Khủng hoảng sắc tộc tại Myanmar kéo dài hơn 1 tháng qua tại bang Rakhine, giáp với Bangladesh đang có dấu hiệu leo thang ngày càng nghiêm trọng. Các tổ chức quốc tế cáo buộc an ninh Myanmar đã giết hàng ngàn người Rohingya và đẩy hàng trăm ngàn dân Hồi giáo thiểu số này trốn chạy sang Bangladesh.

Người Hồi giáo Rohingya đang chờ thuyền để trốn chạy sang Bangladesh

Quan chức cấp cao về nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) nói rằng việc chính quyền Myanmar đối xử với nhóm thiếu số Hồi giáo Rohingya giống như “một ví dụ kinh điển trong sách giáo khoa” về thanh lọc sắc tộc.

Trong một bài phát biểu trước Hội đồng nhân quyền LHQ tại Genenva, ông Zeid Ra’ad Al Hussein – Ủy viên cao cấp của Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền – đã tố cáo “hoạt động an ninh tàn bạo” chống lại người Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine “rõ ràng không tương xứng” nếu coi là hành động đáp trả đối với cuộc tấn công của quân nội dậy vào các trạm an ninh chính phủ Myamar diễn ra vào vào cuối tháng 8.

Tờ Theguardian cho hay khoảng hơn 310.000 người Rohingya đã phải trốn chạy sang nước láng giềng Bangladesh trong vài tuần gần đây. Trong đó, rất nhiều người vẫn đang bị kẹt lại ở khu vực biên giới, cùng với các thông tin về việc xảy ra tình trạng đốt nhà và giết người vô tội vạ.

Ông Zeid Ra’ad nói rằng: “Tôi kêu gọi chính phủ [Myanmar] hãy chấm dứt ngay hoạt động quân sự tàn bạo hiện nay và có trách nhiệm giải trình về tất cả các vi phạm đã xảy ra, thay đổi cách thức phân biệt đối xử nghiêm trọng và phổ biến rộng rãi đối với người Rohingya. Tình hình hiện tại không khác gì một vị dụ sách giao khoa về thanh lọc sắc tộc”.

Với áp lực của cộng đồng quốc tế, hôm thứ Hai (11/9), Bộ Ngoại giao Myamar, đứng đầu là lãnh đạo danh dự của đất nước, bà Aung San Suu Kyi, đã nói rằng chính quyền Myanmar chia sẻ mối quan ngại toàn cầu về việc “tất cả các cộng đồng” phải sơ tán và chịu tổn thất trong vụ bạo động mới nhất tại Rakhine.

Tuyên bố nêu trên không đề cập tới người Hồi giáo Rohingya, vốn từ lâu đã không được công nhận là một dân tộc trong đất nước Myanmar. Tuy nhiên, phát biểu của Bộ Ngoại giao có nhắc tới các cộng đồng dân tộc khác bị ảnh hưởng tại bang Rakhine, trong đó có các nhóm Hồi giáo khác ngoài Rohingya.

Bộ Ngoại giao Myanmar cũng nói thêm rằng lực lượng an ninh chính phủ đã được hướng dẫn “thực hiện hành động một cách thận trọng phù hợp và có đầy đủ các biện pháp để tránh gây tổn hại tới tài sản và tính mạng của thường dân vô tội”. Đồng thời, cơ quan này nhấn mạnh rằng những vi phạm về nhân quyền và các tội ác khác sẽ được giải quyết “phù hợp với các quy phạm pháp luật nghiêm khắc”.

Cuộc đàn áp nhóm thiểu số Hồi giáo của chính quyền Myanmar được kích hoạt từ ngày 25/8 sau khi một nhóm quân nổi dậy người Rohingya đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào hàng chục trạm an ninh chính phủ và giết chết 12 người.

Các nhóm dân quân, lực lượng an ninh địa phương và quân đội chính phủ Myanmar lập tức đáp trả bằng “các hoạt đồng thanh trừng” đẫm máu khiến hàng ngàn người Rohingya phải trốn chạy sang Bangladesh và hàng chục ngàn dân thường khác phải sơ tán sang các bang khác trong nội địa Myanmar.

Vào hôm Chủ Nhật (10/9), Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh AH Mahmood Ali đã cáo buộc chính phủ Myanmar đang tiến hành cuộc diệt chủng với người Rohingya. Các nhà phân tích quốc tế đánh giá rằng đây là phát ngôn mạnh mẽ nhất của Bangladesh với nước láng giếng Myanmar từ trước tới nay. Giới chức Dhaka đang tỏ ra cực kỳ lo lắng trước làn sóng người tị nạn Rohingya không ngừng tràn sang Bangladesh trong nhiều tuần gần đây.

Ông Ali nói với các nhà ngoại giao rằng theo các nguồn tin không chính thức mà ông có được, có khoảng 3.000 người Rohingya đã thiệt mạng kể từ khi xung đột leo thang tại Rakhine vào cuối tháng 8.

Trao đổi với các phóng viên tại Thủ đô Dhaka, Bộ trưởng Ali cho hay: “Cộng đồng quốc tế đang nói đó là một cuộc diệt chủng. Chúng tôi cũng nói đó là một cuộc diệt chủng”. Ông Ali nói rằng dòng người tị nạn trong một tháng qua đã nâng tổng số người Rohingya ở Bangladesh lên con số hơn 700.000 người. “Bây giờ đó đã là một vấn đề mang tính quốc gia”.

Ông Ali nói rằng khoảng 10.000 ngôi nhà đã bị đốt cháy tại Rakhine. Thực trạng này không thể được xác minh vì chính quyền Myanmar đã hạn chế các tổ chức độc lập tiếp cận khu vực Rakhine.

Tại Washington, chính phủ của Tổng thống Donald Trump sau một thời gian im lặng đã quyết định lên tiếng về cuộc khủng hoảng tại Myanmar vào hôm thứ Hai (11/9). Tuy nhiên, trong phát biểu của mình, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Sanders đã không đề cập trực tiếp tới người Hồi giáo Rohingya và dường như đổ lỗi cho cả hai bên đã gây ra tình trạng hỗn loạn hiện thời.

Bà Sanders nói: “Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar, khiến ít nhất 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa sau các cuộc tấn công vào các trạm an ninh của chính phủ Myanmar hôm 25/8. Chúng tôi nhắc lại sự lên án của chúng tôi về các cuộc tấn công này và các hành động bạo lực tiếp diễn sau đó”.

Trong khi đó, những người tị nạn tại Banglasdesh đã đưa ra cáo buộc về việc lực lượng an ninh Myanmar đã cố tình gây ra các vụ hỏa hoạn tại các ngôi làng của họ ở Rakhine. Tổ chức Giám sát Nhân quyền hôm Chủ Nhật (10/9) nói rằng các bức ảnh từ vệ tinh cho thấy có dấu hiệu về các vụ hỏa hoạn xảy ra tại các khu vực nông thôn và các ngôi làng biệt lập của người Rohingya.

Chính phủ Myanmar cho biết họ đang nhắm mục tiêu tấn công chủ yếu vào quân nổi dậy có vũ trang, trong đó có Quân đội Giải cứu Rohingya (ARSA) – nhóm đã lên tiếng chịu trách nhiệm các vụ tấn công hôm 25/8 và được cho là đang kiểm soát một số vùng nhỏ tại Rakhine.

Nhóm ARSA hôm Chủ Nhật (10/9) kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo” một tháng để giải quyết khủng hoảng người tị nạn. Tuy nhiên, giới chức Myanmar đã bác bỏ đề nghị này và khẳng định rằng họ không đàm phán với “những kẻ khủng bố”.

Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính có khoảng 313.000 người Rohingya đã tràn qua Bangladesh vào thứ Hai (11/9) và lưu ý thêm rằng dòng người di cư dường như đang chậm lại. Tuy nhiên, nhiều người mới đến đã di chuyển vào sâu bên trong nội địa Bangladesh và không thể tính đếm được.

Cộng đồng quốc tế vẫn đang theo sát diễn biến tại Myanmar và không ngoại trừ khả năng Hoa Kỳ sẽ đưa vấn đề này lên LHQ nếu chính quyền Myamar tiếp tục có những “hành động tàn bạo” với nhóm Hồi giáo Rohingya.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: