Các báo cáo gần đây của các tổ chức nhân quyền quốc tế cho hay nhà độc tài tàn bạo Kim Jong-un đang gửi hàng nghìn công dân Bắc Triều Tiên tới Nga làm việc trong điều kiện như nô lệ. Sau đó, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ tước đoạt phần lớn số tiền mà những lao động này đã phải rất vất vả mới kiếm được.

Tờ Fox News (Mỹ) dẫn nguồn từ một số nhóm nhân quyền cho biết lao động Bắc Triều Tiên tại Nga đang bị đối xử không khác gì nô lệ. Họ phải chịu tất cả mọi thứ từ các hành động hung ác, bạo lực tới việc bị quản lý tham nhũng bóc lột tàn bạo, sau đó lại bị ép buộc phải chuyển hầu hết các khoản tiền lương về cho chính quyền Bắc Triều Tiên.

Lao động Bắc Triều Tiên tham gia xây dựng một sân vận động bóng đá ở St. Petersburg, Nga
Lao động Bắc Triều Tiên tham gia xây dựng một sân vận động bóng đá ở St. Petersburg, Nga

Đầu năm nay, Trung tâm Cơ sở Dữ liệu về Nhân quyền Bắc Triều Tiên có trụ sở tại Seoul đã phát hành một báo cáo ước tính rằng có khoảng 50.000 lao động Bắc Hàn đang làm các công việc lương thấp tại Nga. Hàng năm, những công nhân này đã gửi về Bình Nhưỡng ít nhất 120 triệu USD.

Ông Scott Synder, giám đốc Chương trình về Chính sách Mỹ – Triều tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ  trao đổi với Fox News rằng: “Chính phủ Bắc Hàn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ về thu nhập của các công nhân nước họ, trong một số trường hợp nhà nước có thể lấy đi tới 90% tiền lương của công nhân. Đây là một vấn đề đã diễn ra dưới chế độ nhà Kim trong một thời gian dài”.

Các lệnh trừng phạt quốc tế kéo dài đã làm tê liệt nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Đất nước này cũng chỉ sản xuất được rất ít hàng hóa phù hợp cho xuất khẩu. Chính quyền Kim Jong-un lại cần rất nhiều tiền để nuôi tham vọng hạt nhân và tên lửa, do đó, họ đã tìm mọi cách có thể để thu về càng nhiều ngoại tệ càng tốt.

Những công nhân Bắc Hàn đã làm việc trong công trường xây dựng sân vận động bóng đá mới tại thành phố St. Petersburg, Nga chuẩn bị cho kỳ World Cup 2018 tại Nga. Họ cũng tham gia cùng xây dựng khu phức hợp căn hộ cao cấp tại thủ đô Moscow.

Theo Fox News, các công nhân Bắc Triều Tiên phải lao động trong điều kiện khắc nghiệt khủng khiếp. Một người Bắc Triều Tiên làm việc cho dự án sân vận động bóng đá đã bị chết. Vào tháng 6 vừa qua, hai người lao động khác cũng bị phát hiện đã tử vong tại một nhà trọ tồi tàn gần công trường xây dựng căn hộ tại Moscow.

Trong nhiều năm, người lao động Bắc Hàn đã làm việc tại các trại khai thác gỗ ở các vùng hẻo lánh tại Nga. Những khu này vận hành giống với hệ thống các trại lao động cưỡng bức (Gulag) được Liên xô (cũ) lập ra từ năm 1930 đến 1955, nơi rất nhiều người đã phải bỏ mạng vì làm việc khổ sai.

Trong số các công nhân Bắc Hàn đang bị bóc lột tại Nga, có khá nhiều người là thợ sơn làm việc tại cảng Vladivostok, bên bờ Thái Bình Dương. Tuy vậy, các nhà quan sát nhân quyền đánh giá lao động ở Vladivostok vẫn còn dễ thở hơn rất nhiều so với công nhân làm việc ở các trại khai thác gỗ.

Ông chủ của một công ty trang trí tại Vladivostok gần đây nói với tờ New York Times (Mỹ) rằng những người giám hộ đến từ Đảng Lao động Bắc Triều Tiên sẽ tịch thu phân nửa hoặc nhiều hơn khoản lương hàng tháng của người lao động Bắc Triều Tiên. Ông cũng nói thêm rằng một viên cai thầu của một nhóm công nhân sẽ lấy thêm của người lao động khoảng 20% lương.

Cũng theo nguồn tin trên cho biết việc tham nhũng tiền lương của công nhân đã tăng nhanh trong 10 năm qua khi lương hàng tháng của người lao động được tăng từ 283 USD lên khoảng 841 USD.

Một ông chủ người Nga giấu tên nói với tờ Times: “Họ [lao động Bắc Triều Tiên] không đi nghỉ mát. Họ chỉ biết đến ăn, làm việc và ngủ, ngoài ra không còn gì khác. Và họ cũng không ngủ nhiều. Về cơ bản họ không khác gì tình cảnh của những người nô lệ”.

Ông chủ này tiết lộ rằng ông không dám nêu tên thật của mình lên mặt báo vì sợ rằng những người lao động Bắc Hàn sẽ bị các quan chức Đảng Lao động bắt phạt.

Với hoàn cảnh lao động cực khổ là vậy, nhưng do tình hình kinh tế và chính trị tàn khốc ở trong nước, nên rất nhiều người lao động Bắc Triều Tiên thậm chí sẵn sàng hối lộ tiền cho các quan chức chính quyền để được gửi sang Nga.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháng trước có phát hành một báo cáo về vấn nạn buôn người trên thế giới, trong đó cũng có kết luận rằng lao động Bắc Hàn tại Nga đã phải chịu “các điều kiện lao động bóc lột đặc trưng của hoạt động buôn bán người như từ chối trả lại giấy tờ tùy thân, không trả tiền cho các công việc có thù lao, lạm dụng thể chất, thiếu các biện pháp bảo hộ an toàn lao động, hoặc phải sống trong điều kiện cực kỳ nghèo khó“.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới nhằm giải quyết vấn đề này.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nói với Fox News: “Ngoại trưởng Tillerson đã kêu gọi tất cả các nước phải thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cắt đứt hoặc giảm tối đa quan hệ ngoại giao và cô lập tài chính Bắc Triều Tiên, đồng thời đề xuất thông qua các biện pháp chế tài mới, cắt đứt quan hệ thương mại, trục xuất người lao động đến từ Bắc Hàn và cấm nhập khẩu hàng hóa của chế độ Bình Nhưỡng”. 

Một lý do để phải đưa ra các nghị quyết trừng phát trên bình diện quốc tế như vậy là vì lao động Bắc Triều Tiên còn làm việc ở nhiều nước khác, không chỉ riêng ở Nga. Trung Quốc cũng sử dụng một số lượng lớn nhân công đến từ chế độ nhà Kim, và tại Qatar hiện đang có rất nhiều lao động Bắc Triều Tiên tham gia xây dựng các sân vận động phục vụ cho World Cup 2022.

Xuân Thành

Xem thêm: