Calvin Coolidge là vị Tổng thống thứ 30 của nước Mỹ, cũng là một trong những vị Tổng thống kỳ tài. Trong hai nhiệm kỳ, Calvin Coolidge đã đưa nền kinh tế Mỹ trở nên phồn thịnh nhất, được lịch sử Mỹ gọi là “thời trù phú Coolidge” (Coolidge Prosperity).

Calvin Coolidge
Calvin Coolidge, Tổng thống thứ 30 của nước Mỹ. (ảnh: Wiki)

Chính sách tài khóa của Coolidge về sau được Tổng thống Reagan kế thừa, còn Tổng thống Trump hiện nay thì được cho là người ưa thích “chính sách kinh tế Reagan”. Đây là vấn đề đáng để chúng ta tìm hiểu.

Theo một cuốn tiểu sử của Tổng thống Coolidge, bài viết này điểm qua về cuộc đời và tư tưởng kinh tế của ông.

1. Bối cảnh học tập và gia đình

Tổng thống Coolidge sinh năm 1872 tại một vùng nông thôn bang Vermont, đông bắc nước Mỹ. Cha của ông làm kinh doanh một cửa hàng tạp hóa và trồng một số cây thực phẩm, rau quả trên mảnh đất của gia đình. Dù cha ông chỉ tốt nghiệp trung học, nhưng có chút tiếng tăm tại vùng nông thôn, sau đó trở thành nghị sĩ của một quận và nghị sĩ tiểu bang. Coolidge được cha gửi đi học trong một trường nội trú cách nhà vài chục dặm, ông cho biết nhiều lần ông phải đi bộ về nhà, vì muốn tiết kiệm tiền nên không đi xe ngựa.

Ảnh hưởng giáo dục nhiều nhất đối với ông là thời gian học đại học. Ông ghi danh vào nhiều trường, nhưng vì thành tích học tập nghèo nàn nên không được nhận. Cuối cùng ông được nhận vào trường Amherst thuộc bang Massachusetts nhờ một người thầy thời trung học cố gắng tiến cử. Thành tích học tập của ông tại trường Amherst cũng bình thường. Khi đó, các trường đại học Mỹ về cơ bản là sự tiếp nối của truyền thống châu Âu, chủ yếu tập trung vào lịch sử – văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại. Theo ông kể, ông tập trung học những sách cổ bằng tiếng Latin và Hy Lạp, sau đó cùng các bạn trong lớp tranh luận bằng tiếng Latin. Có thể nói, bối cảnh giáo dục của ông đặt nền tảng ở chủ nghĩa cổ điển, đó là những tranh luận kiểu Athens để phân tích xã hội. Bộ khung triết học của ông về cơ bản lấy các bản văn cổ của nền văn minh Hy Lạp và La Mã làm điểm tựa.

2. Khởi đầu với nghề luật sư

Sau khi Coolidge tốt nghiệp trường Amherst, ông quyết định sống và định cư làm việc tại bang Massachusetts, vì Massachusetts cách quê hương Vermont của ông rất gần, có thể thường xuyên về nhà thăm cha mẹ. Là một luật sư, lựa chọn tốt nhất là đến Boston, nhưng Coolidge đã gửi hồ sơ lý lịch đến nhiều công ty luật ở Boston mà không được hồi đáp. Vì vậy, vài tháng sau đó Coolidge đã chuyển hồ sơ xin việc đến các thành phố khác, cuối cùng hồ sơ của ông được một luật sư ở phía bắc thành phố nhỏ Northampton bang Massachusetts chú ý. Do trong hồ sơ Coolidge ghi ông từng tham gia đoàn kịch nói của trường, vì thế được nhà tuyển dụng kia quan tâm. Ông chủ kia cho biết công việc luật sư quá khô khan, rất cần có một người trẻ tuổi có khả năng kể chuyện cười giúp mọi người vui vẻ hơn. Vậy là Coolidge chuyển đến Northampton, sau đó ông được thăng chức liên tục, sau này khi rời văn phòng tổng thống về hưu, Coolidge lại quay trở về Northampton.

Khi mới đến công ty luật tại Northampton làm việc, ban đầu Coolidge được giao làm tập sự, phải làm những công việc lặt vặt trong hơn hai năm. Khi đó, muốn đủ tư cách luật sư của Massachusetts cần phải có người tiến cử giới thiệu . Kết quả của hai năm Coolidge làm việc chăm chỉ là ông chủ của ông đã giúp cho một lá thư giới thiệu, từ đó Coolidge trở thành luật sư. Sau đó, ông tìm được một cựu sinh viên trẻ của Amherst và hai người hợp tác mở một công ty luật.

3. Tham gia chính trị

Sau khi thành lập văn phòng luật sư riêng, Coolidge mới thấy khởi nghiệp quả vô cùng gian nan. Công việc tại một thị trấn nhỏ không có nhiều, vả lại ông lại là người trẻ, quan hệ xã hội hạn chế, không có lượng khách hàng ổn định. Vì vậy, ông đã bắt đầu tập trung vào những người nhập cư nghèo và di dân mới. Ông tìm thấy những thành phần này có rất nhiều nhu cầu pháp luật, nhưng họ không có nhiều tiền, vì vậy không có nhiều luật sư có kinh nghiệm chăm sóc cho họ. Cách tiếp cận của ông là cố gắng làm được nhiều vụ việc với tốc độ giải quyết nhanh, nhưng hòa giải bên ngoài tòa án, cố gắng tránh đưa vấn đề ra tòa án. Cách làm này có thể giúp cả hai bên tiết kiệm rất nhiều chi phí pháp lý, nhưng các luật sư lớn thường không thích cách làm này. Luật sư thường muốn thưa kiện càng lâu càng tốt, vì việc ra tòa nhiều có thể giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn. Cách làm ưu tiên lợi ích khách hàng, hòa giải nhiều và hạn chế ra tòa khiến tiếng tăm của Coolidge bắt đầu lan xa, sự nghiệp của ông theo đó khởi sắc. Ông bắt đầu quen biết ngày càng nhiều những người thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội. Đảng Cộng hòa ở Northampton đề cử ông tranh cử ủy viên khu vực trường học và Coolidge đã trúng cử. Ủy viên khu nhà trường là công việc tình nguyện, không lương.

Từ đây, ông dần dần tham gia tranh cử những vị trí cao hơn và đều giành chiến thắng. Coolidge có phong cách từ tốn nhưng kiên định, đặc biệt quan tâm những người nhập cư mới và người nghèo, ông đại diện cho quyền lợi của những người này. Sau đó ông tiếp tục tham gia tranh cử nghị sĩ thành phố Northampton, thị trưởng, nghị sĩ bang Massachusetts, phó nghị trưởng, nghị trưởng, phó thống đốc, thống đốc bang Massachusetts, tất cả đều theo phong cách tương tự. Đảng Cộng hòa bang Massachusetts đã luôn ủng hộ Coolidge, khi chọn ông thì một số lượng lớn người nghèo Ireland là những người nhập cư mới, và cả người của Đảng Dân chủ cũng bình chọn cho Coolidge.

4. Trở thành tổng thống sau sự kiện cảnh sát Boston đình công

Địa vị chính trị của Coolidge trên toàn nước Mỹ được bắt đầu từ sự kiện cảnh sát Boston đình công năm 1919. Khi đó Coolidge là Thống đốc tiểu bang Massachusetts và đã gặp phải sự kiện này lớn này.

Do suy thoái kinh tế sau Thế chiến thứ Nhất khiến giá cả leo thang, các phong trào công nhân bùng nổ trên khắp nước Mỹ. Công nhân gang thép trên cả nước đấu tranh quyết liệt, bạo lực ngày càng nhiều. Lấy cảm hứng từ phong trào công nhân, cảnh sát Boston cũng bắt đầu gây rắc rối. Họ yêu cầu tăng lương và giảm giờ làm việc, sửa chữa môi trường làm việc văn phòng cảnh sát. Sau khi yêu cầu của họ bị Thị trưởng thành phố Boston từ chối thì họ đình công. Coolidge là Thống đốc nhưng ban đầu từ chối can dự vào việc này, để cho Thị trưởng Boston phụ trách. Thị trưởng Boston khả năng quản lý kém, có ý định thỏa hiệp với công đoàn của cảnh sát. Tình trạng cảnh sát bãi công làm tình hình an ninh của Boston ngày càng xấu, bắt đầu xuất hiện nạn cướp bóc, giết người. Lúc này Coolidge mới nhúng tay vào. Ông tập hợp lực lượng cảnh vệ quốc gia trên toàn Massachusetts, sau đó cho nghỉ việc toàn bộ lực lượng cảnh sát Boston và tuyển dụng người mới. Tại thời điểm đó nước Mỹ đang rối loạn vì phong trào công nhân ở khắp nơi, vì thế sau khi Coolidge ổn định được trật tự tại Boston ông đã vang danh, nhanh chóng trở thành biểu tượng anh hùng của cả nước Mỹ. Điều thú vị là sau này Tổng thống Reagan cũng gặp phải sự kiện bãi công của hệ thống quản lý hàng không trên toàn nước Mỹ và cũng đã áp dụng biện pháp tương tự khi cho sa thải toàn bộ!

Có câu chuyện thú vị. Trong số tất cả cảnh sát bị Coolidge sa thải có một người tên Reagan. Cảnh sát này sau đó chuyển nghề làm công việc quét dọn đường sắt, cuộc sống khó khăn, nhưng con trai người này có ý chí phấn đấu, từ tuổi thơ nghèo khổ sau này trở thành Bộ trưởng Tài chính của Tổng thống Reagan.

Đến cuối năm 1919, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng hòa, Coolidge đã được bầu làm ứng viên phó tổng thống. Khi đó, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa là Harding đến từ Ohio, người đại diện cho lợi ích của vùng Trung Tây. Theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống và phó tổng thống phải đến từ các bang khác nhau, vì vậy Coolidge của bang Massachusetts trở thành đại diện cho bang New England vào vị trí ứng cử viên phó tổng thống. Bầu cử tổng thống Mỹ năm 1920 và bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 rất giống nhau, công chúng Mỹ cho rằng Đảng Dân chủ quá quan tâm lợi ích của người nghèo, vì vậy ứng viên tổng thống và phó tổng thống Đảng Cộng hòa là Harding và Coolidge đắc cử. Một vấn đề nữa, khi đó đã có nhiều tổng thống là cựu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học như Harvard, Yale, Princeton, trong đó cả Tổng thống Wilson có xuất thân từ Đại học Princeton. Việc này khiến đông đảo dân chúng cảm thấy khó ưa, trường Amherst mà Coolidge học ngày xưa đã tận dụng thời cơ thúc đẩy xây dựng hình ảnh ngôi trường của giới bình dân và gặt hái hiệu quả to lớn.

5. Thời phồn vinh Coolidge

Tổng thống Harding nhậm chức chưa đầy hai năm thì qua đời vì bị bệnh, và Phó Tổng thống Coolidge lên làm tổng thống. Coolidge đã xây dựng chính sách kinh tế rất rõ ràng: cắt giảm thuế và nới lỏng quản lý, đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Bộ trưởng Tài chính của Coolidge khi đó là Mellon, một trong những người giàu nhất nước Mỹ, là người rất ủng hộ chính sách tài khóa cắt giảm thuế của chính phủ. Hàng năm ông đều đến Quốc hội thuyết giảng yêu cầu cắt giảm thuế. Ông không chỉ yêu cầu cắt giảm thuế thu nhập cá nhân mà còn yêu cầu giảm mạnh thuế doanh nghiệp. Vì khi đó thu nhập của Bộ trưởng Mellon còn hơn cả thu nhập toàn bang Nebraska, nên chính sách giảm thuế của Coolidge khiến số thuế cá nhân Mellon phải nộp thấp hơn toàn bộ thuế bang Nebraska và vấn đề đã gây nhiều tranh cãi.

Chính sách tài chính lớn thứ hai Coolidge là buông lỏng quản lý. Câu nói của ông: “The Business of American People is Business” (công việc của nhân dân Mỹ là làm thương mại) trở thành câu nói nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ. Ông tin rằng một chính phủ tốt nhất là một chính phủ không làm bất cứ việc gì, không nên cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi khi Quốc hội thông qua dự luật nào thì ông lập tức phản đối. Đây chính là đường mạch triết học thông suốt với Tổng thống Reagan sau này và Tổng thống Trump hiện nay.

Nhưng chính sách ít người quan tâm là chính sách thứ ba: chính sách thương mại của Coolidge. Chính sách thương mại America First (ưu tiên trong nước Mỹ) là do Coolidge đưa ra. Ông đã thông qua luật thuế đánh mạnh vào hàng hóa nước ngoài nhập vào Mỹ. Cách làm này bù đắp lượng hao hụt nguồn thu của Chính phủ do giảm thuế thu nhập cá nhân, đồng thời cũng được giới doanh nghiệp Mỹ hưởng ứng. Chính sách bảo hộ thương mại của Coolidge giúp ngành công nghiệp của Mỹ tăng trưởng mạnh, cơ hội việc làm và tiền lương của người lao động Mỹ cải thiện rõ rệt.

Thời kỳ thập niên 1920 mà Coolidge làm Tổng thống Mỹ là thời gian ngành công nghiệp hàng không Mỹ bắt đầu phát triển lớn mạnh. Ông ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng các sân bay trên toàn quốc, ngành công nghiệp hàng không dân dụng có quy mô lớn nhất thế giới của Mỹ được bắt đầu vào thời gian này. Coolidge cũng đẩy mạnh hỗ trợ phát triển đường biển, đường bộ… Nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế, khi đó Mỹ và Mexico có rất nhiều va chạm, khi đó Coolidge tung tin đồn sẽ gửi quân đến chinh phục Mexico. Nhưng nhìn chung, việc chủ yếu ông quan tâm là xây dựng nền kinh tế trong nước, về cơ bản hạn chế quan hệ với các nước khác.

Kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, Coolidge tái đắc cử thành công nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, làm việc cho đến năm 1928 nghỉ hưu. Nhiều người muốn ông làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba nhưng ông từ chối. Trong suốt hơn 6 năm Coolidge làm Tổng thống, nền kinh tế Mỹ phát triển bùng nổ, GNP tăng 50%, tiền lương bình quân tăng 50%, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn gấp đôi, vượt qua ngưỡng 200 điểm, tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc còn 3,3%, mức thấp kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ. Đây là thời kỳ mà lần đầu tiên người dân Mỹ được dùng máy giặt, lần đầu tiên đi máy bay và được xem phim trên máy bay, lần đầu tiên có được quyền lợi nghỉ phép. Khi Coolidge kết thúc nhiệm kỳ là lúc nước Mỹ thịnh vượng nhất về kinh tế.

Sau khi nghỉ hưu, Coolidge trở về Northampton, viết hồi ký, viết báo hàng tuần. Nhưng chưa đầy một năm sau khi ông nghỉ thì thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc (từ tháng 9/1929), tiếp theo là khởi đầu cuộc Đại suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3% lên đến 30%, theo đó là Chiến tranh thế giới thứ Hai (cho đến 20 năm sau nền kinh tế Mỹ mới khôi phục lại và 25 năm sau chỉ số Dow Jones mới lại đạt mức 200 điểm).

Vì số lượng lớn người Mỹ luôn nhớ đến thời sung túc Coolidge nên vào những năm 1930 nhiều người Mỹ đã ký chung một lá thư đề nghị Coolidge tái tranh cử tổng thống. Họ hy vọng ông có thể đưa nền kinh tế Mỹ phồn vinh trở lại. Nhưng không may là hoàn cảnh kinh tế Mỹ khi đó đã hoàn toàn thay đổi, chính sách kinh tế Coolidge sau đó đã bị Tổng thống Roosevelt bác bỏ hoàn toàn cho đến khi Tổng thống Reagan nhậm chức mới bắt đầu thực hiện trở lại.

Trần Khải Phong

Xem thêm: