Công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha hôm thứ Tư (2/8) cho biết họ đã dừng khai thác dầu mỏ tại một giếng dầu ở biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố sở hữu thông qua “đường chín đoạn” do nước này vẽ bao trùm hơn 90% vùng biển chiến lược này.

Một quan chức của Repsol hôm thứ Tư (2/8) đã chính thức xác nhận việc dừng khoan dầu tại Việt Nam, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về tình huống này.

Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải tại biển Đông 

Reuters, dẫn nguồn theo một bản ghi lại cuộc điện đàm của Ông Miguel Martinez, giám đốc tài chính Repsol với các nhà phân tích tuần trước cho hay việc khai thác dầu khí ở biển Đông đã tạm dừng.

Ông Martinez nói: “Chúng tôi đang làm việc với PetroVietnam và các nhà chức trách Việt Nam và ngay bây giờ cũng chỉ có thể nói là các hoạt động đã bị đình chỉ”.

Giám đốc tài chính Repsol nói thêm rằng: “Chúng tôi sẽ phải xem hướng tháo gỡ là gì, nhưng như đã đề cập, cho đến hiện tại chúng tôi đã chi 27 triệu USD cho giếng dầu này”.

Reuters cho biết việc khoan dầu bắt đầu vào giữa tháng Sáu tại lô 136/3 của Việt Nam, được cấp giấy phép cho công ty dầu quốc doanh của Việt Nam (PetroVietnam), công ty Repsol của Tây Ban Nha và công ty Mubedala Development Co [MUDEV.UL] của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Lô 136/3 bao gồm bãi Tư Chính, nằm cách thành phố Vũng Tàu khoảng 160 cây số. Lô này gần quần đảo Trường Sa, nằm trong chủ quyền của Việt Nam, nhưng cũng chồng lấn trong bản đồ “đường chín đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra với ý định độc chiếm hầu hết biển Đông.

>>Trung Quốc kêu gọi dừng khoan dầu tại biển Đông

Giới chức Việt Nam vẫn chưa xác nhận việc đình chỉ khoan dầu tại lô 136/3, nhưng tuần trước đã lên tiếng bảo vệ quyền được khai thác tài nguyên tại khu vực này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nói rằng: “Các hoạt động liên quan đến dầu khí của Việt Nam diễn ra trên biển hoàn toàn dưới chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được thiết lập theo luật pháp quốc tế. Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam”.

Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy tàu khoan dầu Deepsea Metro I của Repsol cũng vẫn ở vị trí lô 136/3 vào Chủ Nhật (30/7) như tại thời điểm bắt đầu vào giữa tháng Sáu.

Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết việc đình chỉ khai thác không có nghĩa là hợp đồng đã bị hủy bỏ.

Ông Poling nói: “Việt Nam có thể bật đen xanh cho Repsol khai thác ở một giếng dầu khác gần địa điểm cũ, nhưng chắc chắn việc tạm dừng hoạt động như thế này rất tốn kém tiền bạc”.

Yên Sơn

Xem thêm: