Nếu có một nguyên tắc rường cột trong Tu chánh án I, thì đó là chính phủ không được cấm việc biểu đạt ý kiến chỉ bởi vì xã hội cảm thấy bị xúc phạm bởi bản thân ý kiến đó hoặc không đồng ý với nó” – William J. Brennan, Thẩm phán Tối cao Hoa Kỳ. 

HRYF85

Vào năm 1977, khi một người Do Thái là Sol Goldstein tại Chicago nghe tin rằng Đảng Xã hội Quốc gia Mỹ (phát-xít) đang lên kế hoạch tổ chức tuần hành tại thành phố Skokie, bang Illinois, ông đã vô cùng tức giận.

Sol Goldstein là một nạn nhân của Đại thảm sát người Do Thái (Holocaust) may mắn còn sống sót, ông là một trong khoảng 6.000 người sống tại Skokie, vùng ngoại ô yên tĩnh của thành phố Chicago, nổi tiếng với đa số dân là người Do Thái. Nhiều cư dân ở đây, giống như ông Goldstein, đã từng được chứng kiến các thành viên gia đình mình bị phát-xít tra tấn và giết hại trong suốt Thế Chiến II, nên ý tưởng về một cuộc diễu hàng có mang theo biểu tượng chữ vạn đứng của phát-xít ngay trong thị trấn của họ là điều quá sức chịu đựng.

Ông Goldstein đã tập hợp cộng đồng Do Thái cùng ngăn chặn không để thành phố cấp phép cho phát-xít diễu hành. Ông đã kiện Đảng Xã hội Quốc gia Mỹ, và là nhân chứng chính trong cuộc tranh luận trên tòa giữa phát-xít và thị trấn. Tuy nhiên, bất chấp những lời điều trần của ông Goldstein về cuộc sống tại trại tập trung của phát-xít và ảnh hưởng của đến ông ta khi phải xem các biểu tượng của Đức Quốc xã mà Đảng Xã hội Quốc gia Mỹ diễu hành qua thị trấn, nhưng cộng đồng người Do Thái tại Skokie vẫn không thể ngăn thành phố ban hành giấy phép diễu hành.

Trong một loạt các quyết định của tòa án, trong đó có Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, tất cả đều phán quyết ủng hộ Đảng phát-xít được phép tuần hành. Các thẩm phán cho rằng các thành viên Đảng Xã hội Quốc gia phải được bảo vệ theo hiến pháp để tổ chức một cuộc biểu tình và để hiển thị các biểu tượng chữ vạn đứng và các dấu hiệu khác của đảng phái của họ.

Người dân của Skokie đã thất vọng. Họ đã từng nghĩ rằng chính phủ này tồn tại là để bảo vệ họ chống lại phát-xít và những kẻ mù quáng.

Vậy tại sao những lời nói và hành vi mang tính xúc phạm vẫn được bảo vệ tại Mỹ?  

Tu chính án 1: Quyền tự do ngôn luận

Tu chính án 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ cấm chính phủ liên bang ngăn cản người nào đó phát ngôn hoặc trừng phạt ai đó vì điều họ nói. Ban đầu Tu chính án 1 được tạo ra để bảo vệ bài phát biểu chính trị và ngăn không cho chính phủ đóng cửa các tờ báo biểu thị sự bất đồng quan điểm. Tuy nhiên theo thời gian Tối cao Pháp viện đã giải thích thêm rằng phát ngôn được bảo vệ bao gồm các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối và các hình thức diễn đạt biểu cảm khác. Khái niệm này cũng đã mở rộng để bao gồm cả ngôn từ kích động thù địch và có tính xúc phạm. Điều này có nghĩa là dù các ý tưởng của ai đó có xúc phạm hay làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người khác, thì Tu chính án 1 bảo vệ khả năng tiếng nói của họ được lắng nghe.

Đó là lý do tại sao chính quyền khu Skokie buộc phải cấp phép cho Đảng Xã hội Quốc gia diễu hành. Từ chối quyền tụ họp đông người của họ tức là tương đương với việc ngăn cản tự do ngôn luận của họ. Đó cũng là lý do tại sao tại Mỹ những thông điệp thù hận và các tổ chức cấp tiến vẫn tồn tại hợp pháp.

Kiểm tra quyền lực chính phủ

Những người lập quốc Mỹ đã có những nghi ngại về quyền lực chính phủ. Do đó, Tu chính án 1 đã được phê chuẩn sớm ngay sau khi Hiến pháp tự giải quyết mối quan ngại phổ biến rằng chính phủ có thể đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Ông Benjamin Franklin, một trong những “người Cha Lập quốc Mỹ” và là một trong những tác giả của Hiến pháp Hoa Kỳ, đã nói rằng: “Tự do ngôn luận là một cột trụ chính của chính phủ tự do. Khi sự hỗ trợ này bị tước đoạt, coi như hiến pháp của xã hội tự do bị giải tán”.

Ông Burton Caine, giáo sư luật tại Đại học Temple ở Philadelphia giải thích rằng một khi chúng ta bắt đầu cố gắng quyết định xem phát ngôn nào là được phép và cái nào không được phép, thì câu hỏi đặt ra là “Ai là người kiểm duyệt?” Việc chính phủ dùng quyền lực trừng phạt mọi người vì những gì họ nói “đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử, trên toàn thế giới”, để đàn áp những người bất đồng chính kiến và gây phương hại đến các nhóm thiểu số chính trị. Những người sáng lập nước Mỹ muốn bảo vệ người dân tránh được điều đó.

Cách duy nhất để thực sự bảo vệ tự do ngôn luận là phải bảo vệ điều đó cho tất cả mọi người, ngay cả những người có ý kiến trái chiều, được cho là không thể chịu nổi đối với nhiều người khác. Theo cách đó bất kể ai lên nắm quyền, quyền tự do ngôn luận của người biểu tình và nhóm thiểu số chính trị không thể bị đàn áp.

Sự bảo vệ này chưa bao giờ rõ ràng hơn trong suốt thời kỳ kỷ nguyên nhân quyền khi mà các tòa án bảo vệ quyền của người biểu tình, nổi bật như Martin Luther King, để tuần hành chống lại sự bất công của nạn phân biệt chủng tộc. Khi đó, bất chấp sự phản đối của các chính quyền địa phương, các bài phát biểu bất bạo động, các cuộc biểu tình ngồi và tuần hành phản đối của ông Luther King đã được phép bùng nổ lên bởi vì Tu chính án 1 hạn chế những gì các chính phủ có thể làm để ngăn chặn ông. Đối chiếu với trường hợp Đảng phát-xít được phép diễu hành tại Skokie, là do các tòa án phán quyết rằng các thành phố không thể chối bỏ quyền công dân của những người biểu tình và ngăn cản họ tổ chức tuần hành chỉ vì giới chức hay cộng đồng khác không thích cái mà các nhà hoạt động này nói.

Từ đường phố tới các mạng internet

Ngày nay, có nhiều bài phát biểu phân biệt chủng tộc và xúc phạm xuất hiện trên Internet. Các trang truyền thông xã hội như Twitter hay Facebook đang phải vật lộn với cách xử lý các phát ngôn thù hận trực tuyến, và các nhóm như Trung tâm Luật về Nghèo đói miền Nam Hoa Kỳ – một nhóm vận động quyền dân sự, và tổ chức Ủng hộ Hồi giáo, đã bỏ ra nhiều năm để văn bản hóa và đấu tranh với tiếng nói thù hận và nạn phân biệt chủng tộc trực tuyến.

Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp ở Skokie, các tòa án đã nhiều lần bảo vệ quyền của những người có nhận xét thù hận và đăng những hình ảnh kỳ thị, miễn là phát ngôn của họ không vượt qua ranh giới tạo thành những mối đe dọa bạo lực trực tiếp và xác thực.

Phát ngôn dẫn tới bạo lực sẽ không được bảo vệ

Dù Tu chính án 1 không có quy định cụ thể, nhưng trong thực tế không phải tất cả các phát ngôn điều được bảo vệ. Những phát ngôn được cho là có thể dẫn tới bạo lực hoặc hành động bất hợp pháp khác sẽ không được tòa án bảo vệ. Về cơ bản, các tòa án đã phán quyết rằng nếu ai đó đe dọa trực tiếp người khác hoặc kích động một nhóm gây ra bạo lực ngay lập tức thì bài phát biểu sẽ không được bảo vệ và chính phủ có thể can thiệp.

Vậy nên, chúng ta có thể dẫn chứng về trường hợp của nhóm Ku Klux Klan (KKK) – một tổ chức phân biệt chủng tộc của người da trắng Mỹ. Khi lãnh đạo của KKK đưa ra một bài phát biểu tại Ohio kêu gọi trả thù người da đen, Do Thái và chính phủ Hoa Kỳ, thì Tối cao Pháp viện cho rằng người đứng đầu KKK không thể bị bắt do kích động bạo lực vì ông không đe dọa bắt cứ ai một cách cụ thể.

Nhưng khi KKK đe dọa trực tiếp một gia đình da đen ở Virginia, Toà án Tối cao cho rằng Tu chính án 1 không bảo vệ hành động của họ và chính phủ có thể truy tố những người vi phạm.

Như  thẩm phán Oliver Wendell Holmes  đã có một câu nói nổi tiếng rằng: “Quyền bảo vệ tự do ngôn luận tách bạch nhất sẽ không bảo vệ người một người khi ông ta giả vờ có hoả hoạn và hét toáng lên trong nhà hát để gây hoảng loạn.” Quan điểm  của Holmes là: Khi bạn tạo ra một mối “nguy hiểm  rõ ràng” cho người khác thông qua bài phát biểu của bạn, bài phát biểu đó không được bảo vệ.

Theo giáo sư John Shuford tại Đại học Bang Portland, việc vạch rõ ranh giới giữa những phát ngôn vô tội và có tội “không bao giờ dễ dàng”. Ông Shuford là một sáng lập viên của Trung tâm nghiên cứu chính sách về Thù ghét.

“Chúng ta phải chấp nhận có khi có những diễn giả đáng ghét và đôi khi có những lĩnh vực đáng ghét mà người khác có thể nói tới, dù khiến ta đau lòng hoặc bị xúc phạm”, ông nhận định. Ông cũng lưu ý rằng cần phải phát hiện những người vượt qua ranh giới, khi họ “bước một bước quá xa”, thì họ đã phạm luật.

Hành động chống phát ngôn xúc phạm

Ông Shuford đưa ra một câu hỏi rằng “hành động tốt nhất của chúng ta để đối phó với những phát ngôn, hành vi gây tranh cãi, có thể xúc phạm và kích động, nhưng không nhất thiết vi phạm giới hạn của hành vi phi pháp là gì?”

Câu trả lời luôn luôn là “phản biện”. Nguyên tắc là cách tốt nhất để phản đối những ý kiến bạn bất đồng chính là đưa ra ý kiến của mình.

Trong cuộc tranh luận ý kiến này, chính phủ không đặt ra ngoài vòng pháp luận những phát ngôn mà bản thân nó cũng không đồng ý, nhưng lại là người đảm bảo rằng bất cứ ai đều có thể cất tiếng nói và đối mặt với các ý kiến mà họ cho là xúc phạm. Khi mà các quyền của cá nhân được đảm bảo, mọi người đều được đảm bảo tiếng nói của họ có thể được nghe thấy, bất chấp người kiểm soát quyền lực là ai.

Cộng đồng Do Thái tại Skokie không thể từ chối giấy phép tuần hành của những người thân Nazi, nhưng họ có thể đảm bảo rằng tiếng nói của những người Nazi không phải là âm thanh duy nhất được nghe thấy. Thành phố Skokie đã làm việc cùng cộng đồng Do Thái để xây một bảo tàng Holocaust nhằm tưởng niệm những ai đã chết trong cuộc thảm sát, và đảm bảo rằng người dân ở đây sẽ luôn luôn nhớ đến điều gì sẽ xảy ra khi áp dụng ý thức hệ phân biệt chủng tộc.

Nguồn: share.america.gov

Tân Bình dịch

Xem thêm: