Hôm qua [Chủ Nhật, 10/4], Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 3 tháng sau khi xảy ra các cuộc tấn công liều chết do các phần tử khủng bố IS thực hiện nhắm vào các nhà thờ Cơ đốc giáo làm ít nhất 44 người chết và hơn 100 người bị thương.

Giới chức Ai Cập cho biết, vụ nổ đầu tiên xảy ra tại Nhà thờ St. George tại thị trấn Nile Delta, Tanta khiến ít nhất 27 người thiệt mạng và 78 người khác bị thương.

Đoạn video ngắn quay hiện trưởng vụ nổ bên trong nhà thờ cho thấy rất nhiều người đang vây quanh các nạn nhân, thi thể đẫm máu được phủ bằng giấy.

Theo Bộ Nội vụ Ai Cập, vụ nổ thứ hai  là do một kể đánh bom tự sát đã cố gắng phá hủy Nhà thờ St. Mark tại thành phố ven biển Alexandria, giết chết ít nhất 17 người và 48 người bị thương. Cuộc tấn công này xảy chỉ ngay sau khi Giáo hoàng Tawadros II, lãnh đạo Giáo hội chính thống Coptic tại thành phố Alexandria, hoàn thành các nghi lễ cầu nguyện. Nhưng các phụ tá nói với truyền thông địa phương Giáo hoàng không bị thương.

Ít nhất có 3 cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc tấn công tại St. Mark.

Qua kênh truyền thông Aamad của mình, Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) tuyên bố đã tổ chức các cuộc tấn công này. Trong một video đăng tải gần đây, IS thề sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công chống lại Thiên Chúa giáo, nhóm người mà IS gọi là “những kẻ ngoại đạo” trao quyền cho phương Tây chống lại người Hồi giáo.

Các vụ nổ này xảy ra vào Tuần Thánh đầu tiên hướng tới lễ Phục Sinh, và chỉ vài tuần trước khi đức Giáo hoàng Francis đến thăm Ai Cập, quốc gia đông dân nhất của thế giới Arab.

Tổng thống Ai Cấp Abdel-Fattah el-Sissi đã cáo buộc nước ngoài đã châm ngòi cho sự bất ổn trong nước, nhưng chưa chỉ đích danh quốc gia nào, ông thêm rằng: “Người Ai Cập đã đánh bại các âm mưu và nỗ lực của các quốc gia và các tổ chức khủng bố theo chủ nghĩa phát xít, nhằm kiểm soát Ai Cập.” El-Sisi đã ra lệnh triển khai quân đội ngay lập tức để hỗ trợ cảnh sát trong việc bảo vệ các cơ sở quan trọng trên khắp đất nước.

Ông El-Sisi không nêu chi tiết các biện pháp pháp lý cần thiết để tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng theo hiến pháp Ai Cập tuyên bố này chỉ có hiệu lực khi đa số nghị viện bỏ phiếu ủng hộ thông qua.

Tổng thống Donald Trump đăng lên Twitter rằng ông “rất buồn khi nghe về cuộc tấn công khủng bố” chống lại đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng nói thêm rằng ông có “niền tin lớn” rằng el-Sissi “sẽ xử lý tình hình đúng đắn.” Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Nhà Trắng vào ngày 3/4 vừa qua.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố chính thức lên án các cuộc tấn công và coi hành động đó là “man rợ“.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ bảo đảm an ninh và sự ổn định của Ai Cập trong nỗ lực của nước này nhằm đánh bại khủng bố“, tuyên bố nói.

Ông Ahmed el-Tayeb, người đứng đầu Trung tâm Al-Azhar của Ai Cập, cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Hồi giáo Sunni, đã lên án các cuộc tấn công và gọi đó là một “vụ đánh bom khủng bố đê hèn nhằm vào cuộc sống của những người vô tội.”

Đức Giáo hoàng Francis đã lên án gay gắt các vụ đánh bom và bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc tới người anh em của mình, Giáo hoàng Tawadros II, giáo hội Coptic và tất cả người dân Ai Cập mếm thương.” Giáo hoàng biết thông tin về các cuộc tấn công này khi ông đang làm thánh lễ Chủ Nhật tại quảng trường St. Peter tại Va-ti-can.

Cả Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đang cầm quyền tại dải Gaza cũng lên án các vụ đánh bom.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án các vụ tấn công [tại Ai Cập]. Phát ngôn viên của Tổng thống Ibrahim Kalin đăng trên twitter lời chia buồn của ông và nói: “Chúng tôi mạnh mẽ lên án các vụ tấn công khủng bố tàn ác vào các nhà thờ [Thiên Chúa giáo] ở Ai Cập vào thánh lễ Chủ Nhật  hôm nay.”

Mehmet Gormez, người đứng đầu Cơ quan xử lý các vấn đề tôn giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã “nguyền rủa” các vụ tấn công và nói đó là vấn đề chung của toàn nhân loại.

Gormez nói trong một tuyên bố chính thức: “Sự bất khả xâm phạm của một nơi thờ cúng, dù của tôn giáo nào, cũng không thể bị xâm phạm và việc giết người tàn nhẫn nhắm vào những người tín đạo vô tội là không thể được tha thứ.”

Các vụ đánh bom này làm tăng thêm lo ngại rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan vốn đã từng chiến đấu với lực lượng an ninh tại bán đảo Sinai đang chuyển hướng tập trung sang dân thường và đặc biệt là các tín đồ Thiên Chúa giáo.

Dưới đây là những cuộc tấn công lớn khác chống lại người Thiên Chúa giáo Coptic tại Ai Cập trong năm qua:

Tháng 2/2017:  Hàng trăm tín đồ Thiên Chúa giáo Ai Cập đã phải trốn khỏi nhà của họ ở vùng phía bắc bán đảo Sinai do lo sợ các cuộc tấn công của các phần tử IS. Chi nhánh Bắc Sinai của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan này đã giết chết ít nhất 7 người Thiên Chúa giáo Coptic ở đây trong chưa đầy một tháng.

Tháng 12/2016: Một vụ đánh bom tại một nhà nguyện gần Nhà thờ chính tòa Thiên Chúa Coptic ở Ai Cập được thực hiện bởi IS, đã giết chết 30 người và làm hàng chục người khác bị thương trong thánh lễ chủ nhật, là một trong những vụ tấn công nguy hiểm nhất đối với người Thiên Chúa Giáo thiểu số Ai Cập thời gian gần đây.

Tháng 7/2016: Một nhóm Hồi giáo đã đâm chết anh Fam Khalaf, 27 tuổi, tín đồ Thiên Chúa giáo Coptic ở thành phố Minya phía Nam trong một vụ [được cho] là mâu thuẫn cá nhân.

Tháng 5/2016: Một đám đông Hồi giáo lục lọi và đốt cháy bảy ngôi nhà của tín đồ Thiên chúa giáo ở Minya sau khi có tin đồn loan truyền rằng một người đàn ông Thiên Chúa giáo có quan hệ với một phụ nữ Hồi giáo.

Xuân Thành

Xem thêm: