Hàng ngàn binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã tham gia vào một cuộc tranh chấp tại khu vực biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc trong hơn 1 tháng qua. Hai nước đã có lời qua tiếng lại khá gay gắt, nhưng chưa nước nào quyết định nổ súng. Hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra tại Ấn Độ rằng ai ở Trung Quốc quyết định phá vỡ hiện trạng ở khu vực tam giác này và tại sao họ lại làm điều đó.

Khu vực đang xảy ra căng thẳng là cao nguyên Doklam nằm ở miền tây Bhutan, khu vực mà Bhutan tuyên bố chủ quyền và Ấn Độ đang hỗ trợ Bhutan bảo vệ. Trung Quốc cũng tuyên bố cao nguyên Doklam thuộc lãnh thổ của họ, nhưng Bắc Kinh và Thimphu đồng thuận giữ nguyên trạng khu vực trong các thỏa thuận bằng văn bản năm 1988 và năm 1998, và cao nguyên Doklam ngầm được coi là để cho Bhutan quản lý kể từ đó.

Sino India
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ở vào tình thế không lối thoát

Trong một tuyên bố phát đi hôm 29/6, Bộ ngoại giao Bhutan cho hay: “Ngày 16/6/2017, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một con đường bộ từ Dokola của cao nguyên Doklam hướng về phía doanh trại quân đội của Bhutan tại Zompelri”. Theo Ấn Độ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn tiếp tục xây dựng bất chấp nỗ lực của Bhutan nhằm ngăn chặn việc này. Các đơn vị quân đội Ấn Độ đóng quân trong khu vực hợp tác quốc phòng với Bhutan cũng yêu cầu PLA ngừng xây dựng và rút quân về nước. Việc xây dựng đã phải dừng lại, nhưng PLA không chịu rời đi và vì thế căng thẳng bắt đầu leo thang.

Tờ Nikkei (Nhật Bản), dẫn lời một nguồn tin giấu tên từ Ấn Độ, cho biết hiện nay Ấn Độ đang có khoảng 1.000 đến 1.500 binh sĩ đồn trú tại Bhutan và ở khu vực lân cận nằm phía đông bắc Ấn Độ có khoảng 12.000 lính đã sẵn sàng cho hành động quân sự. Trong khi đó, PLA được cho là có khoảng 5.000 lính đang đóng quân gần cao nguyên Doklam. Quân Ấn Độ đã lập trại lính cách căn cứ của PLA chỉ 120m.

Theo Nikkei, có hai lý do để giải thích cho ý thức về khủng hoảng đang tăng lên trong Ấn Độ. Thứ nhất là các hành động của Trung Quốc tại Tây Bhutan giống với hành vi của chính nước này đang thực hiện ở biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây dựng đường băng trên các hòn đảo tranh chấp mà họ tự cải tạo – một chiến lược kiểm soát một địa điểm thông qua việc biến việc xây dựng thành chuyện đã rồi. Thứ hai là nguy cơ ‘gót chân Achilles’ quan trọng trong việc phòng vệ quốc gia Ấn Độ có thể bị Trung Quốc nắm thóp. Tức là, nếu Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát cao nguyên Doklam, những tuyến đường hẹp nối liền bảy bang ở đông bắc Ấn Độ gần biên giới Myanmar với phần còn lại của đất nước có thể dễ dàng bị gián đoạn.

Trung Quốc có quan điểm khác về tình hình căng thẳng đang diễn ra. Vào ngày 5/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang) nói rằng, “khu vực này luôn nằm dưới thẩm quyền pháp lý hiển nhiên của Trung Quốc”, và cho rằng Ấn Độ từ bang Sikkim đã xâm phạm bất hợp pháp vào lãnh thổ Trung Quốc. Đáp lại, hôm 11/7 tại Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông Subrahmanyam Jaishankar cho biết: “Ấn Độ và Trung Quốc không được cho phép các khác biệt biến thành tranh chấp” và kêu gọi giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán. Tuy nhiên, ngày 12/7, ông Cảnh Sảng đã yêu cầu rằng “phía Ấn Độ phải ngay lập tức rút quân đội trở lại biên giới”.

Ông Ashok Kantha, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc – một nhóm tư vấn có trụ sở ở Delhi, và cũng từng là Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc cho tới năm 2016, nói rằng: “Đã từng có những xung đột tương tự nơi các lực lượng [quân đội] của Ấn Độ và Trung Quốc triển khai mặt đối mặt”.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi vào tháng 9/2014, PLA đã tiến vào Chumar và Demchok nằm ở miền bắc Ấn Độ. Lực lượng PLA đã cố gắng xây một con đường ở đó, nhưng căng thẳng đã được giải quyết qua đàm phán.

Chuyên gia Kantha nhận định rằng: “Nhưng lần này lời lẽ của [phía Trung Quốc] rất nóng, nó không giống với thời điểm năm 2014 đó. Và khác biệt là hiện nay họ đặt điều kiện tiên quyết rằng Ấn Độ phải rút quân trước khi đàm phán”.

Vậy sự khác biệt giữa các trường hợp trong quá khứ và căng thẳng hiện nay là gì? Ông Himendra Mohan Kumar, một chuyên gia về vấn đề chiến lược tại Delhi, lưu ý đến thời gian này Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang sắp hết nhiệm kỳ đầu tiên của mình và hướng tới kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thứ 19 để tái cử nhiệm kỳ hai. Ông Kumar nhận định: “Nếu PLA rút lui mà không bắn một viên đạn nào, ông Tập sẽ mất đi quyền uy đáng kể tại PLA và cả ở ĐCSTQ trước khi bắt đầu nhiệm kỳ 2”. Ngược lại, nếu PLA phát động một cuộc chiến tranh với Ấn Độ, “trong vòng 10 ngày, cộng đồng quốc tế sẽ can thiệp và có thể sẽ có các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số cường quốc khác. Điều đó sẽ gây tổn hại lớn đến nền kinh tế Trung Quốc và quyền lực lãnh đạo của ông Tập”. Do vậy, liệu một người vốn nổi tiếng là suy tính kỹ càng như ông Tập có tự đưa mình vào thế tiến thoái lưỡng nan khi gây hấn với Ấn Độ vào thời điểm này hay không?

Có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật kiểm soát biển Đông vào tranh chấp lãnh thổ với Bhutan lần này. Đã một năm kể từ khi Toà án Trọng tài thường trực tại La Hay (The Hague) ra phán quyết vào tháng 7/2016 rằng Trung Quốc không có chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông như nước này vẫn tuyên bố, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì kiểm soát các hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng – biến các khu vực không tranh chấp thành tranh chấp và biến lãnh thổ tranh chấp thành khu vực họ chiếm lĩnh hoàn toàn. Vậy nên, việc PLA xâm nhập vào Bhutan có thể được hiểu là một phần trong chính sách mở rộng bá quyền và bành trướng của của Trung Quốc giống với những gì họ đã thành công khi đối đầu với Việt Nam, Đài Loan hay Philippines ở biển Đông.

Tuy nhiên, với sức mạnh tương đương của quân đội Trung Quốc và Ấn Độ trong và xung quanh cao nguyên Doklam và theo quan điểm chính trị hiện tại của hai nước, cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không thể tiến hành hành động quân sự hoặc rút lui khỏi khu vực này. Nhà phân tích Kumar suy đoán rằng nếu những điều Bhutan và Ấn Độ nói về việc PLA đã vượt qua biên giới Bhutan là đúng, vậy thì nhân vật tại Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội triển khai binh sĩ đến đó và xây dựng một con đường là vì mục đích gì? Ông Kumar cho rằng: “Có thể PLA đã bắt đầu xây dựng tuyến đường tại Doklam mà không cần sự chấp thuận của các quan chức hàng đầu trong chính phủ Trung Quốc”.

Nếu đúng như giả thiết này thì ai tại Trung Quốc đã ra lệnh gây hấn với Ấn Độ vào thời điểm nhạy cảm này và nhằm mục đích gì vẫn còn là ẩn số với ngoại giới.

Theo Nikkei

Tân Bình (t/h)

Xem thêm: