Hôm thứ Năm (12/10), Hoa Kỳ đã tuyên bố rút khỏi Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Ngay sau đó, Israel đã tán dương hành động của Mỹ và cũng theo chân Washington rời bỏ tổ chức mà ban đầu do chính Hoa Kỳ góp phần lập ra.

Embed from Getty Images

Năm 2016, UNESCO thông qua nghị quyết tuyên bố Núi Đền (thánh địa thiêng liêng nhất của Do Thái giáo) là vùng đất của Hồi giáo.

Vậy tại sao cả Mỹ và Israel đều tẩy chay UNESCO? Điều này đã được chính các quan chức trong chính quyền Trump giải thích trong tuyên bố hôm 12/10.

Vào năm 2011, Hoa Kỳ đã tự tách mình khỏi UNESCO và từ đó đã không tài trợ cho tổ chức này nữa. Trước đó, mỗi năm chính phủ Mỹ đều chuyển cho tổ chức bảo tồn văn hóa của Liên Hiệp Quốc khoảng 70 triệu USD, đóng góp tới hơn 20% ngân sách hàng năm của UNESCO.  Tính đến nay, số tiền Mỹ nợ UNESCO là khoảng hơn 500 triệu USD. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng việc rời UNESCO sẽ là một biện pháp cắt giảm chi phí hiệu quả, vì sau đó Mỹ sẽ không còn phải chịu trách nhiệm về các khoản phí chưa thanh toán nữa.

Tuy nhiên, việc tiết kiệm chi phí đó chỉ là cái cớ để Mỹ rời đi, nguyên nhân thực chất đằng sau quyết định tẩy chay UNESCO của Washington là để họ phản đối việc tổ chức này có thành kiến với Israel – đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông.

Chính quyền Trump cho rằng UNESCO ngày nay đã không còn giữ được sứ mệnh quan trọng nhất của mình là bảo tồn các di tích lịch sử và thể chế quan trọng toàn cầu như thủa ban đầu thành lập, với sự đóng góp lớn của nước Mỹ.

Trong tuyên bố phát đi hôm thứ Năm (12/10), Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã nêu quan điểm rõ ràng rằng nước Mỹ không thể tiếp tục duy trì tư cách thành viên UNESCO trong khi tổ chức này đang tấn công vào các giá trị phương Tây, công kích Israel, và nâng vị thế của những kẻ độc tài.

Đại sứ Haley nói rằng: “Chính trị hóa cực đoan đã trở thành một nỗi ô nhục mãn tính của [UNESCO]. Cũng như vào năm 1984 khi Tổng thống Reagan quyết định rút khỏi UNESCO, chúng tôi đã nói những người đóng thuế ở Hoa Kỳ không còn phải móc hầu  bao của mình để trả cho các chính sách thù địch với chính các giá trị của chúng tôi và tạo ra một sự nhạo báng về công lý và ý thức chung”.

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút lui, Israel cũng phát đi động thái tương tự. Thủ tướng Benjamin Netanyahu hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump và gọi đó là “lựa chọn có đạo đức, bởi vì UNESCO đã trở thành ‘rạp hát’ của sự lố bịch, nơi thay vì bảo tồn lại bóp méo lịch sử”.

Những người ủng hộ quyết định của Mỹ và Israel cũng cho rằng UNESCO đã xa rời sứ mệnh ban đầu của nó và đang bị phá hỏng bởi các quốc gia độc tài Hồi giáo và các nước chống Mỹ, chuyên chế trên thế giới.

Không phải chỉ tới những năm gần đây UNESCO mới có xu hướng chống Israel, mà xuyên suốt gần nửa thế kỷ qua tổ chức văn hóa của Liên Hiệp Quốc này đã liên tục đưa ra những chính sách chống lại nhà nước Do Thái.

Dưới đây là một số điều, nhưng chưa phải là tất cả những chuyển động chống lại Israel khắc nghiệt mà UNESCO thực hiện từ năm 1974:

1974: UNESCO đã công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine là thành viên chính thức, trong khi loại bỏ Israel. UNESCO cáo buộc Israel về việc “thay đổi hiện trạng của các di tích lịch sử tại Jerusalem”. Tổ chức này đã không chấp nhận Israel cho tới năm 1978 khi Hoa Kỳ dừng khoản tài trợ để phản đối.

1975: UNESCO đã thông qua nghị quyết tuyên bố rằng “Chủ nghĩa Zion (chủ nghĩa phục quốc Do Thái) là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.

1989:  UNESCO đã đưa ra tuyên bố sai lầm và phỉ báng rằng “Việc Israel chiếm đóng Jerusalem” đã phá hủy thành phố thánh bằng “hành động can thiệp, phá hoại và biến đổi“.

1996: UNESCO đã tổ chức một hội nghị về Jerusalem, nhưng cố tình không mời bất ký nhóm nào của người Do Thái hay công dân từ Israel.

2001: UNESCO đã phát hành “Văn kiện Cairo về Bảo tồn Cổ vật tại Jerusalem”, trong đó cáo buộc Israel phá hủy cổ vật Hồi giáo tại Núi Đền và Thành phố cổ Jerusalem.

2009: UNESCO đã tuyên bố Jerusalem là “thủ đô của văn hóa Arab” mà không đề cập đến lịch sử 3.000 năm nơi này là thủ đô của người Do Thái.

Từ 2009 – 2014: UNESCO đã thông qua 47 nghị quyết lên án; 46 nghị quyết trong số này là lên án Israel, chỉ có 1 nghị quyết lên án Syria.

2016: UNESCO đã thông qua nghị quyết bác bỏ tuyên bố của Do Thái giáo và Cơ đốc giáo đối với các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem và tuyên bố Núi Đền (thánh địa thiêng liêng nhất của Do Thái giáo) là vùng đất của Hồi giáo.

Tân Bình

Xem thêm: