Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm (16/11) đã thông qua luật cải cách thuế, theo đó sẽ giảm đáng kể thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 20%. Đây là lần cải cách thuế lớn nhất của nước Mỹ kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan năm 1986, theo Reuters.

Embed from Getty Images

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (trái) tại phiên họp bỏ phiếu thông qua Luật thuế mới hôm 16/11.

Tòa Bạch Ốc cho biết Hạ viện đã thông qua luật cải cách thuế với tỉ lệ 227 phiếu thuận, 205 phiếu chống. Trong đó có 13 Dân biểu Cộng hòa phản đối dự luật này.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders phát biểu sau cuộc bỏ phiếu rằng: “Một luật thuế đơn giản, công bằng, cạnh tranh sẽ là nhiên liệu hỏa tiễn cho nền kinh tế của chúng ta, và nó đã nằm trong tầm với của chúng ta. Bây giờ là lúc [hiện thực hóa] luật này”.

Luật thuế cải cách này sẽ giảm các khung thuế áp dụng cho cá nhân và gia đình từ 7 xuống còn 4 và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 20%. Tuy nhiên theo một số chuyên gia ước đoán, khi được thực thi, luật này sẽ khiến cho thâm hụt ngân sách liên bang tăng lên ước tính gần 1,5 ngàn tỷ USD trong 10 năm.

Dự luật thuế mới này của Hạ viện cũng sẽ giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn một số khoản khấu trừ thuế phổ biến, trong đó có khoản thuế thu nhập của bang và địa phương, trong khi vẫn duy trì giảm trừ có giới hạn với các khoản thuế bất động sản. Việc cắt giảm hoặc xóa bỏ các khoản giảm trừ này là một cách để bù đắp thu ngân sách bị mất do cắt giảm thuế.

Reuters đánh giá luật cải cách thuế lần này không toàn diện như luật dưới thời Tổng thống Reagan năm 1986, nhưng lại có tham vọng hơn bất kỳ luật thuế nào trước đây khi giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp xuống chỉ còn 20%.

Các nghị sĩ Dân chủ phản đối mạnh mẽ dự luật thuế mới. Họ gọi đây là ‘phần thưởng’ cho người giàu và doanh nghiệp.

Phía Dân chủ lên án luật thuế mới sẽ gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang, đồng thời khiến hàng triệu người Mỹ có thể sẽ không còn được miễn thuế do việc xóa bỏ các khoản giảm trừ phổ biến.

Đây là một bộ luật đáng hổ thẹn, và những người Cộng hòa nên hiểu rõ hơn”, Reuters dẫn lời phát biểu của lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.

Trái với thái độ bi quan của phe Dân chủ, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ có phản ứng tích cực với việc Hạ viện thông qua luật thuế mới.

Các nhà đầu tư chúc mừng triển vọng cải cách thuế. Giá cổ phiếu Mỹ cũng đã tăng lên, trong khi đồng USD cũng đạt mức cao hơn so với các ngoại tệ chính trong phiên giao dịch hôm thứ Năm (16/11) sau khi có kết quả bỏ phiếu từ Hạ viện.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành công bước đầu của phe Cộng hòa. Dự luật thuế sẽ còn gặp nhiều trở ngại tại Thượng viện nơi đảng Cộng hòa chỉ chiếm đa số mong manh 52 – 48.

Bản dự luật cải cách thuế do các Thượng nghị sĩ soạn thảo thậm chí còn tham vọng hơn dự luật của Hạ viện khi có điều khoản bãi bỏ trợ cấp bảo hiểm y tế theo Đạo luật chăm sóc y tế ObamaCare.

Dự thảo này đã không nhận được sự đồng tình từ chính một số các Thượng nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có nghị sĩ Suan Collins – nhân vật đã góp phần làm thất bại nỗ lực xóa bỏ ObamaCare của Đảng Cộng hòa.

Ngoài ra, các nghị sĩ Ron Johnson, John McCain, Bob Corker và Lisa Murkowski cũng chưa có quyết định chính thức có ủng hộ dự luật cải cách thuế mới hay không.

Trong khi đó, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đưa ra cảnh báo các nghị sĩ Cộng hòa rằng với việc thâm hụt ngân sách gia tăng khi áp dụng luật thuế mới sẽ gây tổn hại cho các ưu tiên chi tiêu quan trọng khác như các khoản ngân sách dành cho quân sự.

Reuters cho hay Thượng viện sẽ chưa tiến hành bỏ phiếu thông qua luật cải cách thuế cho tới sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào tuần tới.

Sau khi Thượng viện thông qua phiên bản dự luật do họ soạn thảo, cả Hạ viện và Thượng viện sẽ có thêm bước cuối cùng là thống nhất thành một luật thuế mới, sau đó sẽ chuyển qua Tổng thống Donald Trump ký thông qua chính thức.

Trao đổi với Reuters về bước thống nhất hai phiên bản này, Dân biểu Cộng hòa Tom Cole nói rằng điều đó không phải là vấn đề lớn.

Đó không phải là vấn đề, giữa chúng tôi, không có điều gì mà không thể giải quyết”, Reuters dẫn lời nghị sĩ Tom Cole.

Yên Sơn

Xem thêm: