Vài tháng trước Hội nghị APEC 2017, Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil đã được Hà Nội bật đèn xanh cho việc thông báo chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Tuy nhiên, trong một diễn đàn kinh doanh APEC hôm 7/11, Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil đã tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019. Tại sao “gã khổng lồ khí đốt” Hoa Kỳ lại có sự xoay chuyển bất ngờ như vậy?

Tờ Diplomat cho hay Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil hôm 7/11 đã giải thích cho việc trì hoãn quyết định đầu tư vào mỏ Cá Voi Xanh tới năm 2019 là vì “chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể” trước khi triển khai đầu tư chính thức.

Embed from Getty Images

Phó Chủ tịch ExxonMobil, Robert Franklin tham dự CEO Sumit tại APEC Việt Nam 2017

Được biết, trước đó phía ExxonMobil và đối tác Việt Nam đã thống nhất sẽ triển khai dự án Cá Voi Xanh ngay trong cuối năm 2017. Theo ước tính trữ lượng khí đốt tại mỏ này lên tới 150 tỷ m3 và có thể đóng góp vào ngân sách Việt Nam khoảng 20 tỷ USD. Dự án cũng sẽ xây dựng đường ống dẫn khí từ ngoài khơi cung cấp nhiên liệu cho 4 nhà máy điện dự kiến tọa lạc tại tỉnh Quảng Ngãi và bắt đầu sản xuất điện từ năm 2023.

Mỏ Cá Voi Xanh nằm ở lô 118 và nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí mà ExxonMobil dự kiến khai thác cách bờ biển Việt Nam 88km và hoàn toàn nằm ngoài đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra để yêu sách chủ quyền 90% biển Đông.

Xét cả về giá trị đầu tư kinh tế và căn cứ pháp lý, dự án Cá Voi Xanh đều thuận lợi để triển khai sớm. Nhưng cuối cùng ExxonMobil vẫn quyết định trì hoãn thực thi. Liệu họ đang gặp sức ép gì từ phía Việt Nam hoặc một bên thứ ba khác hay do chính chiến lược phát triển của tập đoàn này tại khu vực Châu Á?

Trao đổi với tờ Diplomat, chuyên gia Alexander L. Vuving của Trung tâm Daniel K. Inouye về Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng dự án Cá Voi Xanh không có tiến triển thuận lợi là do chính kế hoạch phát triển của ExxonMobil tại Châu Á. Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ đang muốn tìm kiếm những điều kiện và ưu đãi đầu tư tốt hơn nữa từ phía chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Vuving cũng nói rằng có thể phía Việt Nam đã chủ động yêu cầu ExxonMobil tạm dừng dự án hợp tác. Chuyên gia này nhận định Hà Nội đã lựa chọn “chiến lược thoái lui” trên mặt trận kinh tế biển Đông vì lo ngại những bất ổn xã hội trong nước nếu phát sinh mâu thuẫn với Bắc Kinh.

Lần này họ nhận thức rõ hơn về mối đe dọa từ bên trong, từ dân chúng của họ”, ông Vuving nói, đồng thời dẫn lại những cuộc biểu tình và bạo động ở Việt Nam hồi tháng 5/2014 khi Trung Quốc kéo dàn khoan HY981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và những cuộc tuần hành ở miền trung Việt Nam, phản đối nhà máy thép Formosa gây ô nhiễm biển vào tháng 4/2016.

Một số nhà phân tích quốc tế cho rằng Việt Nam không muốn việc tuyên bố triển khai dự án Cá Voi Xanh sẽ làm Trung Quốc tức giận và có những ảnh hưởng không tốt đến việc tổ chức APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, chuyên gia về vấn đề biển Đông, cho rằng Hà Nội lo ngại lại phải đối mặt với đe dọa quân sự từ Bắc Kinh.

Theo Reuters, vào tháng 7 vừa qua Trung Quốc đã đe dọa tấn công và các căn cứ quân sự của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa nếu Hà Nội tiếp tục cho phép các đối tác nước ngoài khai thác khí đốt trên biển Đông. Khi đó, Bắc Kinh nhắm vào liên doanh giữa Tổng công ty dầu khi Việt Nam với Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala Development Co của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Liên doanh này lúc đó đang chuẩn bị khai thác dầu khí tại mỏ lô 136-03, cách bờ biển Việt Nam khoảng 400km và nằm trong yêu sách đường 9 đoạn của chế độ Bắc Kinh. Trước sức ép từ Trung Quốc, Việt Nam và Repsol đã phải dừng dự án hợp tác.

Ông Thayer cho rằng sự đe dọa này là “một bước tiến rõ rệt và đáng báo động về sự quyết đoán của Trung Quốc [trên biển Đông]. Giáo sư của Đại học  New South Wales cũng đặt vấn đề về việc mối đe dọa này sẽ có ảnh hưởng ra sao tới tương lai ngành công nghiệp khai thác dầu khí của Việt Nam.

Nếu Việt Nam dừng vĩnh viễn việc khai thác các mỏ này, nó sẽ dẫn tới những hệ lụy lâu dài cho các hợp đồng hợp tác dầu khí hiện tại với các công ty nước ngoài và đáng kể hơn sẽ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng tương lai của Việt Nam”, Giáo sư Thayer cảnh báo.

Tân Bình

Xem thêm: