Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trần Đại Quang tại Hà Nội sáng Chủ Nhật (12/11), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề nghị làm trung gian hòa giải cho tranh chấp kéo dài ở biển Đông. Phía Việt Nam không trả lời trực tiếp đề nghị này, trong khi Philippines có phản ứng thận trọng.

Embed from Getty Images

Tổng thống Trump và Chủ tịch Trần Đại Quang tại bữa tiệc tối ở Hà Nội hôm 11/11

Tranh chấp lãnh hải tại biển Đông từ lâu đã là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp trong mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ, Việt Nam và một số nước khác tại Châu Á – Thái Bình Dương. Bắc Kinh luôn khẳng định rằng những bất đồng phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các nước trực tiếp liên quan và Washington không phải là bên tranh chấp nên không có vai trò gì trong các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cho rằng tự do hàng hải quốc tế, trong đó có biển Đông là điều mà Washington và cộng đồng quốc tế cần bảo vệ. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, từ đầu năm 2017, hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện 4 cuộc tuần tra biển Đông và lần gần nhất diễn ra vào tháng trước.

>>Trung Quốc rầm rộ tập trận cách Đà Nẵng 75 hải lý, Mỹ tăng cường tuần tra biển Đông

Trao đổi với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Trump nói: “Nếu cần tôi làm trung gian hòa giải hoặc trọng tài, xin hãy cứ cho tôi biết. Tôi là một nhà hòa giải và trọng tài rất tốt”.

Cũng giống như phát biểu trong diễn đàn APEC tại Đà Nẵng hôm thứ Sáu (10/11), Tổng thống Mỹ tiếp tục khẳng định rằng lập trường của Trung Quốc về biển Đông là một vấn đề.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Đại Quang đã không trả lời trực tiếp đề nghị của Tổng thống Trump. Thay vào đó, ông Quang nói rằng: “Chính sách của chúng tôi trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông là thông qua các cuộc đàm phán hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trước đề nghị của Tổng thống Mỹ, phía Philippines cũng đã có những phản ứng thận trọng.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từ Manila nói rằng tranh chấp ở biển Đông “tốt hơn hết là không nên động đến”.

Chúng tôi là những người bạn. Những ‘cái đầu nóng’ khác muốn chúng tôi đối đầu với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới về rất nhiều vấn đề. Biển Đông tốt hơn hết không nên động đến, không nước nào có thể đủ khả năng để đi tới chiến tranh”, ông Duterte nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano cho hay mặc dù ông sẽ không đưa vấn đề biển Đông ra Hội nghị ASEAN, nhưng Manila sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán song phương với Bắc Kinh.

Phản hồi về đề xuất của ông Trump, Ngoại trưởng Philippines Cayetano cho hay: “Chúng tôi cảm ơn [ông Trump]. Đó là đề xuất hào phóng và tốt bụng. Ông ấy là bậc thầy của nghệ thuật đàm phán. Nhưng không một nước nào có thể đưa ra câu trả lời ngay vì việc hòa giải liên quan đến tất cả các bên tranh chấp và các bên không có tranh chấp”.

Ông Wu Xinbo, một chuyên gia về các vấn đề nước Mỹ tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải nói rằng: “Trung Quốc không muốn Hoa Kỳ làm trung gian hòa giải trong vấn đề biển Đông vì Bắc Kinh lo ngại về sự can thiệp của Washington”.

Việt Nam đã đặt hy vọng vào Washington để kiềm chế Trung Quốc, và đề xuất mới nhất của ông Trump cho thấy họ đang thông đồng với nhau về vấn đề biển Đông”, ông Wu nói thêm.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng là một nước láng giềng nhỏ bé hơn, Việt Nam lo ngại rằng Trung Quốc sẽ trở nên quyết đoán hơn sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực vững chắc sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vừa qua.

Với sự nổi lên của Trung Quốc, sự cạnh tranh của họ với các cường quốc khác là điều không thể tránh khỏi. Điều này có thể dẫn tới sự bất ổn khu vực và ảnh hưởng tới tất cả các nước”, bà Hiền cho biết.

Vấn đề biển Đông và sự nhạy cảm trong mối quan hệ Trung – Mỹ sẽ tiếp tục được thử thách tại hai Hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á tại Manila, Philippines vào 13 và 14/11 nơi Tổng thống Donald Trump sẽ góp mặt và có các bài phát biểu quan trọng.

Yên Sơn

Xem thêm: