Lực lượng đối lập tại Venezuela tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức vào Chủ nhật (16/7) để tăng cường áp lực lên Tổng thống Nicolas Maduro khi lãnh đạo của đảng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) cầm quyền đang nỗ lực tạo ra một siêu cơ quan lập pháp mà những người phản đối gọi đó là sự củng cố cho chế độ độc tài.

Reuters cho hay cuộc trưng cầu mang tính biểu tượng mà phe đối lập tổ chức nhằm mục đích làm rõ hơn tính hợp pháp của chính quyền Maduro trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ và cuộc biểu tình phản đối chính phủ đã kéo dài hơn 3 tháng với gần 100 người thiệt mạng.

Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Maduro đã kéo dài hơn 3 tháng với ít nhất 100 người thiệt mạng

Phe đối lập đã tiến hành cuộc bỏ phiếu, bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày Chủ nhật 16/7 (giờ Venezuela) tại khoảng 2.000 trung tâm trên toàn quốc. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này dường như không hướng đến một sự thay đổi chính phủ trong ngắn hạn hoặc kiếm tìm một giải pháp cho sự bế tắc chính trị của đất nước hiện nay.

Tổng thống Maduro gọi cuộc trưng cầu này là bất hợp pháp và vô nghĩa. Thay vào đó, lãnh đạo phe cánh tả đang vận động cho một cuộc bỏ phiếu chính thức dự kiến diễn ra vào ngày 30/7 nhằm thành lập quốc hội lập hiến để viết lại hiến pháp và giải thể các cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập, ông Henrique Capriles trong một tuyên bố trên truyền hình vào tối thứ Sáu (14/7) đã nói rằng: “Thậm chí trời có mưa gió, sấm sét, cuộc trưng cầu vào Chủ nhật vẫn sẽ diễn ra. Chúng tôi, những người dân Venezuela, sẽ đi bỏ phiếu vì tương lai, vì tổ quốc và vì tự do của Venezuela”.

Reuters, dẫn nguồn từ các quan chức phe đối lập, cho biết trong cuộc trưng cầu dân ý này cử tri Venezuela sẽ được hỏi 3 câu hỏi, gồm: Họ có phản đối quốc hội lập hiến; Họ có muốn lực lượng vũ trang bảo vệ hiến pháp hiện hành; Và họ có muốn bầu cử trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Maduro kết thúc vào năm 2018.

Một số viên chức công, dưới áp lực của chính quyền Maduro, nên không tham gia vào các sự kiện phe đối lập, cũng đang tìm kiếm các cách thức sáng tạo để bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lần này mà vẫn không bị phát hiện.

Cuộc bỏ phiếu này cũng sẽ bao gồm sự tham gia của rất nhiều người dân Venezuela đã di cư ra nước ngoài để thoát khỏi tình cảnh kinh tế ngày càng tệ hại của quốc gia vốn có nguồn tài nguyên dầu mỏ rất phong phú và từng một thời rất thịnh vượng.

Phe đối lập hy vọng hàng triệu người sẽ tham gia bỏ phiếu và hứa rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này sẽ được công bố ngay vào tối Chủ nhật cùng ngày bỏ phiếu.

Tuy nhiên, những nhà tổ chức đang phải đối mặt với khá nhiều trở ngại. Họ không có quyền tiếp cận và sử dụng các cơ sở hạ tầng bầu cử truyền thống vì cuộc trưng cầu được triệu tập quá gấp, và hội đồng bầu cử – cơ quan mà phe đối lập gọi là ‘tay sai’ của Maduro – cùng thời điểm này cũng đang phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử ngày 30/7.

Theo thông tin từ những người làm việc trong ngành truyền thông của Venezuela, nhà điều hành viễn thông nhà nước Conatel đã yêu các các đài phát thanh và truyền hình không được sử dụng cụm từ “trưng cầu dân ý” để nói về cuộc bầu cử mà phe đối lập tổ chức vào Chủ nhật và cũng không được phát các quảng cáo về cuộc trưng cầu này.

Các viên chức chính phủ nói rằng cuộc trưng cầu dân ý này vi phạm luật bầu cử vì đáng lý những cuộc bầu cử thế này phải do hội đồng bầu cử tổ chức.

Trong một cuộc mít-tinh ủng hộ quốc hội lập hiến hôm thứ Bảy (15/7), Phó Chủ tịch đảng XHCN, ông Diosdado Cabello nói rằng: “Chúng ta sẽ không để phe cánh hữu áp đặt [tư tưởng] của họ và làm hại người dân Venezuela”.

Các nhà quan sát quốc tế cũng rất chờ đợi vào kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này. Reuters nhận định rằng nếu cử tri đi bầu cao có thể phản ánh sự bất mãn với chính quyền Maduro đã lan rộng và thúc đẩy chiến dịch của phe đối lập để loại bỏ ông, ngược lại mức độ tham dự của dân chúng mà thấp sẽ lại giúp đảng XHCN cầm quyền có động lực để đẩy mạnh việc thành lập quốc hội lập hiến.

Tân Bình

Xem thêm: