Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-53), Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã ca ngợi mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên “như môi với răng, môi hở thì rặng lạnh”. Sáu thập kỷ đã trôi qua, liệu quan hệ Trung – Triều còn thực sự thân thiết như những gì ông Mao đã hình dung?

Cây cầu hữu nghị Trung – Triều nối thành phố Đan Đông (Trung Quốc) sang Bắc Hàn qua sông Áp Lục. 

Bắc Hàn chủ động xa lánh Trung Quốc?

Khi ông Kim Jong-un tiếp quản vai trò lãnh đạo tối cao đất nước Bắc Triều Tiên từ cha mình vào cuối năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào đã bày tỏ ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ từ bên ngoài cho dù ông Kim chưa được kiểm chứng về cách hành xử với Bắc Kinh. Điều này khiến ngoại giới thời điểm đó dự đoán rằng mối quan hệ “hợp tác thân thiện truyền thống” Trung – Triều sẽ ngày càng được tăng cường.

Tuy nhiên, hai năm sau khi cầm quyền, ông Kim Jong-un đã ra lệnh xử tử người chú rể Jang Song Thaek – nhân vật giữ vai trò đối thoại chính giữa Bắc Hàn với Trung Quốc và cũng là một quan chức có tư duy cải cách trong nhà nước ẩn dật Đông Bắc Á này.

Từ sau biến cố chính trị đó, mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh xấu đi thấy rõ. Thậm chí một số nhà ngoại giao và các chuyên gia thông thạo tình hình Triều Tiên lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ giống như Hoa Kỳ sẽ trở thành mục tiêu công kích của chế độ Kim Jong-un.

Mặc dù Hoa Kỳ cùng các đồng minh và cũng có nhiều chuyên gia tại Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh nên hành động nhiều hơn để kiềm chế Bình Nhưỡng, nhưng thực thế sự tiến bộ nhanh chóng về khả năng hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn lại trùng hợp với việc sụp đổ gần như toàn diện về quan hệ ngoại giao cấp cao Trung – Triều.

Tờ Reuters cho biết, ông Wu Dawei, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc và từng giữ vai trò đại diện đặc biệt tại Vụ các vấn đề Triều Tiên của Bộ Ngoại giao, nhiều năm qua đã không trở lại thăm Bình Nhưỡng. Người kế nhiệm của ông Wu, ông Kong Xuanyou cũng chưa từng tới Bắc Triều Tiên và vẫn đang thực hiện nhiệm vụ từ trước của mình liên quan đến khu vực Nam Á và đã tới Pakistan từ giữa tháng 8.

Ông Jin Canrong, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh nhận định về quan niệm cho rằng đất nước Trung Quốc hùng mạnh nắm quyền kiểm soát ngoại giao đối với nước Bắc Triều Tiên nghèo nàn thực sự là sai lầm.

Chưa bao giờ tồn tại mối quan hệ phụ thuộc giữa hai bên. Đặc biệt sau khi kết thúc thời kỳ Chiến tranh lạnh, người dân Bắc Triều Tiên rơi vào tình cảnh khó khăn và không nhận được đủ sự giúp đỡ của Trung Quốc, do đó họ đã tự xác định cần phải tự giúp mình”.

Nạn đói trầm trọng xảy ra tại Bắc Triều Tiên vào giữa những năm 1990, ảnh hưởng tới 200.000 đến 3 triệu người dân, là một bước ngoặt cho nền kinh tế Bắc Hàn. Chính quyền Bình Nhưỡng buộc phải cho phép phát triển kinh tế tư nhân bên trong nước cộng sản chuyên chế theo mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Kinh tế tư nhân đã cho phép Bắc Triều Tiên có được một mức độ tự chủ kinh tế nhất định thay vì phụ thuộc lớn vào viện trợ nước ngoài và giới lãnh đạo cũng gia tăng niềm tin vào lý thuyết “Juche” về tự lực, tự cường.

Trung Quốc không muốn Bắc Hàn hỗn loạn

Trung Quốc đã từng sát cánh cùng với Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Người con trai cả của lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông cũng đã hy sinh trong cuộc chiến này. Kể từ đó, Bắc Kinh luôn là đồng minh chính yếu và là đối tác thương mại hàng đầu của Bình Nhưỡng.

Mặc dù mối quan hệ Trung – Triều luôn bị phủ bóng bởi những nghi kỵ và thiếu niềm tin lẫn nhau, nhưng Trung Quốc vẫn miễn cưỡng chấp nhận các khiêu khích của Bắc Hàn là bởi vì: Nếu chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ sẽ gây ra sự hỗn loạn ở vùng biên giới và khi đó bán đảo Triều Tiên sẽ nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Hàn Quốc do Mỹ hậu thuẫn.

Đó cũng là lý do Trung Quốc không sẵn sàng gây sức ép đáng kể về mặt kinh tế lên Bắc Hàn. Bắc Kinh lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ như lệnh cấm vận năng lượng mà Washington đề xuất có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Kim Jong-un.

Thay vì thực sự hành động mạnh tay hơn, Trung Quôc luôn lặp lại thông điệp kêu gọi các bên giữ bình tĩnh, kiềm chế và luôn ưu tiên giải pháp đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trung Quốc cũng nhiều lần tuyên bố phản đối cái gọi là “lý thuyết trách nhiệm Trung Quốc” trong vấn đề Triều Tiên. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng các bên liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột này như  Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Hoa Kỳ mới chính là những nước giữ chìa khóa giải quyết căng thẳng.

Lạnh nhạt từ thượng tầng

Cho đến trước khi qua đời vào năm 2011, cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il đã nhiều lần khẩn cầu chính quyền Trung Quốc cam kết ủng hộ con trai ông làm người kế nhiệm vị trí lãnh đạo tối cao của chế độ Bình Nhưỡng.

Trên thực thế, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cảm Đào đã đáp lại lời ủy thác của ông Kim Jong-Il, nhưng chính vị lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un lại chủ động giữ khoảng cách với đồng minh mạnh mẽ nhất của đất nước mình.

Chuyên gia John Delury của Đại học Yonsei ở Seoul cho biết: “Khi đó ở Bắc Triều Tiên có nhiều chính trị gia chưa tin tưởng vào ông Kim Jong-un, một người còn quá trẻ, không nổi tiếng và chưa chứng minh được năng lực. Ông Kim còn phải thể hiện mình không phải là quân bài trong tay Bắc Kinh. Tôi nghĩ ông ta đã đưa ra quyết định đầu tiên [để chứng thực khả năng] là giữ khoảng cách với ông Hồ Cầm Đào và sau này là Chủ tịch Tập Cận Bình”.

Chỉ vài tháng sau khi chính thức cầm quyền, ông Kim Jong-un đưa ra những tín hiệu về khát vọng tự lực, tự cường bằng cách sửa đổi hiến pháp để tuyên bố Bắc Hàn là một quốc gia hạt nhân. Việc cho xử tử ông Jang Song Thaek là chỉ dấu rõ ràng cho thấy ông Kim đã không còn tin tưởng vào Bắc Kinh.

Một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh chuyên nghiên cứu vấn đề Bắc Hàn trao đổi với Reuters rằng: “Tất nhiên chính quyền Trung Quốc không hài lòng. Việc ám sát chú của mình, đó là hình thức của thời quân chủ”.

Từ khi ông Tập Cận Bình đứng đầu Trung Nam Hải cũng chưa một lần gặp mặt trực tiếp hay điện đàm với người đồng cấp Bắc Triều Tiên. Trong các dịp kỷ niệm trọng đại của Bình Nhưỡng, cũng vắng bóng các quan chức cấp cao Trung Quốc.

Ông Lưu Vân Sơn và ông Kim Jong-un trên khán đài quảng trường Kim Nhật Thành hồi tháng 10/2015.

Lần duy nhất từ năm 2012, Trung Quốc cử quan chức cấp cao sang dự lễ kỷ niệm của Bắc Triều Tiên là vào tháng 10/2015, nhân kỷ niệm 70 ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Ông Lưu Vân Sơn – Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc khi đó đã có mặt trên khán đài danh dự cùng ông Kim Jong-un chứng kiến lễ diễu hành tại quảng trường Kim Nhật Thành.

Tuy nhiên, ngoại giới đánh giá rằng ông Lưu Vân Sơn vốn thuộc phe cánh của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, không đại diện cho chủ kiến ngoại giao của ông Tập Cận Bình.

Có nguồn tin cho rằng ông Lưu khi đó đã gửi tới ông Kim Jong-un bức thư chào mừng và những lời chúc tốt đẹp của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng, sau sự kiện đó quan hệ Trung – Triều chỉ càng ngày càng xấu đi khi Bắc Hàn liên tiếp thử tên lửa, trong khi Trung Quốc ủng hộ quốc tế ban hành các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng theo cấp độ khắc nghiệt tăng dần.

Đỉnh điểm cho thấy ông Kim Jong-un không hề coi trọng mối quan hệ với cá nhân ông Tập Cận Bình và Trung Quốc là việc Bình Nhưỡng cho thử hạt nhân lần thứ 6 ngay thời điểm lãnh đạo tối cao Trung Quốc đang chủ trì Hội nghị BRICS tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Trước đó, vào tháng 5, Bắc Hàn cũng cho phóng tên lửa đạn đạo tầm xa chỉ vài giờ trước khi diễn ra Diễn đàn Vành đai & Con đường – sáng kiến ngoại giao kinh tế trọng yếu của ông Tập Cận Bình.

Vẫn phải bảo vệ “vùng đệm”

Ông Mao Trạch Đông từng miêu tả mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên gần gũi như “môi và răng”, “môi hở, răng lạnh”. Thực tế, ông Mao muốn nhấn mạnh tầm quan trong chiến lược của Bắc Hàn khi nước này đóng vai trò là vùng đệm an ninh địa chính trị của Trung Quốc trước lực lựng của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc.

Đây là thực tế mà Trung Quốc vẫn duy trì trong hơn 6 thập kỷ qua và trong bất kỳ hoàn cảnh nào chế độ Bắc Kinh cũng không muốn vùng đệm của mình rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Cho dù rất bất mãn với những hành động khiêu khích liên tiếp và có cấp độ tăng dần của Bình Nhưỡng nhưng Bắc Kinh vẫn kiên định mục tiêu không để chế độ Kim Jong-un sụp đổ.

Chính quyền Trung Quốc không lên tiếng nhiều trong vụ ông Kim Jong-un ám sát ông Kim Jong-nam hồi tháng 2/2017 tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia. Người anh cùng cha khác mẹ này chính là đối thủ tranh đoạt quyền lực tiềm tàng đối với ông Kim Jong-un. Ông Jong-nam đã có nhiều năm sống lưu vong tại Trung Quốc đại lục và sau đó là đảo Macau và được cho là có sự bảo hộ của chính quyền Bắc Kinh.

Bắc Kinh không muốn bóp nghẹt kinh tế Bắc Hàn, điều có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Kim Jong-un. 

Sau khi Bắc Hàn thử hạt nhân lần thứ 6, Tờ Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, đã đăng bài xã luận cảnh báo rằng việc cắt đứt nguồn cung dầu mỏ sang Bình Nhưỡng sẽ chuyển mâu thuẫn trực diện sang Bắc Hàn với Trung Quốc.

Ông Zhao Tong, chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, đã nói rằng Bắc Hàn cực kỳ không hài lòng với việc Trung Quốc ủng hộ các nghị quyết trừng phạt gần đây của Liên Hợp Quốc.

Ông Zhou cho rằng: “Nếu Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa, sẽ đe dọa trực tiếp tới sự ổn định của chế độ Kim Jong-un. Từ đó, Bắc Kinh có thể sẽ trở thành đối tượng thù địch của Bình Nhưỡng, giống như Washington hiện tại”.

Theo Reuters

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: