Hai nhà báo người Myanmar làm việc cho Reuters bị chính quyền bắt giữ từ ngày 12/12/2017 có thể phải lĩnh án 14 năm tù chiếu theo Đạo luật Bí mật Chính thức có từ thời thuộc địa Anh.

Embed from Getty Images

Nhà báo Wa Lone bị áp giải tới Tòa án trong tình trạng bị còng tay.

Hôm thứ Tư (10/1), hai nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã được đưa tới tòa án nghe luận tội lần đầu trong 30 phút. Luật sư của họ nói với Reuters rằng các công tố viên Myanmar buộc tội ông Wa Lone và Kyaw Soe Oo theo Đạo luật Bí mật Chính thức, khả năng sẽ dẫn tới bản án nặng 14 năm tù giam.

Trước đó, vào tối ngày 12/12/2017, nhà báo Wa Lone, 31 tuổi và Kyaw Soe Oo, 27 tuổi đã bị bắt giam sau khi các sĩ quan cảnh sát mời họ lên gặp mặt.

Thành viên gia đình của hai nhà báo này nói với Reuters rằng các ông Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã bị bắt giữ tức thì ngay sau khi họ được các sĩ quan cảnh sát cung cấp một vài tài liệu không rõ nội dung.

Hai nhà báo này làm việc cho hãng tin Reuters, chịu trách nhiệm đưa tin về cuộc khủng hoảng tại bang miền tây Rakhine, nơi mà Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 655.000 người Hồi giáo Rohingya phải trốn chạy sang Bangladesh sau các cuộc đàn áp của quân đội chính phủ Myanmar từ cuối tháng 8/2017.

>>Myanmar: Hơn 6.700 người Hồi giáo Rohingya bị giết hại chỉ trong 1 tháng

Họ đã bắt chúng tôi và hành động chống lại chúng tôi vì chúng tôi đang cố gắng tiết lộ sự thật”, nhà báo Wa Lone nói với phóng viên như vậy khi cùng với nhà báo Kyaw Soe Oo bị áp giải rời phiên tòa trở lại nhà tù Insein ở thành phố Yangon sau 30 phút nghe luận tội.

Luật sư Khin Maung Zaw, người bào chữa cho hai nhà báo, cho biết bản luận tội do các công tố viên Myanmar đưa ra chiếu theo Khoản 3.1 (c) của Đạo luật Bí mật Chính thức thời thuộc địa Anh.

Đạo luật này, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và thông tin chính thức, chủ yếu liên quan đến an ninh quốc gia, được áp dụng từ năm 1923 khi Myanmar là một tỉnh của Ấn Độ, thuộc địa của Anh Quốc.

Khoản 3 của đạo luật này quy định hành vi có tội khi vào các địa điểm cấm, lấy hình ảnh hoặc xử lý các tài liệu bí mật mà “có thể hoặc có mục đích, trực tiếp hoặc gián tiếp, hữu ích cho kẻ thù“.

Bộ Thông tin Myanmar trước đó đã dẫn lời cảnh sát cho biết các nhà báo “bị bắt vì sở hữu các tài liệu chính phủ bí mật và quan trọng liên quan tới bang Rakhine và lực lượng an ninh”.  Bộ này cũng nói thêm rằng những người bị bắt “đã thu thập thông tin bất hợp pháp với mục đích chia sẻ nó cho truyền thông nước ngoài”.

Luật sư Khin Maung Zaw cho hay công tố viên đã từ chối đơn xin bảo lãnh cho hai nhà báo. Trong khi, tòa án hứa sẽ xem xét và quyết định vấn đề đó tại phiên xét xử vào ngày 23/1.

Theo Reuters, phiên tòa luận tội hai nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo thu hút khoảng 30 phóng viên, nhưng họ chỉ được đứng ở ngoài tòa án. Các nhà báo này phần lớn mặc áo đen với mục đích phản đối việc bắt giữ các đồng nghiệp của họ. Nhiều người mặc áo phông có in thông điệp: “báo chí không phải là tội phạm” và “thả các nhà báo bị bắt giữ ngay lập tức”.

Embed from Getty Images

Các nhà báo mặc áo phông đen với thông điệp “Báo chí không phải tội phạm” đứng bên ngoài phiên tòa xét xử hai nhà báo Rueters hôm 10/1.

Reuters cho biết hai nhà báo bị còng tay khi tới tòa án. Họ cũng đã được gặp thân nhân ít phút.

“Tôi đang cố gắng mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh. Tôi không bao giờ gây ra lỗi lầm gì. Tôi không bao giờ làm bất kỳ điều gì sai”, nhà báo Wa Lone khẳng định như vậy trước khi bị áp giải rời phòng xử án.

Chủ tịch kiêm Tổng biên tập Reuters Stephen J. Adler nói rằng ông cực kỳ thất vọng về việc giới chức Myanmar đang cố tìm cách truy tố hai nhà báo.

Chúng tôi xem việc này là tấn công trắng trợn, không có cơ sở vào tự do báo chí. Đồng nghiệp của chúng tôi phải được trở về với công việc của họ, đưa tin về các sự kiện tại Myanmar. Chúng tôi tin thời gian sẽ chứng minh tất cả và chúng tôi tiếp tục kêu gọi nhanh chóng thả tự do cho Wa Lone và Kyaw Soe Oo”, ông Stephen J. Adler nói.

Phát ngôn viên chính phủ Myanmar Zaw Htay từ chối bình luận về bản luận tội, nhưng cho biết hai nhà báo có quyền theo hệ thống tư pháp độc lập.

Ông Zaw Htay nói với Reuters rằng: “Thẩm phán sẽ quyết định việc họ có tội hay không dựa theo luật pháp”.

Phát ngôn viên của lực lượng quân đội Myanmar từ chối trả lời phỏng vấn của Reuters.

Các quan chức chính phủ từ nhiều quốc gia lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ, Anh Quốc và Canada, cùng các quan chức hàng đầu Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng kêu gọi giới chức Myanmar thả tự do cho hai nhà báo Reuters.

Các quan sát viên từ Liên Hiệp Quốc và từ sứ quan của một số nước như Hà Lan, Úc và Anh Quốc đã có mặt tại phòng xử án hôm 10/1.

Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar nói rằng họ “rất thất vọng” về quyết định luận tội của các công tố viên Myanmar.

Trong một tuyên bố phát đi hôm thứ Tư (10/1), sứ quán Mỹ cho hay: “Để nền dân chủ thành công và thăng hoa, các nhà báo phải được làm công việc của họ. Chúng tôi kêu gọi thả tự do ngay lập tức cho họ”.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng phát đi tuyên bố kêu gọi thả lập tức các nhà báo và yêu cầu các kênh truyền thông phải được tự do tiếp cận bang Rakhine. Giới chức Myanmar đã cấm hầu hết truyền thông tới khu vực khủng hoảng Rakhine.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga cho biết Tokyo muốn dấy lên vấn đề hai nhà báo Reuters bị bắt giữ với chính quyền Myanmar vào những thời điểm phù hợp, trong đó có chuyến thăm của Ngoại trưởng Taro Kono tới Myanmar vào tuần tới.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton hôm thứ Hai (8/1) đã đăng tweet kêu gọi các nhà báo phải được thả ngay lập tức và nói thêm rằng tự do báo chí là quan trọng cho một xã hội tự do, việc bắt giữ nhà báo ở bất kỳ nơi đâu đều không thể chấp nhận.

Ông Clinton trong những năm tại nhiệm hồi thập kỷ 90 của thế kỷ 20 đã gây sức ép mạnh mẽ để chính quyền quân sự Myanmar phải thả tự do cho nhà hoạt động dân chủ Aung San Suu Kyi sau nhiều năm bà này bị giam giữ.

Bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 và thành lập chính quyền dân sự đầu tiên ở Myanmar sau hơn nửa thế kỷ giới quân sự thao túng quyền lực. Tuy nhiên, bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thông do bị cấm bởi Hiếp pháp.

Bà Suu Kyi chưa có bất kỳ bình luận công khai nào về việc hai nhà báo Reuters bị bắt giam. Trong khi, chính quyền Myanmar lên tiếng phủ nhận việc bắt giữ này đại diện cho hành động tấn công vào tự do báo chí.

Ông Phil Robertson của Tổ chức Quan sát Nhân Quyền nói rằng: “Nếu bà Aung San Suu Kyi và chính phủ của bà thực sự quan tâm tới cải cách và điều hành dân chủ, họ cần sử dụng quyền lực đa số trong quốc hội để nhanh chóng cải tổ luật thuộc địa đã lỗi thời và khiến nó phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”.

Xuân Thành

Xem thêm: