Thứ Ba 21/11,  Robert Mugabe, nhà độc tài cầm quyền lâu dài nhất thế giới đã đồng ý từ chức ở tuổi 93. Người dân Zimbabwe tràn ra đường ăn mừng với hy vọng đây là sự kiện sẽ đánh dấu bước chuyển mình cho đất nước nhiều tiềm năng nhưng lại chịu số phận đầy đau khổ.

Embed from Getty Images

Ông Robert Mugabe (trái) năm 1979 là lãnh đạo của mặt trận yêu nước tham gia Hội nghị Hiến pháp về tương lai của Zimbabwe-Rhodesia tại Lancaster House, London, Vương Quốc Anh.

Nổi tiếng với ngành nông nghiệp phát triển hiện đại với những đồn điền màu mỡ, vùng Rhodesia – tên của Zimbabwe trước năm 1980 – dường như đã lựa chọn một định mệnh sai lầm khi bầu Robert Mugabe – thủ lĩnh của đảng ZANU-PF và lực lượng dân quân du kích theo chủ nghĩa xã hội làm thủ tướng.

Trước năm 1965, thuộc địa Rhdesia có nền kinh tế tương đối phát triển do làn sóng di cư da trắng, phần lớn là người lao động có tay nghề cao từ châu Âu sang. Từ năm 1945 đến 1970, khoảng 200.000 người da trắng đã tới thuộc địa này, nâng tổng số người da trắng lên 307.000 người. Họ thiết lập được một nền kinh tế tương đối cân bằng, biến Rhodesia trở thành một lãnh thổ vốn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp lạc hậu sang một nền công nghiệp phát triển, trong đó đặc biệt là ngành sản xuất sắt thép, khai thác khoáng sản hiện đại. Các thành công kinh tế này phụ thuộc rất ít vào trợ cấp từ mẫu quốc, và chính vì lý do đó chính quyền Rhodesia muốn độc lập khỏi Anh Quốc.

Năm 1965, chính phủ Rhodesia tuyên bố độc lập khỏi Vương Quốc Anh. Nền độc lập này không được các quốc gia phương Tây công nhận. Anh quốc và các đồng minh áp đặt nhiều lệnh cấm vận lên quốc gia non trẻ này và yêu cầu khu vực này phải bầu cử tự do, tức là cho cả người da đen đi bầu thì mới được công nhận. Trong thời gian này, làn sóng xã hội chủ nghĩa Mác-xít lan sang Châu Phi và Robert Mugabe nổi lên như một ngôi sao sáng. Mugabe sinh ra trong một gia đình da đen nghèo, đông con, bằng nỗ lực tự học ông ta có được nhiều bằng cấp từ các trường đại học Anh Quốc. Trong các buổi vận động, ông nói về sự công bằng, về xã hội chủ nghĩa và một Châu Phi độc lập dành cho người da đen.

Sau các biến cố bị cầm tù và lưu vong ra nước ngoài, Mugabe lãnh đạo lực lượng du kích của Đảng ZANU-PF thực hiện các cuộc tấn công chống lại chính phủ Rhodesia của Ian Smith. Cuộc chiến kết thúc với thỏa thuận cho phép bầu cử đa số đầu phiếu. Mugabe trở thành anh hùng giải phóng người da đen. Nhiều người so sánh ông ta với Nelson Madela của Nam Phi.

Năm 1979, quốc gia Rhodesia tổ chức cuộc bầu cử tự do và Mugabe dễ dàng chiến thắng đối thủ người da trắng – cựu Thủ tướng da trắng Ian Smith. Mugabe lên làm thủ tướng. Quốc gia Rhodesia đổi tên thành Zimbabwe trong làn sóng dân tộc chủ nghĩa, “Châu Phi hóa”.

Embed from Getty Images

Tổng thống Mugabe thăm Cuba và tiếp kiến Chủ tịch Fidel Castro tại Havana vào tháng 6/1992

Năm 1987, Mugabe sửa đổi hiến pháp và trở thành Tổng thống Cộng hòa Zimbabwe, bắt đầu theo đuổi các chính sách xã hội chủ nghĩa. Chính phủ Mugabe mạnh tay chi tiêu cho các công trình công, ra lệnh cấm sa thải nhân công và chèn ép doanh nghiệp tư nhân vì mục tiêu duy trì quyền lực độc đảng. Người da trắng bắt đầu rời bỏ quốc gia mới thành lập này.

Tuy nhiên vì giành độc lập muộn và sau khi chứng kiến các sai lầm của các nhà nước cộng sản ở Liên Xô và Trung Quốc, ông Mugabe mời ở lại 200 nghìn điền chủ da trắng, trì hoãn chính sách “Cải cách Ruộng đất” để đảm bảo ổn định cho nền nông nghiệp. Ian Smith, cựu Thủ tướng da trắng cũng ở lại Zimbabwe và tiếp tục sống trong trang trại của mình.

Nhưng tới năm 2000, trước nguy cơ thất cử, ông Mugabe tiến hành cuộc cải cách rộng đất mà sau đã dìm Zimbabwe trong thảm họa và đói nghèo. Chính phủ dùng vũ lực tước đoạt các nông trang hiện đại, phì nhiêu của người da trắng để bán rẻ hoặc chia lại cho những người da đen ủng hộ Mugabe. Những người không chịu bán rẻ lại ruộng đất, gia sản cho chính phủ thì bị các nhóm dân quân hoặc côn đồ đến cướp phá. Một số người gốc Âu bị giết chết.

Embed from Getty Images

Tuy nhiên do những nông phu da đen không nắm được kỹ thuật cũng như kinh nghiệm canh tác, chỉ trong vài năm, từ nước xuất khẩu lúa, thuốc lá, trái cây, Zimbabwe đã xảy ra nạn đói.

Theo World Bank, GDP của Zimbabwe sụt từ 6,75 tỷ USD năm 2001 xuống 4,4 tỷ năm 2008.

Cùng lúc đó, việc tham gia cuộc chiến tranh Congo không cần thiết đã khiến Zimbabwe ngày càng kiệt quệ. Không có biên giới chung với Congo, Zimbabwe hoàn toàn có thể đứng ngoài cuộc chiến giữa Congo, Rwanda, Uganda và Angola. Nhưng ông Mugabe đã gửi quân sang Congo để “thoả mãn tham vọng là lãnh tụ châu Phi”, và với quân đội Zimbabwe, chiến tranh là cơ hội kiếm chác. Các tướng tá và lãnh đạo Zimbabwe đã bỏ túi nhiều nhưng chi phí chiến tranh thì để ngân sách quốc gia gánh chịu. Trong những cuộc bầu cử tiếp theo, những người chỉ trích nói rằng Mugabe đã gian lận bầu cử và mua chuộc để tiếp tục tại vị.

>>Zimbabwe, Venezuela: Sự lặp lại của những thử nghiệm thất bại

Với tuyên bố: “Một quốc gia không thể bị phá sản“, ông Mugabe dùng các biện pháp hành chính phản kinh tế học để cứu vãn cuộc khủng hoảng: in tiền trả nợ, tuyên bố lạm phát là “trái pháp luật“, cấm tăng giá, bắt nhốt các nhà buôn tăng giá hàng hóa, và đặt việc dùng tiền đô la Mỹ, và đồng euro ra ngoài vòng pháp luật. Điều này chỉ khiến hơn 30% trao đổi kinh tế Zimbabwe diễn ra “ngoài luồng”, và buôn lậu tăng mạnh.

Hậu quả là nền kinh tế Zimbabwe trở nên thê thảm: lạm phát phi mã rồi siêu lạm phát, từ 59% năm 2000 lên 80 tỷ phần trăm vào cuối năm 2008.

Vào năm 2016, Zimbabwe là nước có tuổi thọ thấp nhất thế giới và có tỷ lệ dân số nhiễm HIV cao vào loại nhất thế giới: 14% dân số ở độ tuổi 15-49.

Nền kinh tế từng giàu có với những lao động da đen đủ ăn đủ mặc, dù thu nhập chỉ bằng 1/10 người da trắng, dường như đã đạt được một mục tiêu của xã hội chủ nghĩa: chia đều sự nghèo đói.

Embed from Getty Images

Người dân Zimbabwe hân hoan với thông tin Tổng thống 93 tuổi Mugabe đã đồng ý từ chức

Hôm nay, những hy vọng nguội lạnh sau mấy chục năm cầm quyền của Mugabe lại bùng lên trên gương mặt của những người dân của xứ Rhodesia xưa kia. Hơn ai hết, người Zimbabwe hiểu rằng có nhiều tiềm năng phát triển: giàu tài nguyên, đất đai màu mỡ, dân số nói tiếng Anh và tỷ lệ biết đọc cao.

Điều họ cần là một dũng cảm để lựa chọn lại, dù đầy chông gai và khó khăn, để thoát khỏi cái bóng ma thế kỷ đã kéo lùi dân tộc trong hàng chục năm qua.

Trọng Đức

Xem thêm: