Tờ Blomberg (Mỹ) cho hay trong hơn 18 tháng qua, mỗi ngày Bộ Thống nhất Hàn Quốc đều cử quan chức tới ngôi làng Panmunjom sát biên giới Bắc Hàn để gọi điện cho miền Bắc vào hai khung giờ 9 giờ sáng và 4 giờ chiều. Nhưng tất cả các cuộc gọi này đều không có ai bắt máy.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người theo đường lối cấp tiến với chủ trương hòa giải với Bắc Hàn, cũng đang mất dần kiên nhẫn trước những khiêu khích ngày càng gia tăng của chế độ Kim Jong-un. 

Bộ Thống nhất Hàn Quốc với nhiệm vụ cải thiện quan hệ với Bắc Hàn và tiến tới thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình, gần đây đã đối mặt với nhiều khó khăn khi chế độ Kim Jong-un ngày càng tăng cường thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.

Trước đây chưa lâu, Bộ Thống nhất là một trong những cơ quan có quyền lực nhất của chính quyền Seoul. Bộ này có vai trò trung tâm trong việc sắp xếp hai cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên và khởi động các dự án kinh tế chung vào những năm 2000. Những động thái mang tính hòa giải này gần như đã biến mất trong gần một thập kỷ qua khi những người theo tư tưởng bảo thủ cầm quyền tại Seoul, và sự phát triển nhanh chóng chương trình hạt nhân và tên lửa ở miền Bắc.

Vấn đề hạt nhân Bắc Hàn hiện nay đã trở thành mối đe dọa toàn cầu, chứ không chỉ gói gọn tại bán đảo Triều Tiên. Gần đây, chế độ Kim Jong-un đã hai lần phóng tên lửa tầm trung bay qua miền bắc Nhật Bản và cũng đã cho thử tên lửa xuyên lục địa, khiến quốc tế lo ngại rằng chế độ Bình Nhưỡng sắp hoàn thành mục tiêu xây dựng kho vũ khí có thể tấn công Hoa Kỳ và đồng minh.

Thế giới đã đáp trả các động thái khiêu khích của Bắc Hàn bằng việc tăng nặng chế tài và gây sức ép quân sự lên Bình Nhưỡng. Trong khi đó, tại Hàn Quốc hiện nay, hầu hết các quyết định quan trọng về Bắc Hàn đều được đưa ra từ văn phòng Tổng thống và các bộ quốc phòng và ngoại giao. Bộ Thống nhất dường như chỉ còn nhiệm vụ ban hành các tuyên bố nóng về các cuộc thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng và những vụ bùng nổ tuyên truyền từ miền Bắc.

Ông Baik Tae-hyun, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất, cho hay: “Chúng ta phải có hai bàn tay mới có thể vỗ được, nhưng phía Bình Nhưỡng đang không đưa ra bất kỳ phản hồi nào cả. Nhưng điều này sẽ không kéo dài mãi. Trong quá khứ cũng có những thời điểm phải mất một thời gian lâu, khoảng một đến hai năm để mối quan hệ tan băng sau giai đoạn thù địch”.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc tháng 5 vừa qua, ông Moon Jae-in, một người theo đường lối cấp tiến, đã đắc cử, chấm dứt 9 năm cầm quyền của phe bảo thủ và dấy lên những hy vọng hàn gắn quan hệ hai miền Triều Tiên. Trong tháng 7 vừa qua, Bộ Thống nhất đã đưa ra các đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán quân sự và cứu trợ nhân đạo với miền Bắc, nhưng chế độ Kim Jong-un phớt lờ tất cả những nỗ lực phá băng này của nội các mới tại Hàn Quốc.

Bộ Thống nhất với vai trò ngày càng nhạt dần?

Tiền thân của Bộ Thống nhất Hàn Quốc là Hội đồng Thống nhất Quốc gia được thành lập vào năm 1969 vào thời điểm miền Nam do ông Park Chung-hee, một người chống cộng sản mạnh mẽ làm Tổng thống. Sau phần lớn thời gian chỉ giữ chức năng nghiên cứu, cơ quan này đã trở nên nổi bật hơn dưới thời ông Roh Tae-woo, người đã đắc cử Tổng thống vào năm 1987 sau khi các nhà lãnh đạo quân đội chấp nhận tổ chức bầu cử tự do.

Tổng thống Roh Tae-woo khi đó đã tìm cách cải thiện mối quan hệ với Bình Nhưỡng theo sau sự kiện sụp đổ Bức tường Berlin, thống nhất nước Đức theo con đường dân chủ. Ông Roh cũng nâng cấp Hội đồng Thống nhất thành một cơ quan ngang bộ. Hai miền Triều Tiên đã tổ chức được các cuộc đàn phán cấp bộ trưởng đầu tiên vào năm 1990 và cả hai đều gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1991.

Sau đó, hai Tổng thống Hàn Quốc theo đường lối cấp tiến là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã gặp mặt lãnh tụ tối cao Bắc Hàn Kim Jong-Il (cha của Kim Jong-un) trong các cuộc Hội nghị thượng định liên Triều các năm 2000 và 2007. Tuy nhiên, từ khi tiếp quản vai trò lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng từ năm 2011, ông Kim Jong-un đã cho tiến hành tới 4 trong tổng cộng 6 lần thử vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và dường như nhà lãnh đạo trẻ tuổi này không nhìn thấy giá trị gì trong việc đàm phán với Hàn Quốc.

Cũng phải nói thêm rằng, từ đầu năm 2008, phe bảo thủ lên cầm quyền tại Seoul và chủ trương cứng rắn hơn với tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, xóa bỏ tất cả những nỗ lực hòa giải trong quá khứ.

Trong nhiệm kỳ 5 năm làm Tổng thống Hàn Quốc từ đầu năm 2008, ông Lee Myung-back đã được chứng kiến những hành động thù địch của miền Bắc, điển hình là các cuộc tấn công vào một tàu chiến miền Nam và xả đạn pháo vào một hòn đảo gần biên giới khiến 50 thường dân Hàn Quốc thiệt mạng trong năm 2010. Sau đó, ông Lee nhanh chóng xem xét đóng cửa Bộ Thống nhất và chuyển chức năng của cơ quan này sang Bộ Ngoại giao.

Kế nhiệm ông Lee là bà Park Geun-hye, cũng là một nhà chính trị theo đường lối bảo thủ. Bà Park thậm chí còn công khai nói về sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại miền Bắc, khiến Bình Nhưỡng rất tức giận. Chỉ riêng năm 2016, chế độ Kim Jong-un đã hai lần thử hạt nhân và hàng chục lần thử tên lửa.

Tổng thống Park Geun-hye vào tháng 2/2016 đã cho rút các công ty Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp chung Kaesong tại biên giới Bắc Hàn – biểu tượng cuối cùng cho sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên. Một trong những bộ trưởng thống nhất của bà Park đã thấy nản lòng và cho rằng công việc của mình có thể được trao cho bất cứ ai bởi vì nó sẽ chẳng tạo ra sự khác biệt nào cả.

Ông Jeong Se-hyun, người làm việc trong Bộ Thống nhất dưới cả hai đời Tổng thống cấp tiến Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, đã nói rằng Bộ Thống nhất vẫn có vai trò quan trọng để giữ liên hệ với miền Bắc.

Ông Jeong cho hay: “Bộ phải giữ liên hệ với Bình Nhưỡng về các cuộc đàm phán quân sự và cứu trợ nhân đạo. Cơ quan này phải tiếp tục gọi điện thoại [cho miền Bắc] từ làng Panmunjom. Tình thế hiện nay có thể thay đổi nhanh chóng và Bắc Hàn có thể cảm thấy cần phải đối thoại. Khi họ trở lại đàm phán, họ có lẽ sẽ muốn giải quyết với Hoa Kỳ trước, nhưng nếu để họ cố gắng hoàn thành bất cứ điều gì trong cuộc hội đàm với Washington mà không có sự tham gia của Seoul – hoạt động đó sẽ không đi đến đâu”.

Hàn Quốc muốn lãnh đạo các cuộc đàm phán với Bắc Hàn

Khi phe cấp tiến giành lại quyền lãnh đạo Hàn Quốc từ những người bảo thủ vào tháng 5 vừa qua, chính sách của Seoul với Bình Nhưỡng đã có nhiều thay đổi.

Tổng thống Moon Jae-in chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Hàn của các đời Tổng thống  bảo thủ. Ông Moon đã nói rằng phe bảo thủ đã không làm được gì để ngăn chặn tiến bộ hạt nhân của miền Bắc và đã làm giảm tiếng nói của Seoul trong các nỗ lực quốc tế nhằm đàm phán với Bắc Hàn.

Ông Cho Myoung-gyun, đã có trải nghiệm trong việc chuẩn bị cho hai cuộc Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và trực tiếp tháp tùng Tổng thống Roh Moo-hyun gặp ông Kim Jong-Il năm 2007, được Tổng tống Moon bổ nhiệm giữ vai trò Bộ trưởng Thống nhất. Ông Moon hy vọng rằng với việc nối lại đàm phán liên Triều sẽ giúp đưa Seoul lên “ghế lái” trong vấn đề Bắc Hàn.

Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó chỉ khiến ông Moon Jae-in thất vọng. Bắc Hàn đáp trả những động thái mềm mỏng của miền Nam bằng nhiều hơn các vụ thử tên lửa và thậm chí đã thử hạt nhân lần 6 – được cho là một quả bom nhiệt hạch, có sức công phá lớn nhất so với 5 vụ thử trước đây. Hiện tại ông Moon đang đẩy mạnh các nỗ lực chuẩn bị quân sự để đối phó với miền Bắc và nói rằng đối thoại ở thời điểm hiện tại là “bất khả thi”.

Một số chuyên gia nói rằng cái giá mà Seoul phải trả cho việc giải quyết vấn đề Bắc Hàn đã quá cao. Ông Hong Min, một nhà phân tích tại Viện Thống nhất Quốc gia tại Seoul cho biết niềm tin rằng những cải thiện trong mối quan hệ liên Triều đơn thuần có thể dẫn tới các bước đột phá có ý nghĩa trong vấn đề hạt nhân là những quan điểm lạc hậu từ thời mối đe dọa từ Bắc Hàn vẫn còn yếu.

Ông Min nói: “Seoul cần phải hợp tác với cộng đồng quốc tế để đối phó với thách thức đặt ra bởi tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, thay vì tiếp cận vấn đề này theo hướng ai sẽ lãnh đạo”.

Tuy nhiên, ông Chung Dong-young, nhà lập pháp từng giữ vai trò Bộ trưởng Thống nhất dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyn, không đồng tình với quan điểm của ông Hong Min. Ông Chung cho rằng Seoul vẫn nên cố gắng dẫn dắt tiến trình này và đẩy mạnh hơn việc đàm phán lại với Bình Nhưỡng.

Khi còn là đặc phái viên của chính quyền Seoul, ông Chung Dong-young đã tới Bình Nhưỡng vào tháng 6/2005 để gặp ông Kim Jong-Il và cố gắng thuyết phục lãnh đạo Bắc Hàn quay lại các cuộc đàm phán đa phương về chương trình hạt nhân mới manh nha của Bắc Triều Tiên. Các tháng trước đó Bắc Hàn tuyên bố họ sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán sáu bên với sự tham gia của hai miền Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, được tổ chức từ năm 2003.

Cuộc gặp vào tháng Sáu giữa ông Chung và ông Kim đã giúp đưa miền Bắc trở lại bàn đàm phán tại Bắc Kinh 3 tháng sau đó. Tại lần đàm phán này, Bắc Hàn đã đồng ý chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và đổi lại được đảm bảo lợi ích an ninh và năng lượng.

Ông Chung nói rằng: “Đó là khi Hàn Quốc thực sự ngồi trên ghế lái”.

Tuy nhiên, thỏa thuận 6 bên vào tháng 9 năm 2005 đó đã sụp đổ nhanh chóng. Bắc Hàn sau đó đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 10/2006.

Tân Bình (Theo Blomberg)

Xem thêm: