Reuters đưa tin một chiếc phà chở khách của Bắc Hàn hôm thứ Năm 18/5 lần đầu tiên đã cập cảng Vladivostok (Nga) trong bối cảnh Hoa Kỳ đang kêu gọi các nước cắt giảm quan hệ với Bình Nhưỡng để ngăn chặn nước này phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa.

Con tàu Mangyongbong của Bắc Hàn cập cảng Nga hôm 18/5

Theo BBC, chiếc phà của Bắc Hàn mang tên Mangyongbong sẽ di chuyển qua lại chở khách và hàng hóa giữa cảng Rajin (Bắc Hàn) và Vladivostok (Nga) tần suất 1 lần/tuần. Lần cập cảng Vladivostok hôm thứ Năm là chuyến đầu tiên Mangyongbong tới cảng phía đông nước Nga.

Theo hãng tin Tass (Nga), Mangyongbong được đóng mới lần đầu từ năm 1971 và hiện đại hóa vào năm ngoái. Chiếc phà này có thể chở 200 hành khách và khoảng 1500 tấn hàng hóa. Trên phà có đầy đủ nhà hàng, quầy bar và phòng hát karaoke.

InvestStroiTrest là công ty chuyên về xuất nhập khẩu của Nga có trụ sở tại Rajin, Bắc Hàn. Công ty này cũng cho thuê tàu chở hàng tới Việt Nam và Thái Lan.

Các nhà điều hành từ InvestStroiTrest cho biết đây đơn thuần chỉ là một dự án thương mại thuần túy, nhưng dịch vụ của hãng này trùng khớp với những gì mà một số chuyên gia đánh giá là nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc xây dựng quan hệ với Moscow trong trường hợp Bắc Kinh quay lưng lại với họ.

Cũng theo các nhà điều hành Nga, dịch vụ này cũng mở ra với kỳ vọng thu hút khách Trung Quốc du lịch tới thành phố cảng Vladivostok bằng đường biển.

Được biết, Trung Quốc không có cảng trên biển Nhật Bản, do đó cách nhanh nhất để khách du lịch tới Vladivostok là quá cảnh qua cảng  Rajin của Bắc Hàn sau đó di chuyển tới Vladivostok.

Phó Giám đốc công ty Investstroytrest, ông Mikhail Khmel nói với phóng viên Reuters rằng: “Đây đơn thuần là hoạt động kinh doanh của công ty chúng tôi. Nhà nước không có trợ cấp, giúp đỡ hay có liên quan gì ở đây cả”.

Tuyến phà này được khai trương bấp chấp lời kêu gọi gần đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson yêu cầu các nước thực thi đầy đủ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) và rà soát lại quan hệ với Bắc Hàn để gây áp lực buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Khi được hỏi về việc Nga – Triều vừa khai trương tuyến phà mới, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Katina Adams nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện đầy đủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Bắc Hàn”.

Bà Katina lưu ý rằng theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Nga có “nghĩa vụ” phải “kiểm tra tất cả hàng hóa, bao gồm cả hành lý cá nhân của bất kỳ khách du lịch nào di chuyển đến/đi Bắc Hàn”.

Reuters cho biết phóng viên của họ đã không thể tiếp cận gần phà Mangyongbong và không nhìn thấy hành khách xuống phà vì các viên chức Nga với lý do an ninh không rõ ràng chỉ cho phép phóng viên tác nghiệp trên bờ biển.

Tuy nhiên, truyền hình Reuters vẫn phỏng vấn được 3 hành khách. Những người này nhận là đại diện của các đại lý du lịch Trung Quốc.

Một trong những hành khách nêu trên đã cho phóng viên xem bức ảnh cô chụp bằng điện thoại ở trên phà. Qua ảnh có thể thấy rõ một tấm biển hiệu bằng chữ Triều Tiên mà theo hành khách này trên đó có ghi tên của nhà sáng lập quốc gia Bắc Hàn, ông Kim Nhật Thành.

Theo Reuters, cảng Vladivostok tại Nga là nơi có rất nhiều công nhân lao động Bắc Hàn, hàng năm họ gửi một khoản tiền đáng kể về nước.

Cho đến nay, không có dấu hiệu tăng mạnh thương mại giữa Nga và Bắc Hàn và Nga đã có lập trường thận trọng hơn đối với Bình Nhưỡng trước ép từ Mỹ và các nước khác.

Phát biểu tại Bắc Kinh khi tham dự hội nghị thượng đỉnh “Vành đai & Con đường” tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow phản đối chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, nhưng cũng lưu ý thế giới nên đàm phán với Bình Nhưỡng thay vì dùng cách thức đe dọa.

Khi được hỏi về chuyến phà liên quan đến Bình Nhưỡng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova hôm thứ Năm 18/5 cho biết rằng bà “không nhìn thấy mối liên hệ” giữa dịch vụ kinh doanh mới này và các vấn đề chính trị.

Theo BBC, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã bày tỏ mối quan ngại với Nga về tuyến phà mới liên kết cảng biển Nga – Triều, lưu ý đến các biện pháp chế tài của LHQ đối với Bắc Hàn do chương trình hạt nhân của nước này.

Cũng theo BBC, các hạn chế ngoại thương LHQ đối với Bắc Hàn hiện như sau:

– Cấm các giao dịch thương mại về vũ khí

– Cấm các giao dịch thương mại về công nghệ liên quan đến hạt nhân

– Cấm buôn bán nhiên liệu cho tên lửa hoặc máy bay

– Cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt, quặng sắt và các kim loại khác

– Cấm các hoạt động tài chính đa dạng của Bình Nhưỡng

– Cấm bán thảm sang trọng, đồ trang sức và du thuyền cho Bắc Hàn.

Tân Bình

Xem thêm: