Đó là thông tin mà một cựu chuyên gia máy tính Bắc Triều Tiên, người đã đào thoát sang Hàn Quốc, trao đổi với kênh ABC News sau khi báo giới đưa tin chế độ Bình Nhưỡng đã đánh cắp được các tài liệu tình báo mật từ Seoul, trong đó có cả chiến lược chiến tranh do Mỹ – Hàn phác thảo và kế hoạch ám sát Kim Jong-un.

Embed from Getty Images

Khả năng tấn công mạng của Bắc Hàn vẫn là dấu hỏi lớn với ngoại giới

Nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc, ông Rhee Cheol-hee vào thứ Ba (10/10) cho biết trong số các tài liệu mà tin tặc Bắc Hàn đánh cắp được từ Trung tâm Dữ liệu Tích hợp Quốc phòng Hàn Quốc vào tháng 9/2016 có các hồ sơ tình báo và các bức ảnh mật do quân đội Hoa Kỳ thu thập được. Tuy nhiên, phần lớn các tài liệu đều chưa được xác định và cũng không rõ tổng số tài liệu bị đánh cắp là bao nhiêu.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vào tháng 5 vừa qua lần đầu tiên đã thừa nhận máy chủ nội bộ của Trung tâm Dữ liệu Tích hợp Quốc phòng đã bị nhiễm phần mềm độc hại vào tháng 9/2016.

Tổng số dữ liệu bị đánh cắp khoảng 235 gigabyte, tương đương 15 triệu trang tài liệu. Khoảng 80% trong số tài liệu bị đánh cắp này chưa được xác định. Tuy nhiên, theo ông Rhee, một số tài liệu bị tin tặc đánh cắp là các kế hoạch của Mỹ – Hàn phác thảo để ám sát lãnh tụ tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un, cũng như thông tin tình báo đã được phân loại mà quân đội Hoa Kỳ thu thập được và chia sẻ cho các đồng nghiệp Hàn Quốc.

Ông Rhee trao đổi với ABC News rằng: “Cách thức mà [tin tặc] dùng để tấn công là vô lý. Không phải vì người Bắc Hàn đã có kỹ năng xâm nhập mạng tiên tiến, mà là do sự bất cẩn của chính phía Hàn Quốc”.

Mặc dù có những hạn chế nghiêm ngặt về an ninh trong việc sử dụng các máy tính trong lực lượng quân đội, nhưng ông Rhee nói rằng “lỗ hổng” lớn đã bị phơi bày vào những thời điểm khi mạng nội bộ và mạng ngoại tuyến được kết nối với nhau. Theo ông Rhee, các tin tặc Bắc Triều Tiên có thể đánh cắp dữ liệu nhờ vào mã độc hại mà họ cấy vào phần mềm của một công ty với vai trò nhà thầu phụ cung cấp các dịch vụ độc quyền cho quân đội Hàn Quốc.

Trước đây, Bắc Hàn cũng đã bị cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ, ngân hàng và các công ty truyền thông của Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía Bình Nhưỡng luôn phủ nhận việc họ có liên quan tới tội phạm mạng.

Tôi đưa ra cảnh báo này để thúc đẩy chính quyền mới [tại Hàn Quốc] và Bộ Quốc phòng hãy nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục để loại tổn thất tương tự như này không xảy ra thêm nữa”, ABC News dẫn phát biểu của ông Rhee.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không đưa ra bất kỳ bình luận gì với ABC News liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Đại diện của quân đội Hoa Kỳ cho biết họ đang làm việc với các đối tác quốc tế để xác minh, theo dõi và đối phó với các de dọa an ninh mạng.

Đại tá Rob Manning, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho hay: “Mặc dù tôi sẽ không bình luận về các vấn đề tình báo hoặc các sự vụ đặc biệt liên quan đến xâm nhập mạng, nhưng tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng chúng tôi tự tin vào độ an toàn của các kế hoạch hoạt động của chúng tôi và khả năng của chúng tôi trong việc giải quyết bất kỳ mối đe dọa nào đến từ Bắc Hàn”.

Trái với phát biểu tự tin của người phát ngôn Ngũ Giác Đài, nhiều chuyên gia an ninh mạng tin rằng sự tiến bộ của Bắc Hàn về kỹ năng tấn công mạng đã vượt qua mức độ quan ngại và đã tiến tới giai đoạn “có khả năng gây tổn thất cao“.

Ông Jang Se-Yul, cựu chuyên gia máy tính Bắc Hàn, người đã đào thoát sang Hàn Quốc từ năm 2004, nói với ABC News rằng: “Những gì họ [Bắc Hàn] có thể đã thực hiện bên trong Hàn Quốc là vượt xa những gì có thể tưởng tượng. Miền Bắc đã chuẩn bị cho hoạt động tấn công mạng quy mô lớn từ đầu những năm 1990. Họ đã sẵn sàng để phá hủy cơ sở hạ tầng của miền Nam bất cứ lúc nào ông Kim Jong Un bật đèn xanh”.

Ông Jang, hiện nay đang điều hành một Tổ chức Phi chính phủ chuyên giúp những người đào thoát Bắc Hàn, cho biết vào năm ngoái ông đã liên lạc với các cựu đồng nghiệp Bắc Triều Tiên của mình làm việc ở thành phố Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, miền bắc Trung Quốc. Ông Jang nói những chuyên gia máy tình này là thành viên của đơn vị hacker được phái đến từ Bình Nhưỡng để hoạt động ở Trung Quốc, lấy vỏ bọc là các lập trình viên tự do, nhưng chủ yếu làm việc nhằm mục đích thu thập thông tin liên quan đến an ninh quốc gia từ Seoul và Washington.

Ông Jang cho hay: “Những người bạn đồng nghiệp cũ của tôi hiện nay đang lãnh đạo đội ngũ an ninh mạng ở đó, đã cười nhạo vào hệ thống an ninh mạng của Hàn Quốc. Họ nói rằng tấn công vào các đối tượng của miền Nam dễ như ăn bánh. Họ đã rất tự tin và sẵn sàng hành động. Đối với họ, tấn công Hàn Quốc bằng tên lửa và vũ khí hạt nhân chỉ phí nguồn lực. Tất cả điều họ cần là biến Hàn Quốc vào tình thế hoàn toàn hỗn loạn với việc kích hoạt các phần mềm độc hại mà họ đã chuẩn bị sẵn”.

Theo ABC News, ông Jang Se-Yul từng tốt nghiệp Đại học Quân sự Mirim, hiện nay được biết đến là Đại học Quân Sự Kim Il. Ông học chuyên ngành “lập trình trò chơi chiến tranh” – học cách phát triển phần mềm mô phỏng cho quân đội.

Các chuyên ngành khác bao gồm “chương trình xâm nhập hệ thống của đối phương” – nói cách khác chính là đào tạo về hoạt động tấn công mạng.

Theo ông Jang, tại Bắc Hàn thời của ông chỉ có những đứa trẻ “sáng dạ nhất trong số những đứa giỏi nhất” ở mỗi tỉnh mới được chọn học chuyên ngành máy tính từ độ tuổi 13.

Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Thống nhất Quốc gia của Hàn Quốc, tại Bắc Triều Tiên hiện nay có khoảng 8.700 tin tặc đang hoạt động.

Xuân Thành

Xem thêm: