Hôm thứ Ba (21/11), Bắc Hàn đón nhận dồn dập các tin xấu từ Mỹ và Trung Quốc. Hoa Kỳ đã áp đặt các chế tài mới lên các công ty vận tải Bắc Hàn và các công ty Trung Quốc đang làm ăn với Bình Nhưỡng. Trong khi, hãng hàng không Air China thông báo đình chỉ các chuyến bay tới Bình Nhưỡng.

Embed from Getty Images

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai (20/11) đã thông báo xếp Bắc Hàn trở lại danh sách nhà nước tài trợ khủng bố.

Hãng tin AP cho hay Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm thứ Ba (21/11) đã thông báo các chế tài mới áp đặt lên Bắc Hàn theo sau việc chính phủ Trump vừa đưa chế độ Kim Jong-un trở lại danh sách nhà nước tài trợ khủng bố.

>>Mỹ liệt Bắc Hàn vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố

Trong tuyên bố về việc áp đặt chế tài mới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay: “Những chỉ định trừng phạt mới nhắm tới các công ty đã có giao thương và tích lũy cho Bắc Hàn hàng trăm triệu USD. Chúng tôi cũng trừng phạt các công ty vận tải và vận chuyển hàng hóa, cùng các tàu của họ, thời gian qua đã tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương trái phép của chế độ Bình Nhưỡng”.

Theo AP, các công ty Dandong Kehua Economy &Trade Co. Ltd; Dandong Xianghe Trading Co. Ltd; và Dandong Hongda Trade Co. Ltd có trụ sở tại Trung Quốc đã bị cáo buộc xuất khẩu hàng hóa tới Bắc Hàn trị giá 650 triệu USD và nhập khẩu từ Bình Nhưỡng hơn 100 USD từ năm 2013.

Bộ Tài chính Mỹ cũng chế tài Cục Hàng hải và Bộ Giao thông, cùng 6 công ty vận tải & thương mại của Bắc Hàn, và 20 tàu thuyền của doanh nghiệp này.

Trong các thực thể Bắc Hàn mới bị Mỹ chế tài bổ sung cũng có Tập đoàn Hợp tác Nam – Nam Triều Tiên (the Korea South-South Cooperation Corporation). Doanh nghiệp này được cho là đã đưa nhiều công nhân Bắc Hàn tới Trung Quốc, Nga, Campuchia và Ba Lan lao động để kiếm hàng trăm triệu USD mỗi năm cho chính quyền Kim Jong-un.

Một cá nhân có quốc tịch Trung Quốc, ông Sun Sidong cũng có trong danh sách chế tài mới nhất của Washington. Công ty Dandong Dongyuan Industrial Co., của ông Sun bị cáo buộc đã xuất khẩu tới Bắc Hàn hàng hóa trị giá khoảng 28 triệu USD.

Trung Quốc lập tức lên tiếng phản đối chế tài đơn phương mới nhất mà Hoa Kỳ áp đặt lên Bắc Hàn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C hôm thứ Ba (21/11) đã phát đi tuyên bố nói rằng: “Trung Quốc cực lực phản đối các chế tài đơn phương nằm ngoài khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là việc áp dụng cái gọi là ‘pháp quyền nối dài’ cho phép luật nội bộ nước này áp đặt lên nước khác”.

Trung Quốc phản đối áp đặt các chế tài đơn phương lên Bắc Hàn. Nhưng thực tế họ cũng không thể ngăn cản các công ty của chính nước mình dừng kinh doanh với chế độ Kim Jong-un.

Embed from Getty Images

Sau khi Air China dừng các chuyến bay tới Bình Nhưỡng, Bắc Hàn chỉ có thể kết nối với thế giới qua hãng Air Koryo

Hãng tin AP cho biết sau nhiều tháng đánh tiếng sẽ dừng bay tới Bắc Hàn, hôm thứ Ba (21/11), hãng hàng không quốc doanh Air China của Trung Quốc đã tuyên bố đình chỉ các chuyến bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng với lý do không có đủ hành khách.

Với việc Air China dừng bay, hiện tại chỉ còn duy nhất hãng Air Koryo của nhà nước Bắc Hàn phục vụ các chuyến bay giúp chế độ Bình Nhưỡng kết nối với quốc tế và ngược lại. Trên website của Air Koryo có thông tin về các chuyến bay nối Bình Nhưỡng với Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Dương, Đan Đông của Trung Quốc và Vladivostok của Nga.

Một nhân viên của Air China giấu tên nói với hãng tin AP rằng các chuyến bay “đã bị đình chỉ tạm thời vì các hoạt động kinh doanh không đạt yêu cầu”.

Nhân viên của Air China nói thêm với AP rằng chuyến bay cuối cùng của Air China tới Bình Nhưỡng là vào thứ Hai (20/11) và anh này cho biết anh cũng không rõ khi nào dịch vụ bay sẽ được cung cấp trở lại.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay họ chưa nghe bất kỳ thông tin chính thức nào từ Air China về việc đình chỉ các chuyến bay thương mại tới Bắc Hàn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng ông chưa nghe thấy thông tin về việc Air China hủy dịch vụ bay tới Bắc Hàn. Ông Lục nói thêm rằng những quyết định như vậy các doanh nghiệp chủ động đưa ra căn cứ theo “thực trạng hoạt động kinh doanh và thị trường”.

Ông Lục cũng kêu gọi các bên liên quan cần hành động để giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Với tình hình phức tạp và nhạy cảm trên bán đảo Triều Tiên, chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan có thể làm điều gì đó phù hợp để giảm bớt căng thẳng và có thể kéo tất cả các bên liên quan quay lại đàm phán và đối thoại để giải quyết [hòa bình] vấn đề hạt nhân”, AP dẫn lời ông Lục.

Trong khi đó, đề cập tới các chế tài mới của Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson hôm thứ Hai (20/11) đã cảnh báo lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un rằng: “Điều này [các chế tài] sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu ông không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán”.

Phía Bình Nhưỡng vẫn phản ứng bằng những lời lẽ kích động. Trong bài xã luận đăng hôm thứ Ba (21/11), tờ nhật báo Rodong Sinmun đã gọi ông Trump là “tên tội phạm tàn ác”, đồng thời đe dọa sẽ đưa ra “hình phạt tàn nhẫn” với cá nhân Tổng thống và đất nước Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Bắc Triều Tiên không đề cập tới việc Mỹ vừa tái liệt Bắc Hàn vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố và áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt.

Xuân Thành

Xem thêm: