Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Sáu (20/7) đã nói rằng trong khi Mỹ vẫn đang cam kết duy trì chế tài lên Bắc Hàn cho tới khi nước này xóa bỏ kho vũ khí của họ, thì một số nước đã phá bỏ các lệnh trừng phạt đã thỏa thuận bằng cách cung cấp xăng dầu cho chế độ Bình Nhưỡng vượt trên mức giới hạn cho phép.

Mike Pompeo va Nikki Haley
Ngoại trưởng Pompeo và Đại sứ Haley họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York hôm 20/7. (Ảnh: Kena Betancur/Getty Images)

Phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York hôm thứ Sáu (20/7), ông Pompeo đã thông báo ngắn gọn với Hội đồng Bảo an về chuyến công du mới nhất của ông tới Bắc Hàn vào đầu tháng này. Ngoại trưởng Mỹ cũng đã gặp Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản.

Tại cuộc họp báo chung với Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, ông Pompeo nói rằng Washington sẽ tiếp tục gây áp lực lên các nước khác để duy trì chế tài cho tới khi Bắc Hàn thực hiện tốt những lời hứa của họ về phi hạt nhân hóa.

Chúng ta cũng phải trấn áp các hình thức né tránh chế tài khác nhau, trong đó có buôn lậu than trên biển, buôn lậu trên biên giới đất liền, và sự hiện diện của công nhân người Bắc Hàn ở một số nước nhất định. Việc Bắc Hàn đánh cắp trên mạng viễn thông và các hoạt động tội phạm khác cũng đem lại doanh thu đáng kể cho chế độ này và chúng phải bị ngăn chặn”, ông Pompeo nói.

Trong khi đó, bà Haley cho biết Mỹ đã cố gắng ngăn chặn nhiều tàu chở các sản phẩm xăng dầu tinh chế tới Bắc Hàn, nhưng Nga và Trung Quốc – cũng là thành viên của Hội đồng Bảo an lại ngăn cản Mỹ thực hiện các hoạt động này.

Bà Haley đặt câu hỏi: “Đối với việc Trung Quốc và Nga ngăn chặn hành động đó, họ đang nói với chúng ta điều gì? Có phải họ đang nói với chúng ta rằng họ muốn tiếp tục cung cấp dầu [cho Bắc Hàn]?”

Cả bà Haley và ông Pompeo đều không nêu đính danh các quốc gia mà họ cáo buộc đang giúp Bắc Hàn né tránh các chế tài, nhưng bà Haley đã nói Mỹ có hình ảnh về việc các tàu sang chuyển hàng xăng dầu tinh chế cho nhau. Ông Pompeo cho rằng đó là cách chính mà Bắc Hàn đang tiến hành để vượt qua các chế tài.

Ngoại trưởng Mỹ cho hay: “Việc sang chuyển hàng này đã xảy ra ít nhất 89 lần trong 5 tháng đầu năm nay và hiện vẫn đang tiếp diễn. Mỹ nhắc nhở mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc về trách nhiệm của họ trong việc ngăn chặn hành vi sang chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác trái phép này, và chúng tôi cũng thúc giục các nước phải tăng cường các nỗ lực thực thi chế tài”.

Vào tháng Hai, chính phủ Mỹ đã công bố một cảnh báo trong đó đưa ra danh sách 27 doanh nghiệp mà họ cho rằng có liên quan tới việc cung ứng dầu mỏ bất hợp pháp cho Bắc Hàn, phần lớn thông qua việc sang chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác. Những quốc gia mà các tàu này treo cờ, đăng ký gồm Bắc Hàn, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Quần đảo Marshall, Tanzania, Panama và Comoros.

Nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, dẫn theo nguồn tin tại Trung Quốc, hôm thứ Năm (19/7) cho biết Trung Quốc gần đây đã tăng gấp đôi lượng dầu thô xuất sang Bắc Hàn kể từ khi lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un có chuyến thăm thứ ba tới Trung Quốc vào tháng Sáu.

Trước báo cáo của nhật báo Hàn Quốc, Tổng thống Trump đã gửi thông điệp quan ngại tới cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc có thể cung cấp cho Bắc Hàn phao cứu sinh giúp nước này nhấn chìm các nỗ lực quốc tế về phi hạt nhân hóa. Ông Trump đã từng nói rằng Trung Quốc có thể đang nới lỏng biên giới với Bắc Hàn.

Sau chuyến thăm gần nhất của ông Pompeo tới Bắc Hàn, Thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA) đã dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao nước này cho biết Mỹ đang sử dụng chiến thuật “như du côn” để buộc Bắc Hàn dừng chương trình hạt nhân và thêm rằng thái độ của Mỹ là “cực kỳ có vấn đề”.

Ngoại trưởng Pompeo đã nhiều lần bác bỏ những bình luận nêu trên của truyền thông Bắc Hàn. Trong khi, Tổng thống Trump đã từng cho rằng những lời lẽ đó của chế độ Bình Nhưỡng có thể là do bị Trung Quốc xúi giục trong bối cảnh Bắc Kinh đang gặp rất nhiều khó khăn khi leo thang cuộc chiến thuế quan với Washington.

Yên Sơn

Xem thêm: