Hôm thứ Tư (26/7), chính phủ Trump đã phát đi thông báo áp đặt trừng phạt lên 13 quan chức cấp cao Venezuela, trong thời điểm phe đối lập đang tổ chức 2 ngày đình công phản đối chính phủ của đảng Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) cầm quyền. Điều này càng gia tăng áp lực mạnh mẽ ép Tổng thống Nicolas Maduro phải hủy bỏ kế hoạch thành lập quốc hội mới.

Reuters, dẫn nguồn từ các quan chức chính phủ Hoa Kỳ, cho biết các quan chức của Venezuela có trong danh sách trừng phạt lần này bao gồm các sĩ quan cấp cao của quân đội và cảnh sát và cả Phó Chủ tịch của công ty dầu khí nhà nước Petróleos de Venezuela S.A (PDVSA). Những vị lãnh đạo cấp cao này bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng và lạm quyền.

Người biểu tình ném bom xăng tự chế vào cảnh sát chính phủ Venezuela ở Thủ đô Caracas hôm 26/7

Các quan chức Mỹ trao đổi với Reuters rằng các biện pháp trừng phạt riêng rẽ cá nhân lần này của chính phủ Trump là nhằm chỉ ra cho Tổng thống Maduro thấy rằng Washington hoàn toàn có thể thực hiện lời cảnh báo về “các hành động kinh tế mạnh mẽ và nhanh chóng” nếu ông ta tiếp tục xúc tiến cuộc bầu cử vào Chủ Nhật (30/7) với tham vọng thành lập Hội đồng Lập hiến để viết lại Hiến pháp – động thái mà giới phê bình quốc tế đánh giá sẽ củng cố thêm chế độ độc tài tại Venezuela.

>>98% cử tri Venezuela phản đối chính sách của Maduro

Reuters cho hay các chế tài áp dụng với 13 quan chức Venezuela lần này bao gồm đóng băng tài sản ở Mỹ, cấm di trú tới Mỹ và cấm công dân Mỹ làm ăn với các đối tượng này.

Những biện pháp trừng phạt nêu trên cũng tương tự như những gì chính phủ Mỹ đã áp đặt lên Chánh án Tòa án Tối cao Venezuela và 7 thẩm phán từ hồi tháng 5 để phản ứng lại việc Tòa này hồi đầu năm đã ra phán quyết bãi bỏ quyền lực của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Vào tháng Hai, Hoa Kỳ cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt riêng rẽ với cá nhân Phó Tổng thống Venezuela, ông Tareck El Aissami do ông này có liên quan đến hành vi buôn bán ma túy. Tài sản ở Hoa Kỳ và các nơi khác gắn liền với ông El Aissami đang bị phong tỏa hiện nay tổng cộng đã lên tới hàng trăm triệu USD.

Trong khi đó, trong nội bộ Venezuela căng thẳng giữa người biểu tình và chính quyền Maduro vẫn tiếp tục leo thang. Theo nguồn tin từ chính quyền, các cuộc đụng độ đã nổ ra ở nhiều khu vực trên khắp đất nước và một người đàn ông 30 tuổi đã bị thiệt mạng trong khi tham gia biểu tình tại bang Merida.

Nghị sĩ Lawrence Castro trao đổi với Reuters rằng người đàn ông này đã bị quân đội chính phủ bắn chết trong một cuộc đụng độ với người biểu tình.

Nhóm nhân quyền địa phương Penal Forum thông tin rằng đã có 50 người biểu tình bị bắt, trong khi các nghị sĩ đối lập cho biết ít nhất có 4 người biểu tình đã bị bắn.

Phe đối lập đang thực hiện chiến dịch đình công 48 giờ trong hai ngày 26 và 27/7. Những nơi người dân hưởng ứng cuộc đình công, đường phố đã bị chặn, các hàng rào tạm thời được dựng lên và các cửa hàng đóng cửa.

Ông Cletsi Xavier, 45 tuổi trao đổi với các phóng viên trong khi vẫn đang dùng dây thừng và các tấm sắt để chặn lối vào một đại lộ ở phía đông Thủ đô Caracas: “Đây là cách duy nhất để biểu thị chúng tôi không ủng hộ Maduro. Họ [chính quyền] chỉ là thiểu số, nhưng họ lại có vũ khí và tiền”.

Phe đối lập ước tính có khoảng 92% thương nhân và người lao động tham gia vào cuộc đình công này, nhưng họ không đưa ra được bằng chứng với nhưng số liệu chi tiết.

Trong cuộc đình công 24 giờ tuần trước, Reuters đánh giá có hàng triệu người dân đã hưởng ứng và tham gia đình công, chỉ có số ít người đứng ngoài cuộc vì các nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là các viên chức nhà nước do sức ép của chính quyền và ở một số khu vực có truyền thống ủng hộ phe cánh tả từ lâu.

Tổng thống Maduro đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc bỏ phiếu ngày Chủ Nhật (30/7) để thành lập Hội đồng Lập hiến, có quyền viết lại hiến pháp và thay thế quốc hội hiện thời do phe đối lập đang kiểm soát bất chấp sự phản đối mãnh mẽ từ trong nước và các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.

Một quan chức Hoa Kỳ cảnh báo rằng lệnh trừng phạt lần này chỉ là bước đầu tiên và chính phủ Trump đã sẵn sàng áp dụng các biện pháp khắc nghiệt hơn. Sự lựa chọn nghiêm trọng nhất là các biện pháp trừng phạt về tài chính có thể ngăn cản các khoản thanh toán bằng USD liên quan đến việc xuất khẩu dầu của Venezuela hoặc lệnh cấm nhập khẩu dầu vào Mỹ – khách hàng nhập khẩu hàng đầu của chế độ Maduro.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn đối với các hình thức trừng phạt đó, bao gồm cả việc có thể gây ra thêm nhiều thiệt hại cho người dân Venezuela và nâng cao giá xăng dầu trong nội địa nước Mỹ.

Ngay cả một số thành viên của phe đối lập tại Venezuela cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng họ có thể tập hợp những người ủng hộ đoàn kết dưới một lá cờ quốc gia chống lại Washington nếu chính phủ Trump đi quá xa về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt trong khi người dân Venezuela lại đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc với thiếu thốn trầm trọng lương thực và thuốc men.

Yên Sơn

Xem thêm: