Khi châu Mỹ Latin nhìn vào Donald Trump, nhiều người nghĩ rằng họ đã nhìn thấy điều tương tự trước đây. Chỉ một vài năm trước, các nhà chủ nghĩa dân tộc – dân túy đã nắm quyền kiểm soát liên tục đối với chính trị khu vực, từ Hugo Chávez của Venezuela đến Cristina Fernández ở Argentina và Rafael Correa ở Ecuador. Bây giờ Chávez đã chết, Venezuela đang trong cuộc khủng hoảng; Bà Fernández đã mất quyền và phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng vốn có thể khiến bà phải chịu án tù; Ông Correa đã quyết định không tranh cử nhiệm kỳ thứ tư trong năm tới. Evo Morales của Bolivia, người có khuynh hướng dân túy, đã bị đánh bại trong một cuộc trưng cầu dân ý trong năm nay, một cuộc trưng cầu mà có thể đã cho phép ông tiếp tục nắm quyền cho tới năm 2025. Ngay cả khi chủ nghĩa dân túy đang gia tăng ở châu Âu và Hoa Kỳ, nó lại có bước thụt lùi ở châu Mỹ Latin. Tại sao lại như vậy?

Các nhà cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc – dân túy đã luôn là một đặc trưng chính trị của khu vực kể từ khi Juan Domingo Perón lần đầu tiên lên nắm quyền ở Argentina vào năm 1940. Về danh nghĩa thì một số người thuộc cánh tả, một số khác thuộc cánh hữu. Tất cả đều tỏ ra mình là vị cứu tinh của “nhân dân” và chống lại kiểu “chính trị đầu sỏ” hoặc “chủ nghĩa đế quốc”, theo cách tương tự như các cuộc nổi dậy chính trị của Trump và Nigel Farage của Đảng Độc lập Anh quốc chống lại “giới chính thống”. Họ có xu hướng bỏ qua sự cân bằng và đối trọng đối với quyền lực của họ, và làm lu mờ sự khác biệt giữa nhà lãnh đạo, đảng, chính phủ và nhà nước.

Sự xuất hiện của họ chủ yếu là nhờ vào sự bất bình đẳng lớn ở châu Mỹ Latin về thu nhập và tài sản, cũng giống như chủ nghĩa dân túy trong các nền dân chủ giàu có đã được kích thích bởi sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Tại một khu vực nơi các công đoàn lao động là tương đối yếu, chủ nghĩa dân túy nổi lên như là một con đường mà theo đó quần chúng đô thị ngày càng đông đúc đã được đưa đến với chính trị. Để duy trì mối liên kết với “nhân dân”, các nhà dân túy thường tỏ ra hoang phí. Khi lạm phát ăn mòn mức gia tăng của tiền lương, họ đã làm rất ít hoặc không làm gì để giảm sự bất bình đẳng thu nhập trong dài hạn.

Sự hồi sinh của chủ nghĩa dân túy ở châu Mỹ Latin trong những năm 2000 là nhờ rất nhiều vào sự trì trệ kinh tế và khủng hoảng tài chính mà khu vực này phải đối mặt trong những năm cuối thập niên 1990. Chavez và các đồng minh đã vô cùng may mắn khi nắm quyền vào ngay giai đoạn bùng nổ giá hàng hóa cơ bản được thúc đẩy bởi sự cất cánh của nền công nghiệp Trung Quốc. Với rất nhiều các khoản doanh thu có thể phân phối, họ đã trở nên được yêu thích.

Bây giờ tiền bạc đã cạn kiệt. Khi nền kinh tế Trung Quốc chững lại và tái cân bằng về phía tiêu dùng trong nước, Mỹ Latinh đang phải gánh chịu suy giảm kinh tế năm thứ sáu. Bởi vì sự vô trách nhiệm về tài chính của các nhà lãnh đạo dân túy, Venezuela, Argentina và Ecuador đều chìm trong suy thoái kinh tế. Tại nhiều quốc gia, tham nhũng đã làm gia tăng thêm mong muốn thay đổi chính trị.

Sau một thời gian dài thống trị của cánh tả, cả phía dân túy và dân chủ xã hội, ở Nam Mỹ, con lắc đã quay trở lại phía trung hữu. Chẳng hạn, các chính phủ mới ở Argentina, Brazil và Peru đang mong muốn có những mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Đối với châu Mỹ Latinh, thời điểm chiến thắng của Trump không thể tồi tệ hơn – ít nhất là nếu ông ta thực hiện lời hứa của mình là rút lui khỏi các hiệp định thương mại và áp đặt các hình thức thuế bảo hộ.

Nhưng chủ nghĩa dân túy vẫn chưa biến mất hoàn toàn khỏi Mỹ Latin. Cơ hội của Andrés Manuel López Obrador, một nhà dân túy lâu năm, trong cuộc bầu cử tổng thống Mexico vào năm 2018 có thể gia tăng nếu Trump xé bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và xây dựng bức tường đã hứa hẹn của mình dọc theo biên giới. Nhưng ở nhiều quốc gia chủ nghĩa dân túy đang lụi tàn dần. Các nhà dân chủ tự do có cơ hội duy trì xu hướng đó, nhưng chỉ khi họ làm việc chăm chỉ để tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh, điều cần thiết để khôi phục tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và duy trì tiến bộ xã hội.

Nguồn:Why populism is in retreat across Latin America“, The Economist, 20/11/2016