Ông Kim Jong-un hôm thứ Hai (5/3) đã có buổi tiếp đón trọng thị phái đoàn Hàn Quốc. Lãnh đạo tối cao Bắc Hàn cũng đã ngỏ ý mở lại đàm phán với cả Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Không khí tại bán đảo Triều Tiên đang khá tích cực, nhưng cần nhớ rằng một phần tư thế kỷ qua các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Bắc Hàn đều kết thúc thất bại.

Embed from Getty Images

Ông Kim Jong-un tiếp phái đoàn Hàn Quốc tới thăm Bình Nhưỡng hôm thứ Hai (5/3).  

Các quan chức Mỹ và Nhật Bản đều dấy lên tiếng nói nghi ngờ về bất kỳ cuộc đàm phán hiệu quả nào với chế độ nhà họ Kim.

Một quan chức chính quyền Trump giấu tên nói với Reuters rằng: “Chúng tôi đang mở lòng, chúng tôi muốn được lắng nghe nhiều hơn. Nhưng… những người Bắc Hàn khiến chúng tôi hoài nghi, vì vậy chúng tôi có một chút cảnh giác với sự lạc quan của mình. Biểu hiện của chúng tôi với chế độ này sẽ không thay đổi cho tới khi nào chúng tôi thấy được ở họ những động thái đáng tin cậy hướng tới phi hạt nhân hóa”.

Các quan chức tình báo Mỹ cũng nói rằng còn quá sớm để khẳng định Bắc Hàn sẵn sàng phi hạt nhân hóa.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm thứ Ba (6/3) đã trao đổi với báo giới rằng: “Cần phải đánh giá xem liệu hội nghị thượng đỉnh Bắc – Nam sẽ thực sự dẫn tới việc (miền Bắc) từ bỏ phát triển tên lửa và hạt nhân”.

Những quan ngại về sự hiệu quả của các cuộc đàm phán với Bắc Hàn của giới chức Mỹ – Nhật là hoàn toàn cơ sở, bởi vì những nỗ lực trước đây nhằm thuyết phục chế độ nhà họ Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân đều đã thất bại, hơn nữa còn đẩy mạnh sự thù địch giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Bắc Hàn vừa đàm phán 6 bên, vừa phát triển hạt nhân, tên lửa

Embed from Getty Images

Cuộc đàm phán 6 bên được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 12/2006.

Vào tháng 1/2003, Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-il, cha của lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un, đã phát đi thông báo với thế giới rằng Bình Nhưỡng sẽ rút khỏi Hiệp ước Không Phổ biến vũ khí hạt nhân mà họ là bên ký kết tham gia từ năm 1985. Ba tháng sau thông báo lịch sử này, Bắc Hàn tuyên bố họ có vũ khí hạt nhân.

Với hy vọng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tham vọng hạt nhân Bắc Hàn, các cuộc đàm phán 6 bên gồm Bắc Hàn, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Nhật Bản bắt đầu được tổ chức tại Bắc Kinh.

Trong năm 2004 và 2005, khi các cuộc đàm phán 6 bên được tổ chức ngắt quãng, Bắc Hàn vẫn tiếp tục thử tên lửa. Như đã thành khuôn mẫu, quốc tế phản ứng gay gắt, Bình Nhưỡng lại đề nghị hạn chế chương trình vũ khí của mình để nhận viện trợ, trong khi cũng viện dẫn quan ngại về hành động thù địch từ phía Mỹ.

Khi các cuộc đàm phán bị đình trệ trong năm 2006, Bắc Hàn tăng cường thử tên lửa và cáo buộc Mỹ là mối đe dọa hạt nhân, kéo theo cảnh báo từ Tổng thống Mỹ George W. Bush.

Vòng đàm phán thứ 6 của các các cuộc đàm phán 6 bên mở ra vào tháng 2/2007 và Bắc Hàn lúc đó hứa đóng cửa lò phản ứng hạt nhân để đổi lấy dầu mỏ. Sau đó, chế độ nhà họ Kim yêu cầu Mỹ gỡ bỏ đóng băng 25 triệu USD của họ và Washington thực hiện điều này vào tháng 6, dọn đường cho một vòng đàm phán khác diễn ra một tháng sau đó.

Bắc Hàn hứa sẽ công khai tất cả hoạt động hạt nhân của mình vào cuối năm 2007, nhưng sau đó họ đã không thực hiện cam kết này.

Vào tháng 5/2008, Bắc Hàn yêu cầu Mỹ loại họ khỏi danh sách nhà nước tài trợ khủng bố và chính quyền Bush đã thực hiện việc này vào tháng 10, thúc đẩy Bình Nhưỡng tiếp tục phá bỏ nhà máy hạt nhân Yongbyon.

Sang năm 2009, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phản ứng mạnh mẽ hơn, đe dọa tăng cường chế tài trước việc Bắc Hàn thử tên lửa. Bình Nhưỡng lúc này đã không còn muốn chấp nhận bị quốc tế giám sát và họ tuyên bố sẽ rút khỏi cuộc đàm phán 6 bên.

Bắc Hàn buôn tên lửa dưới thời Tổng thống Clinton, Bush

Embed from Getty Images

Tổng thống Bill Clinton bắt đầu đàm phán với Bắc Hàn về chương trình hạt nhân, tên lửa từ năm 1994. 

Năm 1994, Bắc Hàn và Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đã ký “thỏa thuận khung” với mục tiêu đóng băng và tiến tới dừng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đổi lại, Bắc Hàn được bình thường hóa quan hệ, nhận dầu mỏ, và được giúp xây dựng các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ dùng trong dân sự.

Khi đó việc Bắc Hàn sản xuất và bán tên lửa cũng trở thành một vấn đề với Mỹ và quốc tế. Các cuộc đàm phán bắt đầu với việc Mỹ thúc đẩy Bắc Hàn hạn chế kinh doanh tên lửa, trong khi, Bình Nhưỡng yêu cầu nhận các khoản tiền bồi thường cho khoản doanh thu bị thâm hụt do dừng bán tên lửa.

Năm 1998, Bắc Hàn bị phát hiện chuyển công nghệ và các bộ phận tên lửa cho Pakistan. Mỹ đã áp đặt các chế tài lên Bình Nhưỡng sau sự vụ này.

Nhiều cuộc đàm phán Mỹ – Bắc Hàn được tiến hành trong các năm sau đó nhưng hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về vấn đề tên lửa của Bình Nhưỡng.

Khi ông George W. Bush trở thành tổng thống Mỹ năm 2001, Bình Nhưỡng thể hiện thái độ thù địch hơn với Washington. Mỹ áp đặt thêm các chế tài lên các công ty Bắc Hàn do liên quan tới chuyển giao tên lửa cho Iran.

Mâu thuẫn giữa Mỹ và Bắc Hàn leo thang căng thẳng vào năm 2002, khi Tổng thống Bush gắn nhãn Bắc Hàn cùng với Iran và Iraq thuộc “liên minh ma quỷ” tài trợ khủng bố và theo đuổi vũ khí hạt nhân.

“Thỏa thuận khung” giữa Mỹ và Bắc Hàn ký trong thời Tổng thống Clinton đã bị phá bỏ vào năm 2002 khi Mỹ xác nhận Bắc Hàn đã bí mật theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, trong khi Bình Nhưỡng nói rằng họ có quyền sở hữu loại vũ khí hủy diệt này vì mục đích tự vệ. Bắc Hàn cũng đổ lỗi cho Mỹ trì hoãn chuyển dầu mỏ tới Bình Nhưỡng như đã hứa. Cuối cùng, chế độ nhà họ Kim đã ra lệnh trục xuất các giám sát viên quốc tế khỏi Bắc Hàn, đồng thời cho mở lại các cơ sở hạt nhân mà họ từng cam kết đóng cửa trước đây.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: