Tổng thống Liên Bang Nga, Vladimir Putin hôm thứ Ba (5/9) đã nói rằng các lệnh trừng phạt thêm nữa áp đặt lên Bắc Hàn là “vô ích”. Người đứng đầu Điện Kremlin thậm chí nói thẳng rằng, “họ thích ăn cỏ hơn là từ bỏ chương trình hạt nhân”.

Ông Kim Jong-un sẽ sớm biến Bắc Hàn trở thành cường quốc hạt nhân nếu không gặp sự cản trở mạnh mẽ của quốc tế. 

BBC cho hay ông Putin cũng nói việc tăng cường “quân sự tràn lan” có thể dẫn tới thảm họa toàn cầu. Tổng thống Nga cho rằng ngoại giao là câu trả lời duy nhất cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Quan điểm của phía Nga đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã kêu gọi các bên cần sớm quay trở lại bàn đàm phán.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Lưu Kiết Nhất nói: “Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép sự hỗn loạn và chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên”.

Trong khi đó, đại sứ Bắc Hàn tại LHQ, Han Tae-song cảnh báo rằng “các biện pháp tự vệ” hiện tại của nước ông là “gói quà gửi tới Hoa Kỳ”.

Reuters trích lời ông Han Tae-song nói: “Hoa Kỳ sẽ nhận nhiều gói quà hơn từ chúng tôi chừng nào họ vẫn dựa vào những khiêu khích liều lĩnh và các nỗ lực vô ích nhằm gây áp lực lên Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK)”.

Phía Mỹ vẫn đang xúc tiến để LHQ sớm thông qua các biện pháp trừng phạt mới khắc nghiệt hơn nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân mới nhất của chế độ Kim Jong-un.

Ông Putin phản đối trừng phạt Bắc Hàn

Bên lề Hội nghị BRICS cùng các nhà lãnh đạo Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi tại thành phố Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin đã lên án vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn là hành động “khiêu khích”.

Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh: “Các biện pháp trừng phạt dù ở hình thức nào cũng sẽ là vô ích và không hiệu quả”.

Họ thích ăn cỏ hơn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nếu họ không cảm thấy an toàn. Vậy điều gì có thể thiết lập an ninh? [Chính là] khôi phục luật pháp quốc tế. Chúng ta nên thúc đẩy đàm phán về các lợi ích mà các bên quan tâm”.

Đề cập đến “khía cạnh nhân đạo”, ông Putin nói rằng hàng triệu người sẽ gặp tổn thất bởi các biện pháp khắc nghiệt hơn. Tổng thống Nga nói thêm rằng “các biện pháp trừng phạt đã và đang khiến [người dân Bắc Hàn] kiệt quệ”.

Những tuyên bố của ông Putin đi ngược với những gì Hoa Kỳ và đồng minh đang xúc tiến thực hiện. Hôm thứ Hai (4/9), tại trụ sợ LHQ, đại sứ Mỹ Nikki Haley quả quyết rằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất là cách duy nhất sẽ có thể khiến vấn đề Triều Tiên được giải quyết qua kênh ngoại giao.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Ba (5/9) cũng đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Mỹ. Bà Merkel cho rằng tăng cường trừng phạt là điều cần thiết cấp bách để chống lại việc Bình Nhưỡng “vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế”.

Đại sứ Bắc Hàn tại LHQ Han Tae-song đáp trả rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không bao giờ có tác dụng và đất nước của ông “dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào sẽ không bao giờ đưa vấn đề thử hạt nhân lên bàn đàm phán”.

Lệnh trừng phạt mới gồm các nội dung gì?

Tháng trước, Hội đồng Bảo an đã thống nhất thông qua lệnh trừng phạt cấm Bắc Hàn xuất khẩu một số mặt hàng và giới hạn đầu tư quốc tế vào nước này.

Trong phát biểu hôm thứ Hai (4/9) tại trụ sở LHQ, đại sứ Mỹ Haley đã không nói rõ những biện pháp trừng phạt tăng cường là gì. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao quốc tế đã cho rằng lệnh cấm vận dầu sẽ có thể làm tê liệt kinh tế Bình Nhưỡng.

Các biện pháp trừng phạt khác có thể là cấm vận hàng không Bắc Hàn, ngăn chặn lao động nước này ra nước ngoài làm việc và phong tỏa tài sản và cấm di trú đối với các quan chức hàng đầu của chế độ Kim Jong-un.

Hôm thứ Ba (5/9), sau cuộc trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói rằng bà tin tưởng Bắc Kinh “có thể mở ra nhiều biện pháp trừng phạt hơn”.

Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định giao thương giữa Nga với Bắc Hàn là không đáng kể và Moscow không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế hiện hành.

Yên Sơn

Xem thêm: