca. Vì vậy, sự tham gia của Việt Nam vào cuộc tập trận chung Milan đã đến đúng thời điểm có căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề hàng hải.

Nhiều người cho rằng việc Việt Nam gia nhập cùng Ấn Độ trong các cuộc tập trận hải quân chung vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm này chắc hẳn phải là một viên thuốc đắng mà Trung Quốc khó nuốt trôi. Nhưng thật thú vị, thay vì phản đối Việt Nam, một số phản ứng từ Bắc Kinh lại chỉ tập trung sự giận dữ vào Ấn Độ. Một bình luận xuất hiện trong tờ Hoàn cầu Thời báo – cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc – vào thời điểm đó đã lưu ý rằng “Việt Nam là bàn đạp cho lực lượng hải quân Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương“. Tác giả của bài báo này tiếp tục giải thích rằng New Delhi đang hoàn thành điều này, một phần, bằng cách kêu gọi Việt Nam tham gia vào cuộc tập trận Milan. Mặc dù vậy, bằng cách tham gia Milan 2018, Hà Nội cũng đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ tăng cường các đối tác quân sự có thể được tận dụng để duy trì hiện trạng ở biển Đông, nếu Bắc Kinh tiếp tục thách thức.

Cuối cùng, từ ngày 12 tới 18 tháng 3, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm New Zealand và tiếp sau là Úc. Trong chuyến thăm New Zealand, ông Phúc và Thủ tướng Jacinda Ardern đã cam kết sẽ nâng quan hệ song phương thành đối tác “chiến lược” vào năm 2019. Và khi ông Phúc tới Canberra, ông và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã cùng ký kết nâng cấp mối quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược, báo hiệu một sự kết hợp chung các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Mặc dù trong các tuyên bố chung ở cả New Zealand và Úc đều không đặc biệt đề cập tới “Ấn Độ – Thái Bình Dương”, nhưng cả hai tuyên bố đó đều nhấn mạnh những nguyên tắc tương tự được đưa ra bởi khái niệm này, bao gồm việc cần thiết phải duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông, cũng như tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Bản thân một mình điều đó đã là minh chứng nhắn tới Bắc Kinh rằng Việt Nam có các đối tác sẵn sàng ủng hộ lập trường của mình trong các diễn đàn khu vực. Hơn thế, bằng cách nâng cấp quan hệ song phương với Úc và lên kế hoạch tương tự với New Zealand, Hà Nội sẽ được hưởng lợi từ việc trao đổi quốc phòng với các nước phương Tây, động thái sẽ hỗ trợ chuyên nghiệp hóa lực lượng hải quân và lực lượng cảnh sát sát biển của họ.

Embed from Getty Images

Việt Nam và Úc ký kết nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược. 

Vậy điều gì đã khiến Việt Nam tăng cường các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ trong tháng Ba? Hoàn toàn hợp lý khi đánh giá rằng tháng Ba bận rộn của Việt Nam là nhằm mục đích cải thiện vị thế tự vệ của họ khi bước vào mùa khai thác hải sản ở biển Đông, bắt đầu vào tháng Năm. Giai đoạn này có xu hướng làm tăng căng thẳng Trung Quốc – Việt Nam khi ngư dân và cảnh sát biển từ mỗi bên sẽ thường xuyên va chạm với nhau hơn. Thêm vào đó, vào tháng 5 năm 2014, Bắc Kinh đã đơn phương đặt một giàn khoan dầu vào vùng biển đang tranh chấp, kết quả dẫn tới các cuộc đụng độ hàng hải kéo dài nhiều tháng, liên quan đến việc cảnh sát biển Trung Quốc tấn công nhiều tàu của Việt Nam. Đó là một thảm họa cho Hà Nội và có lẽ là thời khắc cột mốc thúc đẩy họ tăng cường ngoại giao phòng ngừa với các đối tác mà có thể hỗ trợ Việt Nam – cho dù chỉ bằng lời nói – nhằm khiến Trung Quốc phải xuống thang trong trường hợp có các sự cố khác tương tự.

Và thêm nữa, chắc chắn việc ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống Philippines vào tháng 6 năm 2016 cũng đã thúc đẩy Việt Nam cân nhắc lại cách tiếp cận ngoại giao của mình. Ông Duterte đã tìm cách đứng về phía Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp lãnh hải và đã xếp xó phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế đưa ra theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, ủng hộ chủ quyền của Manila. Động thái xoay chiều của Tổng thống Philippines đã đặt Việt Nam là nước duy nhất phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Sự kết hợp của hai nhân tố này làm cho Hà Nội có thể tiếp tục củng cố vị thế của mình trong khu vực bằng ngoại giao phòng ngừa.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận thức được rằng nỗ lực phối hợp của Hà Nội nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với các quốc gia có thể giúp họ trong các vấn đề ở biển Đông sẽ không nhất thiết phải chuyển thành những rủi ro lớn hơn trong khu vực. Ví như, khi đối mặt với áp lực rõ ràng từ Trung Quốc, vừa qua Việt Nam lại một lần nữa quyết định hủy hoạt động khai thác dầu khí của đối tác Repsol trong vùng biển tranh chấp. Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một năm, nhà cầm quyền Hà Nội phải đề nghị Repsol dừng dự án khai thác dầu do bị Bắc Kinh gây sức ép. Điều này cho thấy rằng Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên và quản lý các mối quan hệ với Bắc Kinh ở biển Đông, trong khi vẫn đồng thời cố gắng đạt được lợi thế bằng cách thu hút các đối tác khác để bù lại sự sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tác giả: Derek Grossman (The Diplomat)

 Tân Bình dịch

Xem thêm: