Cuộc đàm phán liên Triều lần đầu tiên sau hai năm đã diễn ra vào thứ Ba (9/1). Sau 11 giờ trao đổi, hai bên đã thống nhất về việc Bắc Hàn cử đoàn vận động viên dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng kiên quyết từ chối trao đổi về chương trình hạt nhân và tên lửa.

Embed from Getty Images

Trưởng đoàn hai miền, ông Ri Son Gwon (Bắc Hàn) và ông Cho Myoung-gyo (Hàn Quốc) bắt tay nhau tại buổi hội đàm hôm 9/1. 

Cuộc đám phán diễn ra ở Ngôi nhà Hòa Bình, tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) của Hàn Quốc từ 10 giờ sáng thứ Ba (9/1) và kéo dài khoảng 11 tiếng.

Reuters cho biết mở đầu đối thoại, ông Ri Son Gwon – Trưởng đoàn Bắc Hàn nói rằng: “Chúng tôi đến buổi họp này với suy nghĩ cho người anh em của chúng tôi – những người có hy vọng cao về cuộc đối đối thoại, những kết quả vô giá như món quà đầu năm mới”.

Phía Hàn Quốc thông tin rằng trong cuộc hội đàm họ đã đề xuất về việc tái đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán năm nay. Nhưng bản tuyên bố chung cuối cùng không đề cập tới điều này.

Seoul nói rằng Bình Nhưỡng đã kết thúc các công đoạn kỹ thuật cuối cùng để khôi phục lại đường dây nóng quân sự hai miền và việc kết nối liên lạc bình thường sẽ được thực hiện vào thứ Tư (10/1).

Hàn Quốc cũng nói rằng Bắc Hàn đã phản ứng “tích cực” với đề nghị của Seoul về việc các vận động viên của hai miền Triều Tiên sẽ đi diễu hành chung trong buổi lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông. Lần gần nhất đoàn vận động viên Hàn Quốc và Bắc Hàn cùng diễu hành chung là tại Đại hội Thể thao Châu Á  mùa đông 2007, ở Trung Quốc.

Giới chức Hàn Quốc cho biết họ đã chuẩn bị dỡ bỏ tạm thời một số chế tài song phương để người Bắc Hàn có thể tham dự Thế vận hội mùa đông. Đại diện Bình Nhưỡng nói đoàn của họ sẽ gồm vận động viên, các quan chức cấp cao, một đội cổ vũ, diễn viên nghệ thuật, phóng viên và cổ động viên.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc cho hay các công việc chi tiết về đoàn Bắc Hàn dự Thế vận hội sẽ được thảo luận kỹ trong các buổi hội đàm riêng trong thời gian sớm nhất.

Theo Reuters, sau 11 tiếng hội đàm, hai bên đã ra được tuyên bố chung. Trong đó, Bắc Hàn cam kết sẽ gửi đoàn vận động viên quy mô lớn tới Thế vận hội mùa đông vào tháng Hai tới, nhưng Bình Nhưỡng “phản đối mạnh mẽ” việc Seoul đề xuất các cuộc thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Các quan chức hai miền nói rằng họ đồng ý sẽ gặp lại nhau để giải quyết các vấn đề và tránh xung đột bất ngờ trong bối cảnh căng thẳng cao liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng khẳng định việc giải trừ quân bị sẽ không phải là một phần của các cuộc đàm phán.

Trưởng đoàn Bắc Hàn Ri Son Gwon nói: “Tất cả vũ khí của chúng tôi, bao gồm bom hạt nhân, bom nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo, chỉ nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ, không phải vào anh em của chúng tôi, không vào Trung Quốc và Nga”.

Đây không phải là vấn đề giữa Bắc Hàn và Hàn Quốc, và việc đưa điều này [vào đàm phán] sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực và rủi ro biến tất cả những thành quả tốt đẹp hôm nay trở thành vô nghĩa”, ông Ri cảnh báo vào cuối buổi đàm phán.

Bất chấp những bình luận của Trưởng đoàn Bắc Hàn, Bộ Trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho biết họ tin tưởng buổi hội đàm song phương hôm thứ Ba có thể dẫn tới thảo luận về “giải pháp cơ bản” cho vấn đề hạt nhân.

Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác trong tiến trình này”, ông  Cho nói vậy và thêm rằng Seoul đã yêu cầu Bình Nhưỡng dừng các hành động có thể gây căng thẳng.

Mặc dù Bắc Hàn từ chối đối thoại về chương trình vũ khí, nhưng Hoa Kỳ vẫn hoan nghênh cuộc hội đàm liên Triều sau hai năm gián đoạn.

Bộ Ngoại Mỹ cho biết Washington sẽ quan tâm tới việc cùng tham gia trong các cuộc đàm phán với Bắc Hàn trong tương lai, nhưng kiên định hướng tới thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trước nay, chính quyền Trump luôn khẳng định bất kỳ cuộc đàm phán tương lai nào với Bắc Hàn đều phải hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và việc ‘tan băng’ ở giữa hai miền Bắc – Nam không làm thay đổi đánh giá tình báo của Mỹ về các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Văn phòng Tổng thống Mỹ chưa có bình luận gì về việc Bắc Hàn tuyên bố các vũ khí hạt nhân, tên lửa của họ chỉ nhắm mục tiêu duy nhất vào Mỹ.

Một số quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng các cuộc đàm phán liên Triều hiện tại có lẽ không khác gì với quá khứ khi Bắc Hàn dùng nó để đạt được lợi ích về việc nhận viện trợ lương thực, thực phẩm mà không có bất kỳ nhượng bộ nào về chương trình vũ khí của họ.

Thậm chí một quan chức Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đang muốn hòa hoãn với Seoul để gây chia rẽ liên minh Mỹ – Hàn.

Trong khi đó, ngay trong thứ Ba (9/1), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ hoan nghênh tiến bộ được thực hiện trong cuộc đàm phán liên Triều, đặc biệt về việc hai bên đồng ý tổ chức đối thoại quân sự và gọi đây là “điều quan trọng để giảm rủi ro của những quyết định sai lầm”.

Ông Guterres cũng hoan nghênh Bắc Hàn quyết định cử đoàn vận động viên dự Thế vận hội mùa đông và cho biết ông hy vọng việc nối lại đối thoại này sẽ dấn tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay họ vui mừng khi thấy cuộc đối thoại Bắc Hàn – Hàn Quốc, hoan nghênh các bước đi tích cực.

Nga có chung tiếng nói với Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên và phát ngôn viên của Điện Kremlin nói: “Đây chính là loại đối thoại mà chúng tôi cho là cần thiết“.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach gọi cuộc hội đàm liên Triều là “một bước tiến lớn trong tinh thần Olympic” và nói rằng IOC sẽ đợi những đề xuất chính thức của Bắc Hàn về số lượng, tên các vận động viên tham gia, cũng như các vấn đề về lễ nghi khác như cờ, quốc ca v.v…

Yên Sơn

Xem thêm: