Bình Nhưỡng cuối cùng đã sản xuất được tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới lục địa Hoa Kỳ, có nghĩa sẽ tăng gấp nhiều lần độ khó cho Washington trong việc tính phương án ngăn chặn. Hơn nữa, chế độ Kim Jong-un đang đe dọa sẽ sớm đưa cả Los Angeles, San Francisco hay Seattle vào tầm ngắm nếu các đợt viện trợ lớn không được chuyển tới Bắc Triều Tiên. Ở hoàn cảnh hiện tại, Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ phải làm thế nào để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà không phải hứng chịu tổn hại lớn?

Ông Kim Jong-un có lý khi cho rằng các quốc gia giàu có phương Tây sẽ ưu tiên trả tiền chuộc hơn là để các vùng lãnh thổ và người dân của họ bị thiệt hại và họ có nhiều tiền để thực hiện các nhượng bộ như vậy. Ở một chừng mực nào đó, lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên đã đúng khi nhận định các chiến lược gia phương Tây xem phương cách tước bỏ tên lửa của chế độ nhà Kim thậm chí còn tồi tệ hơn việc “sống chung với lũ” cùng một nhà nước điên cuồng có vũ khí hạt nhân.

Đó là lý do để giải thích tại sao tất cả các chính quyền Mỹ từ Clinton, Bush cho tới Obama gần như không có câu trả lời nào cho hàng loạt những lừa dối, bịp bợm mà Bắc Triều Tiên đưa ra liên quan đến các chương trình hạt nhân của nước này.

Những lệnh trừng phạt cuối cùng đã bị hủy bỏ hoặc bốc hơi sau khi có các báo cáo về tình trạng đói nghèo diện rộng của thường dân Bắc Triều Tiên hoặc những lời hứa giả dối về cách hành xử của Bình Nhưỡng tốt hơn.

Trung Quốc, Nga sẽ không nỗ lực làm tổn hại Bắc Hàn

Trung Quốc thì một mặt công khai hứa hẹn sẽ giúp kiềm chế Bắc Hàn, trong khi thực tế họ chẳng làm gì cả. Rõ ràng, Bắc Kinh đã nhận thấy một chế độ Bắc Triều Tiên hung hăng là hữu ích trong việc quấy nhiễu các đối thủ chiến lược như Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cũng khiến Hoa Kỳ mất cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Các nền kinh tế năng động và chủ trương theo đường lối hòa bình như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã bị Trung Quốc coi là những mục tiêu dễ dàng để cưỡng ép và tống tiền.

Nga thì không bao giờ giúp Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên nói riêng hay bất kể sự vụ nào khác. Dưới sự cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin, chính sách đối ngoại của Nga được thực thi theo chiến thuật khá đơn giản: Bất cứ điều gì càng khiến cho Hoa Kỳ và các đồng minh đau đầu thì Moscow càng hoan nghênh.

Còn về việc đảo chính ở Bắc Triều Tiên hoặc một sự can thiệp của Trung Quốc để loại bỏ Kim Jong-un thì dường như không có cơ hội xảy ra. Người dân Bắc Hàn bị tẩy não gần như cắt đứt hoàn toàn với thông tin toàn cầu và họ chẳng biết gì khác ngoài ba thế hệ độc tài nhà họ Kim. Hội đồng tướng lĩnh quân đội xung quanh Kim Jong-un có vẻ cũng hung hăng chẳng kém gì vị lãnh đạo tối cao của mình. Những viên chức này cho rằng sự sống còn của ông Kim Jong-un là sự đảm bảo duy nhất cho đặc quyền và ảnh hưởng của chính họ.

Lựa chọn phương án tấn công phủ đầu cũng không khả dĩ. Bởi vì một cuộc tấn công như vậy có thể sẽ không phá hủy được hết tất cả các tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên và lại thúc đẩy Bình Nhưỡng phản công, chỉ với vũ khí thông thường như các trận địa pháo cao xạ cũng có thể sớm phá hủy Seoul –  một kịch bản mà miền Bắc vẫn luôn khoe mẽ công khai để hù dọa Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng tin rằng chỉ có người Israel mới đủ điên cuồng để đánh phủ đầu và ném bom các cơ sở hạt nhân của các nước láng giềng, như họ đã làm năm 1981 chống lại Iraq và một lần nữa vào năm 2007 với Syria. Nhưng Israel làm được như vậy chỉ là vì cả Iraq và Syria đều không có khả năng kháng cự bằng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Lựa chọn nào cho Washington?

Những lệnh trừng phạt trong quá khứ ít nhiều cũng đã làm tê liệt kinh tế Bình Nhưỡng. Nhưng nó không được thực hiện triệt để khi phương Tây nhượng bộ quá nhanh để bước vào đàm phán, tạo điều kiện và thời gian cho chế độ nhà Kim tiếp tục phát triển các chương trình vũ khí. Do đó, thời điểm này các biện pháp trừng phạt không nên bị dỡ bỏ nữa bất chấp điều đó có thể tạo ra viễn cảnh hỗn loạn tại Bắc Triều Tiên. Có thể sẽ là bi kịch cho người dân Bắc Hàn đang bị giam cầm và chịu đựng thêm sự cuồng loạn của giới cầm quyền, nhưng dù sao nỗi khổ đó vẫn còn dễ chịu hơn một cuộc chiến tranh toàn diện.

Trung Quốc cũng không nên được miễn trừ các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Hầu như mọi thành phần vũ khí trong tay của Bắc Triều Tiên đều có nguồn gốc trực tiếp từ Trung Quốc hoặc được mua bằng tiền kiếm được thông qua thương mại và kiều hối từ Trung Quốc. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ không cho phép Nam Hàn sử dụng tên lửa với rủi ro chế độ nhà Kim quay ra tấn công hạt nhân Bắc Kinh, trong khi Hoa Kỳ giữ nguyên trạng về các khiêu kích an ninh.

Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ cần phối hợp một dự án phòng thủ tên lửa tập thể quy mô lớn. Hệ thống này khiến Bắc Triều Tiên sẽ không thể lớn tiếng đe dọa rằng tên lửa của họ có thể bắn chính xác đến bất cứ đâu mà họ muốn. Một chiến lược đầu tư tương tự như Kế hoạch Marshall như vậy cũng sẽ gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng hệ thống phòng thủ hạt nhân của nước này có thể bị tổn hại và hủy bỏ bởi những nỗ lực phòng thủ của các nước láng giềng ngay lập tức. Trung Quốc đã làm khó Mỹ và đồng minh Châu Á, và Bắc Kinh nên biết rằng các nước đồng minh cũng có thể gây ra điều tương tự, thậm chí còn ở mức tệ hại hơn cho Trung Quốc.

Không nước nào trong số các đồng minh của Mỹ ở Châu Á muốn phát triển vũ khí hạt nhân vì cả các lý do lịch sử và kinh tế. Tuy nhiên, Hoa Kỳ nên đánh tiếng với Nga và Trung Quốc rằng liên minh các nền dân chủ trong khu vực có thể lựa chọn để phát triển một chương trình phòng vệ hạt nhân để ngăn chặn những phản kháng của Bắc Triều Tiên – một sự phát triển có thể gây ra mối đe dọa khủng khiếp cho cả kế hoạch chiến lược của Nga và Trung Quốc. Châu Á đã là một nơi nguy hiểm, với cả hai nước Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu tên lửa hạt nhân và thêm Iran có tiềm năng hạt nhân trong tương lai không xa. Liệu Moscow và Bắc Kinh có muốn thêm ba hoặc bốn cường quốc hạt nhân gần biên giới của họ?

Nguy cơ hiện tại không chỉ giới hạn ở một mình Bắc Triều Tiên. Iran, nước được thụ hưởng viện trợ hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng đang theo dõi ông Kim Jong-un có thể tiến bao xa. Teheran chắc chắn sẽ thực hiện những điều chỉnh chiến lược cần thiết nếu chế độ nhà Kim thành công trong việc làm rung chuyển thế giới phương Tây.

Hoa Kỳ và đồng minh đang tiến gần một cuộc thách thức sinh tồn, vì những nỗ lực bằng tiền chuộc cho Bình Nhưỡng hay xúi giục Bắc Kinh đã thất bại. Bây giờ chỉ còn cách phải đối đầu cứng rắn và cương quyết mới có thể ngăn chặn một cuộc chiến thảm khốc sau này.

Tác giả: Davis Hanson

Tân Bình (biên dịch)

Xem thêm: