Thỏa thuận ngầm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang nguội dần đi và ông Trump đang tỏ ra mất kiên nhẫn với Bắc Kinh vì thất bại trong việc kiểm soát tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Reuters, dẫn nguồn từ ba quan chức cao cấp giấu tên của chính phủ Hoa Kỳ, cho biết Tổng thống Donald Trump đang ngày càng thất vọng với Trung Quốc trong cả tình hình Bắc Triều Tiên và  vấn đề thương mại song phương Mỹ-Trung. Theo đó, ông Trump hiện đang cân nhắc các hành động thương mại cần thiết chống lại Bắc Kinh.

Dường như Tổng thống Trump đang hết kiên nhẫn với việc Trung Quốc chậm chạp trong giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên

Các quan chức nêu trên cho biết ông Trump đã mất kiên nhẫn với Trung Quốc và đang xem xét một loạt các lựa chọn, trong đó có việc đánh thuế nhập khẩu thép. Về vấn đề đánh thuế thép, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross đã từng nói rằng ông đang coi hành động đó là một phần của nghiên cứu an ninh quốc gia về ngành thép Mỹ.

Các nguồn tin cũng nhấn mạnh với Reuters rằng hiện tại vẫn chưa có bất kỳ sự thống nhất nào về các biện pháp thương mại với Trung Quốc và họ cũng không tiết lộ các lựa chọn khác mà chính quyền Trump đang xem xét. Một quan chức cao cấp có nói rằng ngay trong tuần này sẽ chưa có quyết định nào được đưa ra.

Các quan chức giấu tên nhận định rằng việc Tổng thống Trump đang xem xét sẽ đổi hướng chính sách với Trung Quốc chủ yếu do nước này đã thực thi không hiệu quả trong việc xử lý vấn đề hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.

Một vị quan chức giấu tên cho rằng về Bắc Triều Tiên, ông Trump “cảm thấy như ông đã cho Trung Quốc một cơ hội để tạo ra sự khác biệt” nhưng kết quả đạt được không đủ hiệu quả như kỳ vọng.

Hoa Kỳ đã nhiều lần gây sức ép với Trung Quốc để nước này áp dụng nhiều áp lực về kinh tế và ngoại giao lên chế độ Kim Jong-un nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa. Nhưng Bắc Kinh đã liên tục đáp lại rằng ảnh hưởng của họ đối với Bình Nhưỡng bị hạn chế và họ đang làm tất cả những gì có thể.

Vị quan chức giấu tên nêu trên cho rằng: “Trung Quốc mới làm một ít, không nhiều. Và nếu ông [Trump] không nhận được những gì ông cần, ông cần tiến đến kế hoạch lớn hơn về thương mại và về Bắc Triều Tiên”.

Ngoài ra, cái chết bí hiểm của cậu sinh viên 22 tuổi Otto Warmbier tuần trước cũng góp phần làm phức tạp thêm cách tiếp cận của Tổng thống Trump với vấn đề Bình Nhưỡng, khiến ông không thể đủ kiên nhẫn chứng kiến những hành động nhỏ giọt từ Bắc Kinh.

Trong khi các biện pháp thương mại vẫn đang ở chế độ xem xét, Hoa Kỳ đã có hành động cụ thể với Trung Quốc trong việc gây áp lực về ngoại giao. Hôm thứ Ba (27/6), Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một báo cáo ghi nhận Trung Quốc là một trong những nước có nạn buôn người tồi tệ nhất thế giới.

Ngoại trưởng Tillerson nói khi công bố báo cáo: “Trung Quốc bị hạ cấp xuống cấp độ 3 trong báo cáo năm nay bởi vì họ không thực hiện các hành động nghiêm túc để chấm dứt hành vi đồng loã với nạn buôn người, trong đó có cả các lao động cưỡng ép từ Bắc Hàn đang ở Trung Quốc”.

“Cấp độ 3”, mức độ vi phạm lớn nhất, điều này đồng nghĩa với việc chế độ Bắc Kinh sẽ đứng ngang hàng với Iran, Bắc Triều Tiên, Syria và một số quốc gia khác trong vấn nạn buôn người và lao động cưỡng bức.

Một diễn biến ngoại giao khác diễn ra trước thời điểm Bộ Ngoại giao Mỹ hạ cấp Trung Quốc về vấn nạn buôn người một ngày, có thể cũng là một động thái hướng tới Bắc Kinh khi Tổng thống Trump chào đón nồng nhiệt Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi tới thăm Nhà Trắng.

Trong buổi tiếp ông Modi, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng ông là một người bạn thực sự của Ấn Độ và cho biết mối quan hệ giữa hai nền dân chủ chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.

Ông Trump cũng đề cập tới việc Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ sớm tổ chức tập trận chung tại Ấn Độ Dương, một động thái được coi là nhắm vào Trung Quốc – đối thủ chính của Ấn Độ tại Châu Á.

Biển Đông cũng là điểm nóng mà khả năng sắp tới Mỹ cũng sẽ có tiếng nói cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis cũng vạch trần chế độ Bắc Kinh đang quân sự hóa các hòn đảo tại vùng biển chiến lược. Ông Mattis nói: “Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải quá mức. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi đơn phương, cưỡng ép đối với hiện trạng [ở biển Đông]”.

Yên Sơn

Xem thêm: