Hôm thứ Ba (25/7), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới áp đặt lên Nga. Ngay lập tức, Moscow đã lên tiếng cảnh báo nước này sẽ xem xét việc trả đũa Washington, trong khi đó, Liên minh Châu ÂU (EU) cũng nói rằng động thái của Mỹ có thể làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của khối này và họ đã sẵn sàng có hành động đáp trả.

Reuters cho hay vào hôm thứ Ba (25/7), Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật trừng phạt mới lên Nga với đa số áp đảo, theo đó, Tổng thống Donald Trump sẽ phải đạt được sự cho phép của Quốc hội trước khi tiến hành nới lỏng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào lên Moscow.

 

Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov phát biểu rằng: “Xét trên bình diện mối quan hệ Nga – Mỹ, đây là một tin xấu. Chúng ta đang nói về một hành động cực kỳ thiếu thiện chí”.

Ông Peskov nói Tổng thống Vladimir Putin sẽ quyết định liệu Moscow có trả đũa hay không và trả đũa thế nào một khi các biện pháp trừng phạt này chính thức trở thành luật. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã cảnh báo động thái này của Mỹ đang đẩy các mối quan hệ song phương vào vùng nguy hiểm, giết chết bất kỳ hy vọng cải thiện chúng trong tương lai gần.

Để các biện pháp trừng phạt mới này có thể trở thành luật, nó cần phải được Thượng viện Mỹ phê duyệt và Tổng thống Trump ký ban hành. Ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết các nhà lập pháp gần như đã đạt được thống nhất mở đường cho Thượng viện thông qua dự luật này.

Ông Corker trao đổi với các phóng viên rằng ông hy vọng một sự đồng thuận sẽ được thông báo vào ngay tối thứ Tư 26/7 (giờ Mỹ), theo đó thì Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt này chỉ trong vài ngày tới.

Tổng thống Trump đang bị đẩy vào thế khó khi một mặt ông muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao tốt hơn với Tổng thống Putin và nước Nga, nhưng đồng thời lại phải hành động phù hợp để tránh để cho các cáo buộc về đội ngũ chiến dịch tranh cử 2016 của ông có thông đồng với Moscow lún sâu thêm vào bế tắc.

Hầu hết các nhà quan sát chính trị Mỹ tin rằng ông Trump sẽ phải miễn cưỡng ký ban hành luật trừng phạt mới này, để tận dụng sự ủng hộ của các nhà lập pháp Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề nan giải khác, cũng như tránh những rắc rối không cần thiết liên quan đến cáo buộc thông đồng với Điện Kremlin.

Nga sẽ xem xét biện pháp trả đũa

Phát ngôn viên ngoại giao Nga Dmitry Peskov 

Moscow đã gọi các biện pháp trừng phạt mới này là “bước đi cực kỳ thiếu thiện chí” sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ song phương và thương mại quốc tế.

Nhiều chính trị gia Nga tin rằng các kẻ thù chính trị của ông Trump và Quốc hội cho Tổng thống không gian quá hẹp để có thể cải thiện quan hệ với Moscow nên nước Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động trả đũa.

Bộ Ngoại giao Nga gần đây cho hay đang có quá nhiều điệp viên Mỹ nằm vùng ở Nga dưới ô bảo trợ ngoại giao và Điện Kremlin có thể trục xuất một vài người trong số đó để trả đũa cho việc chính quyền của Tổng thống Barack Obama vào năm ngoái đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga.

Châu Âu quan ngại về an ninh năng lượng

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker

Về phía EU, họ lo ngại động thái mới của Mỹ có thể gây trở ngại cho các công ty của các nước thành viên khối này đang hợp tác kinh doanh với Nga và đe doạ tới các đường cung cấp năng lượng từ Nga tới các nước EU.

Phát biểu tại trụ sở EU ở Brussels, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu  (EC) Jean-Claude Juncker nói rằng EU đã sẵn sàng hành động “trong vài ngày tới” nếu cảm thấy các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ làm suy thoái an ninh năng lượng của khối này.

Ông Juncker phát biểu trong một tuyên bố sau cuộc họp của các thành viên EC: “Dự luật của Hoa Kỳ có thể có các ảnh hưởng đơn phương không chủ ý tác động đến lợi ích an ninh năng lượng của EU”.

Một số điều khoản của dự luật trừng phạt Nga mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua rất bất lợi cho các doanh nghiệp EU đang làm ăn với Nga.

Dự luật có các biện pháp trừng phạt đối với các công ty nước ngoài đầu tư hoặc giúp thăm dò năng lượng của Nga, mặc dù Tổng thống Mỹ có thể lựa chọn từ bỏ các biện pháp chế tài đó.

Dự luật cũng sẽ cho phép chính phủ Trump lựa chọn các biện pháp trừng phạt đối với các công ty giúp phát triển các đường ống xuất khẩu dầu khí của Nga, chẳng hạn như đường ống dẫn Nord Stream 2 mang khí đốt tự nhiên tới Châu Âu, trong đó có các công ty Đức tham gia.

Ủy ban Châu Âu cho rằng dự luật của Hoa Kỳ đã tính đến khắc phục một số ảnh hưởng không chủ ý tới EU, nhưng đã xem xét các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ công ty nào, kể cả Châu Âu, làm việc trên các đường ống xuất khẩu năng lượng của Nga. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc duy trì và nâng cấp các đường ống tại Nga cung cấp khí tự nhiên cho Châu Âu thông qua Ukraine, hoặc các dự án quan trọng đối với các mục tiêu đa dạng hóa năng lượng của EU, như dự án khí hỏa lỏng Baltic.

Ủy ban Châu Âu cho biết họ đang dấy lên các quan ngại của mình thông qua “tất cả các kênh ngoại giao”.

Xuân Thành

Xem thêm: